Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 9

(Banker.vn) Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thẩm tra việc phê chuẩn bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực ban hành 4 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Chuẩn bị kỹ lưỡng các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 Những vấn đề được Quốc hội lựa chọn giám sát năm 2025

Ngày 5/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 9 để thẩm tra Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ về việc phê chuẩn bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Uỷ ban Đối ngoại tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 9
Uỷ ban Đối ngoại tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 9

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, kể từ khi thực hiện Hiến pháp 2013, Ủy ban Đối ngoại đã tiến hành thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc phê chuẩn bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Đồng thời, từng bước đưa công tác này đi vào nề nếp, nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm tra đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

"Thời gian qua, Ủy ban Đối ngoại đã có nhiều đổi mới công tác thẩm tra đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm Đại sứ, góp phần xây dựng nền ngoại giao Việt Nam chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại" - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nêu.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ về việc phê chuẩn bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; nghe các nhân sự được tiến cử Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam ở nước ngoài trình bày Kế hoạch công tác nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về hồ sơ trình phê chuẩn bổ nhiệm Đại sứ, tiêu chuẩn bổ nhiệm Đại sứ, định hướng công tác và chương trình hành động của các nhân sự tiến cử Đại sứ.

Các đại biểu cho rằng, hai nhân sự được tiến cử Đại sứ đều phù hợp với địa bàn tiến cử; có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm dày dạn trong công tác đối ngoại, đặc biệt là quan hệ giữa Việt Nam với nước được tiến cử; có sự am hiểu sâu sắc về địa bàn và có khả năng quản lý, điều hành và sử dụng thành thạo ngoại ngữ nước tiếp nhận.

Tại phiên họp, Ủy ban Đối ngoại nhất trí trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài tại phiên họp tháng 8 sắp tới.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục