Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thúc đẩy việc bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài

(Banker.vn) Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vừa công bố dự thảo đề án khuyến khích, thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua phần vốn nhà nước tại một số tập đoàn, tổng công ty theo giai đoạn đến năm 2030.

Theo CMSC, việc có sự tham gia của các cổ đông là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong doanh nghiệp nói chung sẽ góp phần tăng cường công tác giám sát, công khai, minh bạch các thông tin; công tác quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế;...

2/7 tập đoàn bán vốn nhà nước thành công cho nhà đầu tư nước ngoài

Trong số 7 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đã chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, chỉ có 2 doanh nghiệp có sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài, gồm: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN)  Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX).

Hai doanh nghiệp là Vinafor và Vinafood2 có sự tham gia của cổ đông chiến lược trong nước (CTCP Tập đoàn T&T); ba doanh nghiệp là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) không có sự tham gia của cổ đông chiến lược.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có vốn của các tập đoàn, tổng công ty cũng đã thực hiện việc bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên vẫn có các trường hợp chưa thành công. Đơn cử là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) do vướng mắc về ngành nghề, tỷ lệ sở hữu, vấn đề nhà đất với Tập đoàn Jin Xin (Trung Quốc).

Còn tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc bán vốn tại EVN Genco3 không thành công do chưa có hướng dẫn về quy chế đấu giá nhà đầu tư chiến lược, thời gian diễn ra gấp nên nhà đầu tư chiến lược không có đủ thời gian để nghiên cứu và đánh giá toàn diện về doanh nghiệp, dẫn đến chưa đưa ra quyết định đầu tư.

Theo CMSC, nhà đầu tư chiến lược tham gia mua phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc Ủy ban vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như các trường hợp thoái vốn chưa thực sự nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, một số trường hợp có nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhưng quá trình mua, bán vốn lại không thành công.

Bên cạnh đó còn là một số doanh nghiệp có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài nhưng với tỷ lệ sở hữu thấp, với vai trò là nhà đầu tư tài chính (không phải là nhà đầu tư chiến lược), không đủ điều kiện chi phối, không tham gia hoặc ít có ảnh hưởng trong công tác điều hành, hạn chế trong việc cải thiện, chuyển giao công nghệ tiên tiến, không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Ngoài ra là việc pháp luật chưa có quy định tách bạch đối với trường hợp lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn.

Xây dựng lộ trình hai giai đoạn

Theo đề án, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đặt lộ trình khuyến khích khu vực đầu tư nước ngoài mua phần vốn tại doanh nghiệp nhà nước thành hai giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất 2021 – 2025, sẽ xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật riêng cho hoạt động bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Cụ thể, xây dựng quy trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mua phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của doanh nghiệp nhà nước.

Ban hành danh mục các ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh hạn chế tiếp cận; danh mục các ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh được phép tiếp cận, điều kiện tiếp cận, tỷ lệ cho phép nắm giữ vốn điều lệ đối với các doanh nghiệp trong ngành, nghề, lĩnh vực với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Đồng thời, ban hành các chính sách ưu đãi, điều kiện ràng buộc đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mua phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Trên cơ sở danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt giai đoạn 2021 -2025, CMSC sẽ xem xét, lựa chọn trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp để triển khai bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đối với các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Giai đoạn thứ hai 2026 – 2030, xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa, bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài với vai trò là nhà đầu tư chiến lược trong từng thời kỳ về danh mục doanh nghiệp, thời hạn bán vốn, tỷ lệ nắm giữ, các điều kiện chính đối với nhà đầu tư nước ngoài là nhà đầu tư chiến lược. Song song đó là thực hiện việc cổ phần hóa, bán vốn theo danh mục được phê duyệt và quy định pháp luật.

Hồng Giang

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục