Tỷ phú mới của Việt Nam là ai?

(Banker.vn) Nhiều đại gia kín tiếng ghi nhận những mức tăng rất mạnh cho dù chưa sẵn sàng vào danh sách tỷ phú USD thế giới.

Chỉ trong vòng hơn một tháng, cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Novaland tăng vọt thêm khoảng 70% từ mức 80.000 đồng/cp lên gần 136.000 đồng/cp. Cổ phiếu NVL tăng mạnh giúp tài sản của ông Bùi Thành Nhơn tăng vọt thêm hơn 12 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 500 triệu USD) lên 29.500 tỷ đồng (tương đương gần 1,3 tỷ USD).

Với sự bứt phá mạnh mẽ, ông Bùi Thành Nhơn lọt top 3 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ xếp sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng chủ tịch Vingroup và tỷ phú Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát.

Đây chỉ là số cổ phiếu ông Bùi Thành Nhơn trực tiếp nắm giữ. Ông Nhơn còn nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu thông qua các công ty khác. Tổng cộng gia đình ông Nhơn nắm giữ khoảng 65% cổ phần NVL, trị giá khoảng 4 tỷ USD.

Mặc dù có tài sản lên ngưỡng tỷ USD từ khá lâu nhưng ông Bùi Thành Nhơn vẫn khá kín tiếng và chưa có trong danh sách các tỷ phú USD thế giới theo xếp hạng của Forbes. Cho dù là ông chủ của một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam nhưng ông Bùi Thành Nhơn lại là một người khá kín tiếng trước truyền thông.

Đại gia Ninh Bình Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) gần đây cũng lộ diện khối tài sản lớn sau khi đưa Thaiholdings lên sàn và xuất hiện với tư cách nhà lãnh đạo chủ chốt tại Ngân hàng LienVietPostBank.

Sau bất động sản với thương vụ đất vàng Kim Liên và thương vụ niêm yết ngược Thaigroup trên sàn chứng khoán thì với việc lấn sân sang mảng tài chính, nhiều khả năng ông trùm ngành xi măng sẽ trở thành tỷ phú USD tiếp theo của Việt Nam.

Hiện tại với việc sở hữu gần 86 triệu cổ phần Thaiholdings (THD) và hơn 31,3 triệu cổ phiếu LienVietPostBank (LPB), khối tài sản của Bầu Thụy quy ra từ cổ phiếu này đã có giá trị 16,9 nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Thụy được biết đến là doanh nhân nổi tiếng nhất Ninh Bình. Sinh năm 1976, Bầu Thụy nổi lên trong lĩnh vực bóng đá và với vai trò là ông chủ Tập đoàn Xuân Thành với thương vụ đình đám bỏ nghìn tỷ, vượt qua tất cả các đại gia lớn phía Bắc để thâu tóm Khách sạn Kim Liên có diện tích đất vàng khủng tại vành đai 1 Hà Nội.

Với khối tài sản hiện tại, Bầu Thụy được đánh giá chỉ sau 6 tỷ phú USD được Forbes xếp hạng là: ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Đình Long, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Hồ Hùng Anh (chủ tịch Techcombank), ông Nguyễn Đăng Quang (Masan) và 3 nhân vật khác là ông Bùi Thành Nhơn, bà Phạm Thu Hương (vợ ông Phạm Nhật Vượng) và ông Nguyễn Văn Đạt (chủ tịch BĐS Phát Đạt).

Ông Nguyễn Phát Đạt cũng là một doanh nhân chứng kiến tài sản bứt phá trong thời gian vừa qua và hứa hẹn lọt danh sách tỷ phú USD. Ông Đạt là chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) và đang nắm giữ hơn 266 triệu cổ phần DPR, trị giá gần 18,9 nghìn tỷ đồng. Cổ phiếu này tăng mạnh từ mức 30.000 đồng cách đây 6 tháng lên mức 70.000 đồng/cp như hiện tại.

Trên thực tế, số người siêu giàu ở Việt Nam còn khá nhiều và nếu lộ diện thì có thể còn giàu trước các tỷ phú USD hiện tại. Nhiều doanh nhân chưa hoặc chưa đưa hết doanh nghiệp lên sàn chứng khoán. Do vậy, việc định giá tài sản chưa được thực hiện.

Hồi năm 2018, theo cuốn sách có tên Competing with Giants (tạm dịch: Cạnh tranh với người khổng lồ) được Fobesbook xuất bản tiết lộ một tỷ phú Việt tầm cỡ thế giới chưa từng lọt vào một danh sách giàu có trong cũng như ngoài nước nào. Theo đó, ông Trần Quý Thanh từng từ chối khoản tiền 2,5 tỷ USD mà Coca Cola đã đề nghị mua cổ phần chi phối từ 7 năm trước.

Nếu chấp nhận thương vụ M&A lịch sử đó, ông Trần Quý Thanh có lẽ đã lọt danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes từ trước cả tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng. Với sự xuất hiện trong ForbesBooks, ông Trần Quý Thanh được xem là gương mặt người Việt nữa sẽ nhanh chóng lọt danh sách tỷ phú USD.

Với sự tăng trưởng bứt phá của nhiều tập đoàn lớn, trong thời gian tới, Việt Nam được dự báo sẽ còn nhiều tỷ phú USD hơn nữa. Nhiều doanh nghiệp lớn sẽ lên sàn hoặc đăng ký giao dịch và TTCK bùng nổ lên các đỉnh cao mới.

Một số doanh nhân mới nổi gần đây cũng bứt phá khá nhanh như: ông Hồ Xuân Năng (Năng Do Thái) trực tiếp và gián tiếp nắm giữ hàng chục triệu cổ phần VCS, trị giá khoảng 500 triệu USD.

Hiện, ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất trên TTCK với khối tài sản quy ra từ cổ phiếu trị giá 253 nghìn tỷ đồng (tương đương 10,8 tỷ USD). Theo Forbes, tính tới hết 10/5, ông Vượng có tài sản trị 9,1 tỷ USD. Ông Vượng sẽ có khối tài sản tăng thêm hàng chục tỷ USD nếu VinFast IPO thành công trên thị trường thế giới.

Ông Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đang sở hữu 864 triệu cổ phiếu HPG, trị giá 52,5 nghìn tỷ đồng (2,25 tỷ USD). Còn theo Forbes, tính tới hết 10/5, ông Long có 3,1 tỷ USD. Cổ phiếu HPG gần đây liên tiếp lập đỉnh cao kỷ lục nhờ doanh nghiệp lãi lớn và giá thép tăng kỷ lục.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán