Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - chủ đề của chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023

(Banker.vn) Ngày 11/5/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức họp báo công bố sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023. Tham dự họp báo có ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, bà Hoàng Thanh Nhàn - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng, ông Đoàn Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (NHNN); cùng dự còn có đại diện Lãnh đạo Vụ Truyền thông, Văn phòng NHNN, các vụ, cục thuộc NHNN, một số ngân hàng thương mại (NHTM) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Ngày 11/5/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức họp báo công bố sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023. Tham dự họp báo có ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, bà Hoàng Thanh Nhàn - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng, ông Đoàn Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (NHNN); cùng dự còn có đại diện Lãnh đạo Vụ Truyền thông, Văn phòng NHNN, các vụ, cục thuộc NHNN, một số ngân hàng thương mại (NHTM) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
 
 

Toàn cảnh buổi họp báo
 
Thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả chuyển đổi số của ngành Ngân hàng

Tiếp nối thành công sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2022, năm 2023, NHNN tổ chức sự kiện Ngày chuyển đổi ngành Ngân hàng năm 2023 với Chủ đề thông điệp “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số” dự kiến vào ngày 18/5/2023. Chủ đề này khẳng định sự quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) cũng như Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN giữa Bộ Công an và NHNN; trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) để làm sạch dữ liệu khách hàng và phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngành Ngân hàng (như chấm điểm tín dụng, xác thực khách hàng trực tuyến, xác thực thông tin đa chiều...).

Bên cạnh đó, sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm nay được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả ngành Ngân hàng đạt được sau 02 năm triển khai Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời hưởng ứng thông điệp của Thủ tướng Chính phủ “Năm 2023 - năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”. Sự kiện năm nay tiếp tục góp phần đẩy mạnh việc triển khai các nhiệm vụ Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tài chính toàn diện, đồng thời lan tỏa tinh thần, chuyển đổi nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành Ngân hàng về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.

Trước bối cảnh mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và sự nổi lên của công nghệ tài chính - Fintech, chuyển đổi số trở thành lựa chọn bắt buộc đối với ngành Ngân hàng Việt Nam, là hướng đi tất yếu giúp ngành Ngân hàng thích ứng và vượt lên thách thức của CMCN 4.0. Triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia, nhận thức rõ cơ hội lẫn thách thức, NHNN đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN) với quan điểm lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả chuyển đổi số. Sau gần 02 năm triển khai Quyết định số 810/QĐ-NHNN, hoạt động chuyển số ngành Ngân hàng đã ghi nhận những thành tựu rõ nét.

Minh họa cho hiệu quả của việc chuyển đổi số trong thời gian qua, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết: Khuôn khổ pháp lí, cơ chế, chính sách cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), chuyển đổi số ngành Ngân hàng tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM, ứng dụng công nghệ mới và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng. NHNN đã trình Chính phủ bộ hồ sơ Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về TTKDTM, đồng thời nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn nhằm tạo cơ sở pháp lí đồng bộ, thống nhất các quy định, cơ chế, chính sách mới. Bên cạnh đó, NHNN làm đầu mối nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0. NHNN tiếp tục tổ chức triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy TTKDTM và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.
 


Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán phát biểu tại buổi họp báo

 
Về hạ tầng, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hoạt động an toàn, hiệu quả, thông suốt, đáp ứng nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc. NHNN chỉ đạo xây dựng đưa vào vận hành hệ thống bù trừ điện tử phục vụ các giao dịch bán lẻ với khả năng thanh toán thời gian thực, hoạt động liên tục 24/7, xử lí giao dịch đa kênh có khả năng tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số.

“Có thể nói, toàn ngành Ngân hàng hết sức quan tâm đến nâng cấp hạ tầng, công nghệ. Không chỉ NHNN, mà tất cả các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đều quan tâm để có thể nâng cấp hạ tầng của mình nhằm đáp ứng giao dịch ngày càng nhiều, ngày càng lớn của khách hàng. Cùng với đó, hệ thống thông tin tín dụng của NHNN được nâng cấp để tăng khả năng xử lí cũng như cập nhật dữ liệu trong và ngoài Ngành”, ông Phạm Anh Tuấn khẳng định.

Ngành Ngân hàng được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, có mức độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất khu vực

Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Hoàng Thanh Nhàn - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng cho biết: Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian vừa qua, ngành Ngân hàng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực, chủ động, ứng dụng mãnh mẽ công nghệ số vào các hoạt động ngân hàng, phát triển mô hình ngân hàng số, tạo lập hệ sinh thái ngân hàng số, cung ứng những sản phẩm an toàn, tiện ích, chất lượng nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, từ đó góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số. Với những kết quả đạt được, Việt Nam là một trong những nước được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá tích cực. Ngành Ngân hàng cũng được đánh giá tốt, có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, tăng từ 41% năm 2015 lên 82% năm 2021, cao hơn mức tăng bình quân 23% toàn khu vực.
 

Bà Hoàng Thanh Nhàn - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng phát biểu tại buổi họp báo
 
Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, NHNN được xếp hạng nhất về an toàn thông tin mạng, thứ hai về kiến tạo thể chế và thứ tư về hoạt động chuyển đổi số. 95% TCTD đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số tại đơn vị mình. Nhiều TCTD chuyển đổi số ở tốp đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; nhiều TCTD có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỉ lệ chi phí trên thu nhập xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỉ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang nỗ lực hướng tới; công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin được chú trọng.

Các chỉ số TTKDTM tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch. Trong 3 tháng đầu năm 2023 so với cùng kì năm 2022: Giao dịch TTKDTM tăng 53,51% về số lượng; qua kênh Internet tăng 88,11% về số lượng và 7,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 65,55% và 13,31%; qua phương thức QR Code tăng tương ứng 160,71% và 43,84%; qua POS tăng tương ứng 37,57% và 32,09%; giao dịch qua ATM giảm 2,37% về số lượng và 4,02% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, TTKDTM. Tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,55% về giá trị; qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và 18,55% về giá trị.

Tích cực, quyết liệt trong triển khai thực hiện Đề án 06

Thời gian qua, NHNN là một trong số các bộ, ngành đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương về tinh thần tích cực, quyết liệt trong triển khai thực hiện Đề án 06. Thống đốc NHNN đã thành lập Tổ Công tác của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06 và ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06 giai đoạn 2022 - 2025 và kế hoạch nhiệm vụ chi tiết từng năm. Ngày 24/4/2023, Thống đốc NHNN và Lãnh đạo Bộ Công an đã kí Kế hoạch phối hợp thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06; trong đó nêu cụ thể các nhiệm vụ, giao đơn vị đầu mối với sản phẩm đầu ra và thời hạn hoàn thành. Đây là căn cứ quan trọng để các đơn vị thống nhất triển khai thực hiện.

Nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nên việc ngành Ngân hàng đã gặt hái một số kết quả tích cực trong triển khai Đề án 06. Đó là dịch vụ công của NHNN (cấp chứng thư số cá nhân) đã hoàn thành kết nối, khai thác CSDLQGVDC chính thức từ tháng 12/2022. NHNN đã phối hợp với C06 - Bộ Công an đối soát, làm sạch 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Hiện đang tiếp tục rà soát làm sạch 26 triệu hồ sơ khách hàng…

Về phía các TCTD, năm 2022 một số đơn vị đã phối hợp với C06 - Bộ Công an hoàn thành triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực qua Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp trong một số nghiệp vụ như xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch; xác thực, định danh khách hàng giao dịch tại ATM và đã bước đầu cung cấp dịch vụ thử nghiệm tại một số chi nhánh trên địa bàn Thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh từ tháng 5/2022, hiện đang triển khai mở rộng. Năm 2023, một số ngân hàng như Ngân hàng Thương mại cổ phần (NHTMCP) Ngoại thương Việt Nam đã lập kế hoạch triển khai chính thức giải pháp sử dụng thiết bị di động (do ngân hàng mua sắm cho nhân viên) cài đặt ứng dụng xác thực khách hàng qua CCCD gắn chíp (giải pháp Match on Card - MoC) và cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân, bước đầu mở rộng cho toàn bộ chi nhánh trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong tháng 5/2023; NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng đã hoàn thành 02 gói thầu mua sắm trang thiết bị để triển khai giải pháp xác thực khách hàng bằng CCCD gắn chíp khi cung cấp dịch vụ rút tiền tại máy giao dịch tự động, xác thực khách hàng tại quầy, một số ngân hàng đã phối hợp với C06 thử nghiệm hệ thống chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư. Ngoài ra, nhằm thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện của Chính phủ và góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen, NHTMCP Công Thương Việt Nam đã triển khai các hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử và đặc biệt là cho vay tín chấp đối với các món nhỏ. Thông qua việc tiếp cận và khai thác CSDLQGVDC, NHTMCP Công Thương Việt Nam có thể đánh giá được khả năng trả nợ và đẩy nhanh quá trình phê duyệt khoản vay, góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen.


Sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023 gồm hội nghị chuyên đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số”; triển lãm trưng bày mô phỏng các sản phẩm, dịch vụ nổi bật, tiêu biểu trong chuyển đổi số của các ngân hàng và một số tổ chức trung gian thanh toán. Tại Hội nghị sẽ có Lễ trao Bằng khen của Thống đốc NHNN cho một số tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

Tham dự sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023 có lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành (Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông…), lãnh đạo NHNN; đại diện các vụ, cục chức năng của NHNN; các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; các chuyên gia kinh tế; các cơ quan thông tấn báo chí…

Hiện có 14 đơn vị tham gia Triển lãm là NHTMCP Công Thương Việt Nam, NHTMCP Ngoại thương Việt Nam, NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, NHTMCP Kỹ thương Việt Nam, Shinhan Bank, NHTMCP Phương Đông, NHTMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, NHTMCP Nam Á, NHTMCP Tiên Phong, NHTMCP Quân đội, NHTMCP Hàng Hải, Công ty cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam, Công ty cổ phần dịch vụ Epay và 04 đơn vị đại diện ngành giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu tại sự kiện.
 
Đào Đức Thuận
 
 
 

Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục