Ứng phó với quy định mới tại EU: Doanh nghiệp dệt may lưu ý gì?

(Banker.vn) Kết hợp chặt chẽ cùng đối tác để nắm rõ thông tin là một trong những khuyến cáo quan trọng giúp doanh nghiệp dệt may ứng phó với quy định mới tại EU.
Ngành dệt may giải bài toán xuất xứ hàng hoá trong hiệp định EVFTA Doanh nghiệp dệt may kiến nghị “mềm hóa” quy tắc xuất xứ trong CPTPP

EU là thị trường xuất khẩu truyền thống, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Tuy nhiên, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - lo lắng, tăng trưởng xanh, bền vững đang được EU đẩy mạnh thực hiện thông qua triển khai các đạo luật, như: Đạo luật tra soát chuỗi cung ứng của Đức, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của EU... là thách thức lớn với doanh nghiệp dệt may trong nước. “Đáng lo, doanh nghiệp đang rất thiếu thông tin về cách thức triển khai các đạo luật này”, ông Cẩm cho hay.

Chia sẻ với nỗi lo của đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, bà Nguyễn Hồng Hạnh - Đại diện Thương vụ Việt Nam tại EU - cho hay: Dệt may là một trong những đối tượng của một số quy định liên quan đến tăng trưởng xanh đã và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, trong đó, đáng lưu ý là quy định về Thiết kế sinh thái (Eco Design) mới có hiệu lực từ ngày 18/7/2024.

Dệt may. Ảnh: Băng Tâm
Ứng phó với quy định mới tại EU: Doanh nghiệp dệt may lưu ý gì? Ảnh: Băng Tâm

Quy định này không đưa ra những tiêu chuẩn về thiết kế sinh thái mà còn đưa ra quy định EU sẽ ban hành các đạo luật cho từng loại sản phẩm. Tiếp đó là hộ chiếu sản phẩm dự kiến có hiệu lực vào năm 2026. Qua hộ chiếu sản phẩm, EU kỳ vọng có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và quy định về thu gom các chất thải, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Một đạo luật nữa rất quan trọng là đạo luật chống phá rừng, có hiệu lực vào tháng 6/2023, kể từ ngày 30/12/2024, doanh nghiệp có sản phẩm bán tại thị trường EU đều phải thực hiện báo cáo thẩm định theo quy định của đạo luật này. “Dự kiến, trong tháng 8/2024, EU sẽ đưa ra hướng dẫn qua video; tháng 10/2924, hướng dẫn bằng văn bản; từ tháng 12/2024, doanh nghiệp có thể sẽ phải báo cáo thẩm định”, bà Nguyễn Hồng Hạnh cho hay.

Để ứng phó hiệu quả với các quy định, đạo luật trên - đại diện Thương vụ Việt Nam tại EU - kiến nghị, doanh nghiệp dệt may triển khai các quy định trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, nhất là quy định liên quan đến phát triển bền vững; có kế hoạch kiểm soát tác động đến môi trường để tiếp tục duy trì lợi thế. “Qua các cuộc làm việc, Hiệp hội dệt may, da giày của EU đồng thuận nhận định chiến lược phát triển quan trọng là phải chuyển đổi năng lượng vì hiện tại, EU có những chính sách rất trọng tâm về chuyển đổi năng lượng xanh” - đại diện Thương vụ Việt Nam tại EU cho hay.

Bà cũng kiến nghị, bên cạnh việc tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại thị trường này cũng là giải pháp quan trọng. Hiện tại, EU đang tập trung đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Ấn Độ và Indonesia. Đây là hai đối thủ cạnh tranh về mặt hàng dệt may, da giày lớn của Việt Nam tại EU. Do vậy, tập trung cho công tác xúc tiến thương mại là rất cần thiết.

Ngoài ra, để tìm hiểu thông tin về các đạo luật, quy định, doanh nghiệp trong nước cần chủ động theo dõi và tìm kiếm thông tin để hiểu và triển khai thực hiện qua các nguồn; phối hợp với đối tác EU để cập nhật thông tin, bởi họ hiểu được thị trường EU và có liên hệ với những công ty tư vấn về môi trường sẽ hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp trong việc thẩm định cũng như tư vấn đáp ứng các quy định mới về thiết kế sinh thái, dấu chân carbon.

Bên cạnh công tác xúc tiến thương mại, ở góc độ thị trường Thụy Điển, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển - cũng lưu ý, hiệp hội và doanh nghiệp trong nước nên quan tâm khi phát triển thị trường tại thị trường mới và nhỏ như Bắc Âu cần nắm được xu hướng và nhu cầu tiêu dùng để chào được mặt hàng phù hợp.

Trong lĩnh vực dệt may, da giày, nội thất khu vực Bắc Âu là đang nổi lên xu hướng màu sắc liên quan đến phát triển bền vững. Người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng quan tâm đến sức khỏe và thể hiện qua việc chọn màu sắc tự nhiên, không có hóa chất, tức là càng sử dụng ít hóa chất để tạo màu càng tốt. Bên cạnh đó, nhận thức của người tiêu dùng Bắc Âu về sự cần thiết phải làm chậm lại và giữ chu kỳ màu sắc lâu hơn ngày một rõ nét, điều này cũng phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Do vậy, sản phẩm cần có vòng đời kéo dài giúp giảm chất thải ngày càng quan trọng, đặc biệt đối với thị trường có ý thức về bảo vệ môi trường cao như các nước Bắc Âu.

Nghiên cứu kỹ xu hướng tiêu dùng tại Bắc Âu, doanh nghiệp Việt Nam có thể tạo ra những sản phẩm thu hút người tiêu dùng. Việc áp dụng chiến lược coi trọng tính bền vững, sự tối giản và tính thẩm mỹ tự nhiên không chỉ phù hợp với xu hướng toàn cầu mà còn giúp định vị sản phẩm của Việt Nam” - bà Thúy nhấn mạnh

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục