UBCKNN sẽ tiến hành thanh tra đối với 18 đối tượng

(Banker.vn) Đó là kế hoạch được giao theo Quyết định số 2603/QĐ-BTC ngày 28/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong năm 2024.

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Chánh Thanh tra UBCKNN cho biết, theo Quyết định số 2603/QĐ-BTC ngày 28/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phê duyệt kế hoạchthanh tra chuyên ngành năm 2024 của UBCKNN, năm 2024 UBCKNN sẽ tiến hành thanh tra đối với 18 đối tượng (công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội).

Trong 4 tháng đầu năm 2024, UBCKNN đã chuẩn bị cho việc triển khai các đoàn thanh tra theo kế hoạch, bắt đầu triển khai các đoàn thanh tra từ tháng 5/2024 (thời điểm các đối tượng thanh tra hoàn thành báo cáo tài chính kiểm toán năm).

Ngoài ra, trong năm 2024, Chủ tịch UBCKNN đã ban hành Quyết định số 1275/QĐ-UBCK ngày 29/12/2023 về việc phê duyệt kế hoạch kiểm tra năm 2024 của UBCKNN, theo đó UBCKNN tiến hành 68 đoàn kiểm tra đối với công ty đại chúng, công ty kiểm toán, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, sở giao dịch chứng khoán và Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Sẽ tiến hành thanh tra đối với 18 đối tượng. Ảnh: TQ
Sẽ tiến hành thanh tra đối với 18 đối tượng. Ảnh: TQ

Trong năm, UBCKNN sẽ triển khai hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được phê duyệt; đồng thời triển khai kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu bất thường, vi phạm pháp luật chứng khoán. Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, UBCKNN sẽ xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

4 tháng đầu năm 2024, UBCKNN đã tiến hành đã tiến hành gần 20 cuộc, kiểm tra với nội dung chủ yếu tập trung vào việc kiểm tra việc tuân thủ pháp luật chứng khoán của công ty chứng khoán; kiểm tra hoạt động nghiệp vụ chứng khoán của các đơn vị thuộc và trực thuộc; kiểm tra dấu hiệu giao dịch bất thường đối với cổ phiếu...

Qua kết quả giám sát thường xuyên của hệ thống theo dõi, UBCKNN đã ban hành 6 quyết định xử phạt hành chính đối với 6 tổ chức với tổng số tiền phạt là 1.560 triệu đồng.

Trả lời PV về nguyên nhân nào dẫn đến những sai phạm mà UBCKNN đã chỉ ra qua công tác thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp, bà Hương cho biết, qua các vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian qua cho thấy vi phạm có xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Về nguyên nhân có tính khách quan, một số doanh nghiệp gặp khó khăn về hoạt động, cắt giảm nhân sự dẫn tới không có đủ nguồn lực để thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp, bao gồm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin theo quy định; trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, đồng thời nhân sự cũng mắc Covid-19 dẫn đến chậm hoặc không thực hiện được báo cáo, công bố thông tin định kỳ...

TTCK Việt Nam cũng còn nặng tính tâm lý đám đông, trong bối cảnh sự phát triển mạnh của mạng xã hội với nhiều hội, nhóm đầu tư chứng khoán được tạo ra trên mạng xã hội làm nơi trao đổi, tham khảo thông tin, hỗ trợ nhà đầu tư mua, bán chứng khoán, một mặt giúp cho việc thông tin trên thị trường được phổ biến nhanh chóng; nhưng ở mặt tiêu cực cũng là môi trường làm xuất hiện hiện tượng lợi dụng các diễn đàn, nhóm mạng xã hội Zalo, Facebook, Telegram… để tung tin đồn, kêu gọi lôi kéo nhà đầu tư mua bán chứng khoán, thậm chí có thể bao gồm cả những cổ phiếu có dấu hiệu thao túng.

Về nguyên nhân chủ quan, một bộ phận tổ chức, cá nhân tham gia TTCK có ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, thiếu hiểu biết về pháp luật chứng khoán, nhất là đối tượng mới tham gia TTCK dẫn đến không nắm rõ hoặc không biết phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định, có cá nhân/tổ chức hiểu chưa đúng quy định dẫn đến có thực hiện nghĩa vụ nhưng chưa đầy đủ, chưa đúng theo quy định nên vẫn vi phạm; một bộ phận cá nhân thậm chí cố ý thực hiện vi phạm như hành vi thao túng TTCK. Trong các giai đoạn có tính chất chuyển tiếp từ các quy định pháp luật cũ sang các quy định pháp luật mới, một bộ phận doanh nghiệp, cá nhân vi phạm do chưa kịp thời nắm bắt quy định pháp luật mới để điều chỉnh hoạt động, việc thực hiện các nghĩa vụ dẫn đến vi phạm.

Thời gian qua, theo bà Hương, để tăng cường phòng ngừa, răn đe vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, hệ thống chế tài xử lý vi phạm đã được xây dựng, ban hành đầy đủ, nâng cao mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính; đồng thời quy định chế tài xử lý hình sự đối với các hành vi tội phạm về chứng khoán.

Hệ thống chế tài xử phạt vi phạm hành chính quy định tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, hiện nay là Nghị định 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 128/2021/NĐ-CP. Theo đó quy định mức phạt tiền tối đa đến 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân; đối với các hành vi vi phạm khác có thể tối đa đến 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

So với chế tài xử phạt hành chính trước đây, mức phạt tiền tối đa đã tăng 1,5 lần. So với các lĩnh vực tài chính khác như ngân hàng, bảo hiểm thì mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đã cao hơn khá nhiều (mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực ngân hàng đối với tổ chức là 2 tỷ đồng, đối với cá nhân là 1 tỷ đồng). Đối với vụ việc vi phạm hành chính, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì vi phạm hành chính dù có nguyên nhân cố ý hay vô ý thì đều bị xử phạt vi phạm hành chính.

Về chế tài xử lý hình sự, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 đã quy định hành vi và hình phạt đối với 4 tội phạm về chứng khoán, bao gồm: Điều 209 về tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; Điều 210 về Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; Điều 211 về tội thao túng thị trường chứng khoán; Điều 212 về tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán.

Cá nhân phạm tội bị các hình phạt: Phạt tiền, cải tạo không giam giữ có thời hạn, phạt tù có thời hạn, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định có thời hạn. Pháp nhân thương mại phạm tội bị các hình phạt: phạt tiền, có thể bị cấm kinh doanh có thời hạn, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn có thời hạn.

Ngoài chế tài xử phạt hành chính, chế tài xử lý hình sự, Luật Chứng khoán 2019 và Nghị định 155/2020/NĐ-CP đã quy định các biện pháp đảm bảo an ninh an toàn TTCK trong phòng ngừa, ngăn chăn vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK, theo đó cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi bị nghiêm cấm như hành vi thao túng TTCK thì ngoài bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, còn bị áp dụng các biện pháp xử lý như cấm thực hiện một hoặc một số hoạt động về chứng khoán và TTCK, cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn từ 2-5 năm; trường hợp đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà tiếp tục thực hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 12 Luật Chứng khoán thì bị cấm vĩnh viễn…

“Nhìn chung, vi phạm pháp luật trên TTCK có nguyên nhân từ hành vi có lỗi của tổ chức/cá nhân, chủ yếu là lỗi vô ý từ ý thức hoặc hiểu biết về tuân thủ pháp luật chưa cao (như hành vi chậm báo cáo, công bố thông tin), một số trường hợp có thể lỗi cố ý (như hành vi thao túng), một số trường hợp gặp khó khăn do hoàn cảnh khách quan dẫn đến không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định pháp luật” - Chánh Thanh tra UBCKNN cho biết.

UBCK "tuýt còi" hoạt động huy động vốn của các Công ty chứng khoán

Theo thông báo mới nhất, UBCKNN đã có văn bản chấn chỉnh hoạt động huy động vốn của các công ty chứng khoán.

UBCKNN lấy ý kiến dự thảo Thông tư nhằm gỡ nút thắt nâng hạng thị trường chứng khoán

Việc bổ sung, sửa đổi một số quy định tại các Thông tư này nhằm tháo gỡ một số nút thắt quan trọng, đáp ứng ...

Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm quyền cho UBCK trong việc đảm bảo an ninh, an toàn TTCK

Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Tài chính có dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định ...

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục