Ủy ban thương mại Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) họp phiên thứ 2

(Banker.vn) Ngày 24/8, tại Hà Nội, Việt Nam và Vương quốc Anh đã tổ chức phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban thương mại Hiệp định UKVFTA.
Doanh nghiệp cần tận dụng tối đa những ưu đãi từ Hiệp định UKVFTA Kết quả thực hiện Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA của Bộ, ngành, địa phương năm 2022 Thứ trưởng Phan Thị Thắng tiếp Quốc vụ khanh Thương mại Quốc tế Anh Nigel Huddleston

Đoàn đại biểu Việt Nam dự họp do Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng làm trưởng đoàn với tư cách đồng chủ tọa, cùng sự tham dự của đại diện từ Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an.

Về phía Vương quốc Anh, ông Nigel Huddleston - Quốc vụ khanh phụ trách thương mại quốc tế, Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh, dẫn đầu đoàn công tác cùng sự có mặt của ông Mark Garnier - Đặc phái viên của Thủ tướng Anh, và ông Iain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sắp thăm chính thức Việt Nam
Việt Nam và Vương quốc Anh đã tổ chức phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban thương mại Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Vương quốc Anh UKVFTA tại Hà Nội

Tại phiên họp, đồng chủ tọa hai nước đã nghe đại diện cấp kỹ thuật trình bày báo cáo kết quả các các cuộc họp của các Ủy ban chuyên môn đã nhóm họp trước đó (bao gồm các Ủy ban: Thương mại Dịch vụ - Đầu tư, Thương mại Điện tử và Mua sắm Chính phủ, Thương mại Hàng hóa, Hải quan, Các biện pháp kiểm dịch động thực vật - SPS, Thương mại và Phát triển bền vững).

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sắp thăm chính thức Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng tại phiên họp

Thứ trưởng Phan Thị Thắng và Quốc vụ khanh Nigel Huddleston đánh giá cao việc các Ủy ban chuyên môn đã tổ chức họp đầy đủ và có tinh thần hợp tác tích cực, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh và chủ động chia sẻ, cập nhật lẫn nhau về các quy định pháp luật liên quan của mỗi bên, góp phần triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) trong năm thứ 2 có hiệu lực.

Bên cạnh đó, hai bên cũng thảo luận về một số vấn đề quan tâm như cải thiện cơ hội tiếp cận thị trường Anh cho gạo xuất khẩu của Việt Nam, phương pháp tính tỷ lệ tận dụng FTA.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sắp thăm chính thức Việt Nam
Ông Nigel Huddleston - Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh tại phiên họp

Kết thúc phiên họp, Thứ trưởng Phan Thị Thắng và Quốc vụ khanh Nigel Huddleston đã thống nhất hai bên sẽ tiếp tục hợp tác tích cục và chặt chẽ ở các cấp trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa việc tận dụng hiệu quả các cam kết của Hiệp định, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Theo thống nhất, phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban thương mại Hiệp định UKVFTA sẽ được tổ chức tại London vào năm 2024.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Vương quốc Anh đạt 6,83 tỷ USD trong năm 2022, tăng 3,4 % so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2023, thương mại hai chiều Việt Nam, Vương quốc Anh ở mức tương đương so với cùng kỳ năm trước; Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 3,95 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5%.

Về đầu tư, tính đến 20/7/2022, Vương quốc Anh có 536 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 4,28 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Trong 7 tháng 2023, Vương quốc Anh có tổng cộng 28 dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 44,9 triệu USD.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. Nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường Anh, trong bối cảnh nhiều quốc gia chưa có FTA với Vương quốc Anh, đón đầu làn sóng chuyển dịch nhu cầu do xu thế phát triển xanh và bền vững của nước này.

Hiệp định UKVFTA bao gồm các cam kết về thương mại, có ý nghĩa đặc biệt cho sự phát triển thịnh vượng và bền vững giữa hai nền kinh tế (Lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội…). Hiệp định được đàm phán dựa trên nền tảng các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), theo đó, về cơ bản gần như toàn bộ các cam kết về hàng hóa, dịch vụ, mở cửa thị trường đầu tư trong EVFTA vẫn được kế thừa trong UKVFTA với một số điều chỉnh cho phù hợp với mối quan hệ thương mại song phương giữa 2 nước.

Anh cam kết xóa bỏ 85,6% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực (từ 01/01/2021), xóa bỏ đến 99,2% số dòng thuế từ 01/01/2027 và 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan (với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%).

Với các cam kết này, nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, hoa quả, cà phê, gạo, dệt may, đồ gỗ… sẽ có lợi thế khi tiếp cận thị trường Anh, đặc biệt khi dư địa của thị trường này vẫn còn rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam.

Chẳng hạn, hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả của Việt Nam cũng sẽ ngay lập tức được hưởng mức thuế suất ưu đãi UKVFTA 0%, giúp cho nhiều đặc sản của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, xoài… có thêm lợi thế tiếp cận thị trường Anh trong bối cảnh các nước đối thủ cạnh tranh như Brazil, Thái Lan, Malaysia… đều chưa có FTA với nước này. Nhờ UKVFTA, các sản phẩm tôm của Việt Nam xuất khẩu sang Anh đã được xóa bỏ thuế quan về 0% ngay từ đầu năm 2021.

Hà Hương

Theo: Báo Công Thương