Ứng phó với thách thức trong bối cảnh biến động toàn cầu: Ngân hàng cần chuyển đổi với trụ cột là công nghệ

(Banker.vn) Tại Hội thảo Ứng phó với những thách thức và gián đoạn trong hệ sinh thái toàn cầu đầy biến động được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Hiệp hội Ngân hàng châu Á (ABA) lần thứ 37, các chuyên gia cho rằng hệ thống tài chính là trọng tâm trong quá trình phục hồi từ đại dịch COVID-19 và ngân hàng số là xu thế để thích ứng với tình trạng bình thường mới từ đại dịch.

Từ ngày 24- 27/8/2021, Hiệp hội Ngân hàng châu Á (ABA) tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 37 dưới hình thức trực tuyến với chủ đề: Các Ngân hàng châu Á - tăng trưởng bền vững trong tình hình bình thường mới. Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng tham dự Hội nghị.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục có tác động tàn phá đến các thị trường toàn cầu, các quốc gia trên thế giới đang tập trung mạnh mẽ vào việc chuyển đổi nền tảng kinh tế, chuẩn bị cho một hành trình dài và nhiều khó khăn phía trước, Hội thảo là cơ hội để chia sẻ về những thách thức và gián đoạn do đại dịch gây ra cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời thảo luận về các giải pháp sáng tạo để thích ứng với tình trạng bình thường mới từ đại dịch.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Jonathan Alles, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng châu Á, Giám đốc điều hành và CEO Hatton National Bank nhận định đây là giai đoạn khó khăn, giai đoạn mà kinh tế và sức khỏe thế giới đầy biến động, dịch bệnh ảnh hưởng mọi lĩnh vực cuộc sống, ảnh hưởng dến lĩnh vực tài chính cũng như các tổ chức tài chính ở nhiều khía cạnh. Khối ngân hàng chịu ảnh hưởng đa diện đặc biệt là các vấn đề lãi suất và sự ảnh hưởng này ở các nước đang phát triển nghiêm trọng hơn nơi mà các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Trên khắp thế giới, các Chính phủ và ngân hàng trung ương có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời để giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp và người dân, nhiều gói hỗ trợ tài chính được đưa ra nhằm tăng tính thanh khoản trên thị trường, hỗ trợ người dân mất việc làm trong đó các ngân hàng là nhân tố quan trọng.

Tuy nhiên, dịch bệnh nghiêm trọng khiến các ngân hàng gặp phải nhiều khó khăn. Tình hình mới đòi hỏi các ngân hàng triển khai các công cụ mà họ đã phát triển để ứng phó với các khó khăn hiện nay. "Chúng ta cần đánh giá đúng các khó khăn của COVID-19, chẳng hạn giảm lãi suất làm giảm khả năng sinh lời, tăng rủi ro trong khi ngân hàng có vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi của nền kinh tế, hỗ trợ hoạt động kinh doanh an toàn và hiệu quả" - ông Jonathan Alles nói.

Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

TS. Taimur Baig, Giám  đốc  điều  hành  và  chuyên  gia kinh tế trưởng, bộ  phận  nghiên  cứu tập đoàn DBS nhận định về nguy cơ khủng hoảng nợ công khi một số nước trong khu vực châu Á có tỷ lệ đòn bẩy rất cao, một số quốc gia tạo ra gánh nợ công lớn hơn trước khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện và không quốc gia nào có thể đứng ngoài rủi ro lãi suất âm. Điều này có thể dẫn đến mức thuế suất cao, thuế bất động sản, thuế tài sản có thể sẽ tăng, khối ngân hàng cần phải sử dụng công nghệ để thúc đẩy các hoạt động dịch vụ, cải thiện hiệu quả hoạt động. Phát biểu tại hội thảo, TS. Donghyun Park, chuyên gia kinh tế cấp cao bộ phận nghiên cứu kinh tế vi mô, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định dịch bệnh đang rất căng thẳng, còn rất xa để đạt được miễn dịch cộng động ở các nước đang phát triển. Dịch bệnh COVID-19 tác động lớn đến tăng trưởng. Mặc dù các nước trong khu vực đang nỗ lực phục hồi nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn trong bối cảnh các đợt bùng phát mới và sự phục hồi phân kỳ sẽ tiếp tục diễn ra.

Ông  Ashiwini Kuma Tewarii, Giám  đốc điều hành (IB, T&S), Ngân  hàng  Nhà  nước  Ấn  Độ cho hay Ấn Độ trải qua thời gian lockdown hoàn toàn kéo dài 3 tháng. Điều nảy đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế nhưng với quá trình tiêm vắc-xin được đẩy nhanh, Ấn Độ hy vọng có sự phục hồi trong quý III/2021. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ kiểm soát tốt tài sản và nợ xấu, Chính phủ có gói hỗ trợ người nghèo, người chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh. Khối doanh nghiệp siêu nhỏ có gói hỗ trợ từ Chính phủ, bảo lãnh, cứu trợ khẩn cấp. Ông Ashiwini Kuma Tewarii cho biết, đại dịch tạo ra nhiều thay đổi, xu hướng làm việc ở nhà hoặc kết hợp làm việc ở nhà và làm việc trực tiếp trở nên phổ biến. Các dịch vụ ngân hàng số được đẩy mạnh, giao dịch số ngày càng gia tăng. Theo ông Ashiwini Kuma Tewarii, ngân hàng cần tăng cường khả năng thích ứng khi gặp các cú sốc.

Chia sẻ về thích ứng trong đại dịch COVID-19, ông In Joong Hwang, đại diện LineBank (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết trong đại dịch các ngân hàng đều nỗ lực cung cấp các dịch vụ tài chính cho người dân với xu hướng số hóa. Đây là trụ cột quan trọng trong tình hình mới. Thanh toán số phát triển khắp nơi trên thế giới và châu Á đóng góp lớn vào xu thế này.

“Một thế hệ trẻ - GenZ sử dụng điện thoại gần 6h mỗi ngày với cuộc sống chủ yếu là online, ngay cả tìm kiếm thông tin, bình luận về sản phẩm dịch vụ cũng trên nền tảng internet thay vì xem ti vi như trước đây. Do đó, ngân hàng muốn tiếp cận khách hàng trẻ cũng cần phải thay đổi” – ông In Joong Hwang nói.

LineBank đã xây dựng app online cung cấp các dịch vụ trên nền tảng trực tuyến để đáp ứng xu hướng này, các dịch vụ của ngân hàng được tích hợp trên nền tảng này trong đó chú trọng tính năng thanh toán trực tuyến với phương châm lấy người sử dụng làm trung tâm, cung cấp dịch vụ 24/7, hỗ trợ khách hàng toàn thời

“Xu hướng trong tình hình mới là ứng dụng AI, tăng cường trải nghiệm khách hàng, sử dụng eKYC giảm các bước thủ công trong quá trình thẩm định phê duyệt, sử dụng chatbox để tư vấn khách hàng. Công nghệ giúp ngân hàng giảm chi phí và ngân hàng có điều kiện chia sẻ với khách hàng cung cấp các sản phẩm dịch vụ với chi phí hấp dẫn hơn” – ông In Joong Hwang nhấn mạnh.

Bùi Trang

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ