Ưu đãi đầu tư công nghệ cao - mũi tên trúng hai đích

(Banker.vn) Trong bối cảnh mới, Việt Nam cần có ngay chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Đây là mũi tên trúng hai đích: giúp Việt Nam tận dụng được thời cơ lớn trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lôi kéo được các dự án công nghệ cao; đồng thời tránh được nguy cơ trở thành điểm đến của các dự án FDI chất lượng thấp, quy mô nhỏ.
Trong bối cảnh mới, Việt Nam cần có ngay chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Đây là mũi tên trúng hai đích: giúp Việt Nam tận dụng được thời cơ lớn trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lôi kéo được các dự án công nghệ cao; đồng thời tránh được nguy cơ trở thành điểm đến của các dự án FDI chất lượng thấp, quy mô nhỏ.
 

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Bumjim Electronics Vina (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc).

Đón đầu "sóng lớn" trong dịch chuyển sản xuất

Theo báo cáo "Dòng vốn FDI: Bền bỉ đối mặt với thách thức" do Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC vừa công bố, tỷ trọng FDI toàn cầu của khu vực ASEAN đã tăng vọt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC) năm 2008 và tăng tốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gần đây. ASEAN thu hút mức cao kỷ lục, gần 17% vốn FDI toàn cầu trong năm 2022 (tương đương khoảng 230 tỷ USD), gần gấp đôi so với bốn năm trước.

"Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã thúc đẩy các nhà đầu tư đẩy nhanh việc di dời chuỗi cung ứng sang nơi khác, trong đó ASEAN nhờ vào địa lý lân cận và các tiêu chuẩn cơ bản được cải thiện, đã hiển nhiên nổi lên như một điểm đến thay thế" và Việt Nam cũng là một trong những quốc gia được hưởng lợi chính - báo cáo nhận xét.

Trong một diễn biến khác, Việt Nam và Mỹ vừa nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện - một mốc lịch sử mở ra cơ hội có tính chất chiến lược cho Việt Nam. "Đây là điều kiện rất tốt để Việt Nam có thể tận dụng tốt chiến lược friend-shoring của Mỹ, giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển toàn diện nhằm đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045", TS Huỳnh Thế Du, chuyên gia kinh tế, bình luận trong bài viết gần đây của mình.

Chiến lược "friend-shoring", nghĩa là đưa đầu tư và chuỗi cung ứng sang các nước được coi là an toàn về mặt chính trị và kinh tế hoặc có rủi ro thấp, được Hoa Kỳ và các nước đồng minh quyết liệt thúc đẩy, lại thêm tác động của đại dịch Covid-19 nhằm bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng.

Quan sát cho thấy các doanh nghiệp của Mỹ đã bắt đầu có những hành động cụ thể, rõ nhất là Apple. Hiện tại, dù quốc gia tỷ dân vẫn đóng vai trò chủ chốt trong hoạt động của Apple nhưng công ty này bắt đầu "đặt cược" vào các thị trường khác. Theo các phân tích gần đây, đến năm 2025, có đến 25% số sản phẩm của Apple được sản xuất ngoài Trung Quốc và con số này sẽ tăng dần theo thời gian. Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia được Apple lựa chọn.

Đến nay, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. "Bộ ba" đối tác quen thuộc của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở nước ta thời gian gần đây. Bên cạnh đó, hàng loạt chuyến thăm, tìm hiểu cơ hội kinh doanh gần đây cho thấy các doanh nghiệp Mỹ đang thật sự quan tâm đến việc xây dựng các cơ sở mới hoặc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam.


Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Bumjim Electronics Vina (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc).

Tận dụng cơ hội bằng chính sách hỗ trợ đầu tư công nghệ cao

Cơ hội là có, nhưng tận dụng được hay không lại là chuyện khác. Diễn biến nêu trên đặt trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu sắp được thực thi trên diện rộng, đòi hỏi Việt Nam cần có ngay chính sách hỗ trợ đầu tư để tận dụng được làn sóng dịch chuyển sản xuất, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao là cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay nhằm bảo đảm sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư; đồng thời phù hợp với định hướng của Đảng, Nhà nước là ưu tiên thu hút các dự án FDI công nghệ cao có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đặc biệt, hiện nay các quốc gia cạnh tranh thu hút FDI với Việt Nam trong khu vực đã và đang nghiên cứu, ban hành những hình thức ưu đãi đầu tư mới, vượt trội để duy trì sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam nếu không có động thái điều chỉnh phù hợp chắc chắn sẽ "đuối sức" trong cuộc đua này. Các chuyên gia Hàn Quốc, quốc gia có nhiều dự án FDI lớn tại Việt Nam nhấn mạnh rằng, nếu các chính sách về thuế không có hiệu quả thì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam cũng như thế mạnh về giá nhân công rẻ sẽ không còn nữa.

Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt, điều quan trọng nhất là Việt Nam phải duy trì được môi trường pháp lý ổn định và môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, minh bạch; đặc biệt là cần có chính sách hỗ trợ mới cho các nhà đầu tư có đóng góp lớn cho sự phát triển của quốc gia, tuyển dụng số lượng lao động lớn, các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng xanh.

Trên thực tế, sự có mặt của các "đại bàng" công nghệ cao sẽ kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh, từ đó hình thành và mở rộng hệ sinh thái công nghệ, tạo hiệu ứng lan tỏa. Điều này đã được chứng thực từ các "trường hợp điển hình" như Samsung, LG, Canon… Khi hệ sinh thái công nghệ mở rộng, "đất" cho các dự án FDI chất lượng thấp, quy mô nhỏ khắc sẽ thu hẹp lại.

Thực tế, Việt Nam là điểm sáng thu hút FDI nhưng chất lượng FDI có xu hướng suy giảm và phần lớn doanh nghiệp FDI đang hoạt động có quy mô nhỏ và vừa, dù là theo tiêu chí về vốn, lao động hay doanh thu.

Theo khảo sát PCI-FDI 2022 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (thực hiện tại 1.282 doanh nghiệp FDI), có gần 83% số doanh nghiệp FDI có số vốn dưới 100 tỷ đồng; 1/4 doanh nghiệp FDI sử dụng dưới 10 lao động và 57,4% có dưới 50 lao động. Về doanh thu, gần 25% số doanh nghiệp FDI có doanh thu dưới 3 tỷ đồng và 77,8% có doanh thu dưới 100 tỷ đồng trong năm 2022.

Phân theo hệ thống ngành nghề, kết quả khảo sát có gần một nửa (49,5%) số doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và chế tạo; 39% trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại; 7% trong lĩnh vực xây dựng. Xét theo ngành thì phần lớn, doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành bán buôn-bán lẻ. Các ngành khác có mật độ doanh nghiệp FDI lớn là sản xuất chế biến kim loại đúc sẵn, cao-su, nhựa và sản phẩm điện tử, máy tính.

Còn theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, bình quân vốn đầu tư FDI tại Việt Nam thời gian qua khoảng 15-16 triệu USD/dự án. Tuy số dự án đầu tư vào Việt Nam tăng nhưng tổng vốn đăng ký lại giảm, do các dự án đầu tư quy mô lớn giảm. Đây là điều đáng lo ngại.

FDI đã, đang và sẽ tiếp tục là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Do đó, để phát triển bền vững và tăng cường thu hút vốn FDI, Việt Nam cần phải bắt tay ngay vào việc xây dựng chiến lược thu hút đầu tư ở những lĩnh vực ưu đãi ngoài thuế suất như hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ chi phí đầu tư tài sản cố định...

Theo Bích Ngọc/nhandan.vn
Theo: Tạp chí Ngân hàng