Ứng dụng mua sắm của Trung Quốc tiềm ẩn rủi ro bảo mật thông tin khách hàng?

(Banker.vn) Ứng dụng mua sắm Temu của Trung Quốc đã gây bão trên toàn thế giới, thu hút người mua với mức giá siêu rẻ nhờ nguồn hàng được gửi trực tiếp từ Trung Quốc. Tuy nhiên ứng dụng này cũng gây không ít lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin.

Khi Temu ra mắt thông qua quảng cáo tại sự kiện thể thao lớn nhất nước Mỹ Super Bowl vào đầu năm 2023, nhiều người hâm mộ Bóng bầu dục Mỹ đã không khỏi tò mò trước slogan "mua sắm như một tỷ phú".

Vào thời điểm đó, gần 11 triệu người Mỹ đã biết về Temu và tải ứng dụng. Nhiều người đã sử dụng nền tảng trực tuyến này để mua quần áo hoặc đồ gia dụng giảm giá từ các nhà cung cấp có trụ sở tại Trung Quốc và được vận chuyển trực tiếp từ nhà sản xuất.

Có mặt tại Mỹ từ tháng 9/2022, nền tảng thương mại điện tử Temu đã có những bước tiến vượt trội. Trong tháng đầu tiên, Temu có 4,5 triệu người dùng ở Mỹ. Theo công ty tư vấn GWS Magnify, tính đến tháng 7/2023, Temu đã có 77,3 triệu người dùng, cao hơn gấp đôi so với đầu năm.

Hơn nữa, ứng dụng này đang thu hút được sự tương tác đáng kể. Paul Carter, Giám đốc điều hành của GWS Magnify cho biết: “Người dùng ở Mỹ đang dành thời gian cho ứng dụng Temu mỗi ngày lâu hơn gần 10 phút so với Amazon và Shein”. Mặc dù con số chưa đáng kể, nhưng cộng lại mức độ tương tác đủ cho thấy tiềm năng của công ty trong việc trở thành một đối thủ cạnh tranh lớn trên thị trường.

Giá hàng hóa trên Temu có thật sự rẻ như lời quảng cáo?

Trong vài tháng liên tiếp, Temu đã xuất hiện ở các thị trường khác ngoài Mỹ. Tính đến nay, Temu đã có mặt ở 39 quốc gia trên toàn cầu - từ châu Âu đến Nhật Bản và Úc.

Nền tảng này thu hút người mua hàng với mức giá thấp nhất vì nó loại bỏ phần trung gian bằng mô hình kinh doanh từ nhà máy đến người tiêu dùng. Bruce Winder, nhà phân tích bán lẻ tại Toronto cho biết, Temu là một lựa chọn mới khi người tiêu dùng đang phải đối mặt với lạm phát sau đại dịch COVID - 19 và các chi phí cao hơn khác.

Ông Winder nhận định: “Temu cung cấp các mức giá siêu rẻ mà theo truyền thống không tìm được ở các cửa hàng bán lẻ phương Tây, đồng thời cho phép khách hàng tiếp cận với nhiều loại sản phẩm đa dạng. Ứng dụng này cung cấp một mô hình mua sắm trực tiếp tại nhà máy và đây là giải pháp có giá trị vào thời điểm mà lạm phát khiến cho các chi phí về thực phẩm, nhà ở và khí đốt đã chiếm phần lớn số tiền của người tiêu dùng."

Tuy nhiên, ứng dụng này phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm giảm giá và các mã quà tặng để thúc đẩy việc mua hàng. Kể từ khi ra mắt, Temu cũng đầu tư vào quảng cáo trực tuyến và khuyến khích những 'Người ảnh hưởng' (influencer) đăng các video thu hút để giới thiệu những món đồ họ đã mua và đưa ra gợi ý.

Ảnh hưởng tới môi trường

Thành công của Temu đã vấp phải rất nhiều sự chỉ trích từ các nhà hoạt động môi trường vì làn sóng hàng hóa giá rẻ và thời trang nhanh gây lãng phí. Việc vận chuyển các gói hàng riêng lẻ đi khắp thế giới kéo theo mối lo ngại về việc làm tăng thêm lượng khí thải CO2 toàn cầu .

Đặc biệt, các quy định lỏng lẻo của Mỹ đã khiến điều này trở thành hiện thực. Hầu hết các gói hàng được gửi đến Mỹ có giá trị dưới 800 USD đều không phải chịu thuế. Điều đó có nghĩa là nếu một công ty mua một gói hàng có 10.000 chiếc áo thì sẽ phải nộp thuế nhập khẩu. Nếu tất cả 10.000 chiếc áo sơ mi đó được gửi riêng lẻ thì sẽ không phải đóng thuế.

Dữ liệu hải quan Mỹ cho thấy hơn 10% giá trị hàng nhập khẩu của Trung Quốc hiện được gửi trực tiếp đến khách hàng, trong khi con số này của thập kỷ trước chỉ là dưới 1%.

Vào năm 2021, Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực New York ước tính rằng Mỹ mất tới 10 tỷ USD tiền thuế mỗi năm theo cách này, theo một báo cáo do Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung đưa ra vào tháng 4.

Báo cáo nhấn mạnh những mối lo ngại khác với Temu như vấn đề vi phạm bản quyền và bán hàng chất lượng kém.

Ảnh hưởng tới thông tin người tiêu dùng

Nhưng mức giá siêu rẻ, ảnh hưởng môi trường hay hàng giả chưa phải là điều khiến chính phủ lo lắng so với vấn đề an ninh mạng và thông tin người tiêu dùng.

Các quan chức Mỹ không hài lòng về việc dữ liệu người tiêu dùng bị các công ty như Temu, Shein và TikTok thu thập. Trong năm qua, đã có rất nhiều lời kêu gọi cấm hoặc hạn chế TikTok vì lo ngại an ninh mạng. Và công nghệ Trung Quốc đã bị chặn khỏi nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở phương Tây như mạng 5G.

Temu thuộc sở hữu của PDD Holdings, công ty cũng sở hữu Pinduoduo, một nhà bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc. Trong báo cáo "Các thị trường hàng giả và vi phạm bản quyền" năm 2022, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã liệt kê cái tên Pinduoduo. Vào tháng 3/2023, ứng dụng Pinduoduo đã bị xóa khỏi Google Play Store vì nghi ngờ có phần mềm độc hại.

Sự chú ý này đã khiến Temu cố tránh với công ty mẹ và Trung Quốc. Đối với khách hàng Mỹ, công ty đã chuyển hoạt động sang Boston. Đối với các thị trường khác, Temu được đăng ký ở Ireland. Tuy nhiên, liệu điều này có thực sự làm cho dữ liệu của người dùng được giữ bên ngoài Trung Quốc không vẫn còn chưa rõ.

Lindsay Gorman, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ German Marshall cho biết, gần như không thể đảm bảo đích đến cuối cùng của dữ liệu sẽ không phải là Trung Quốc. Tuy nhiên, theo bà, điều đáng quan tâm hơn là đó là loại dữ liệu nào.

Bà Gorman cho biết thêm: “Tất cả các nền tảng công nghệ ở mức độ này hay mức độ khác đều coi dữ liệu là tài sản chiến lược. Không thể phủ nhận việc theo dõi người dùng của các nền tảng đến từ Trung Quốc”.

Khi giá cả cạnh tranh với quyền riêng tư

Mặc dù trang web của Temu lưu ý rằng "tất cả dữ liệu sẽ được mã hóa", các chuyên gia như Gorman vẫn kêu gọi sự minh bạch hơn, đặc biệt là khi nói đến cách theo dõi người dùng.

Mặc dù bà Gorman nhận thấy mô hình mua hàng trên Temu ít nhạy cảm hơn so với video hoặc tin nhắn trên TikTok, nhưng rủi ro bảo mật dữ liệu lớn nhất ở đây đáng lo ngại. Bà nói: “Tại sao một nền tảng thương mại điện tử lại yêu cầu quyền truy cập thông tin mạng Bluetooth và Wi-Fi? Đó là mối lo ngại thực sự về quyền riêng tư”.

Tuy nhiên, khi các nước lo ngại về sự phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc, khách hàng lại đổ xô đến sử dụng công nghệ này. Bruce Winder cho biết, trong hầu hết các trường hợp, những lo lắng về quyền riêng tư, tiêu chuẩn lao động kém và bảo vệ môi trường đều bị yếu tố giá rẻ lấn át.

“Tôi nghĩ nhiều người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận rủi ro về quyền riêng tư và nhắm mắt làm ngơ trước những rủi ro xã hội tiềm ẩn khác khi họ đang gặp khó khăn về tài chính.”

Mai Chi

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ