Ukraine có thể “kích động” xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Nga; kế hoạch bất ngờ của ông Biden với Kiev

(Banker.vn) Ukraine có khả năng bất chấp các điều kiện sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ nhằm cố gắng “kích động” cuộc xung đột vũ trang công khai giữa Moscow và Washington.
Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 28/5/2024: Hầu hết các nước EU đều ủng hộ mở rộng xung đột ở Ukraine Chiến sự Nga-Ukraine 29/5/2024: NATO nói về thời điểm khó khăn nhất đối với Ukraine kể từ khi bắt đầu xung đột Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 30/5/2024: Ukraine bị lôi kéo vào xung đột mà không có kế hoạch

Ukraine có thể “kích động” xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Nga

Hãng tin TASS dẫn lời chuyên gia Mỹ giấu tên khi bình luận về quyết định cho Ukraine tấn công bằng vũ khí Mỹ vào lãnh thổ Nga: Ukraine có khả năng bất chấp các điều kiện sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ nhằm cố gắng “kích động” cuộc xung đột vũ trang công khai giữa Moscow và Washington; đồng thời trực tiếp lôi kéo Mỹ vào hành động chống Nga.

Động thái của Tổng thống Biden thể hiện nỗ lực củng cố hệ thống phòng thủ đang suy yếu của Ukraine ở Kharkiv, đồng thời tìm cách tránh sự leo thang triệt để sẽ xảy ra sau các cuộc tấn công vào Moscow hoặc cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga”, chuyên gia Mỹ nhận định.

Nga-Ukraine
Ukraine có khả năng bất chấp các điều kiện sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ nhằm cố gắng “kích động” cuộc xung đột vũ trang công khai giữa Moscow và Washington. Ảnh: RIA Novosti

Theo chuyên gia Mỹ, Washington hy vọng Moscow sẽ thể hiện sự kiềm chế, giống như trường hợp của các hình thức hỗ trợ trước đây của Mỹ dành cho Ukraine. Tuy nhiên, đây là một bước đi cực kỳ nguy hiểm, ngay cả khi không tính đến mọi thứ khác, vẫn có nguy cơ chính phủ hoặc quân đội Ukraine sẽ phớt lờ những hạn chế do chính quyền Tổng thống Biden đặt ra và tấn công sâu vào Nga nhằm “kích động” cuộc đối đầu giữa hai bên.

Trước đó, Lầu Năm Góc xác nhận chính quyền Mỹ đã đồng ý cho Ukraine tấn công bằng vũ khí Mỹ vào lãnh thổ Nga. Ngày hôm sau, Nội các Đức tuyên bố, vũ khí của Đức có thể được sử dụng để bảo vệ trước các cuộc tấn công của Nga ở Kharkiv. Tuy nhiên, hiện tại không có sự thống nhất giữa các nước phương Tây về việc hạn chế sử dụng vũ khí của họ ở Ukraine.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, toàn bộ vũ khí tầm xa được chuyển giao cho Ukraine đều được quân nhân các nước NATO trực tiếp kiểm soát và những hành động như vậy có thể là nguyên nhân dẫn đến các cuộc tấn công trả đũa từ Nga.

Hé lộ kế hoạch bất ngờ của ông Biden đối với Ukraine

Theo tờ American Conservative, Chính quyền Tổng thống Biden muốn đóng băng xung đột ở Ukraine.

Chính quyền Tổng thống Biden chỉ muốn giữ nguyên tình hình ở Ukraine cho đến cuộc bầu cử tiếp theo, khi đó Ukraine sẽ trở thành vấn đề của ông Trump hoặc các bên lại nghĩ đến khả năng giải quyết hòa bình”, ông Anatole Lieven, Giám đốc chương trình Á-Âu tại Viện Quincy của Mỹ nhận định.

Tờ American Conservative lưu ý, vì những lý do đó, Washington buộc phải ngăn chặn sự sụp đổ của Ukraine, đồng thời không để xung đột leo thang đến mức Nga có thể phản ứng gay gắt.

Ukraine đang trở nên yếu hơn. Khi áp lực của Nga đối với Ukraine ngày càng tăng, việc đi theo đường lối như hiện tại ngày càng trở nên khó khăn hơn”, ông Lieven nói thêm.

Về phía Nga, phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov tuyên bố, các nước NATO đang cố tình bước vào vòng căng thẳng mới, kích động Ukraine tiếp tục cuộc chiến vô nghĩa. Ông nhấn mạnh, động thái này chắc chắn sẽ gây ra hậu quả và cuối cùng gây thiệt hại lớn cho lợi ích của những quốc gia đã đi theo con đường leo thang xung đột.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục