Tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ ít biến động hơn trong năm 2024

(Banker.vn) Sức mạnh đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao và tiếp tục là yếu tố tiềm ẩn gây áp lực lên tỷ giá trong giai đoạn tới. Tuy vậy, giới chuyên môn tin rằng, tỷ giá USD/VND sẽ ít biến động hơn trong năm 2024.
chenh-lech-lai-suat-usd-vnd-xuong-muc-am-cham-ngoi-ty-gia-cf9fb559d19d418da9e5564a72472b98.jpeg
Tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ ít biến động hơn trong năm 2024

Sáng ngày 28/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam ở mức 24.014 VND/USD, tăng 10 đồng so với phiên giao dịch hôm trước. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức 23.400 – 25.164 VND/USD.

Tại các ngân hàng thương mại (NHTM), phiên giao dịch sáng nay ghi nhận hàng loạt động thái điều chỉnh giảm tại các NHTM, ví như: tỷ giá niêm yết tại Vietcombank là 24.430 - 24.800 VND/USD, giảm 40 đồng hai chiều mua-bán; BIDV niêm yết tỷ giá ở mức 24.485 - 24.795, giảm 30 đồng ở 2 chiều mua-bán….

Trên thị trường tự do, giá mua bán đồng USD đầu giờ sáng nay giao dịch quanh mức 25.346 - 25.367 VND/USD, tăng 39 đồng ở cả 2 chiều mua - bán ra so với phiên giao dịch ngày 27/2.

Quan sát diễn biến thị trường ngoại tệ thời gian qua cho thấy, giá USD tại các ngân hàng đã điều chỉnh tăng khá mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chỉ trong chưa đầy 2 tuần qua, giá mua - bán USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 280-300 đồng/USD so với thời điểm trước kỳ nghỉ lễ. Còn tính chung từ đầu năm đến nay, giá mua bán USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 400 - 450 đồng/tùy ngân hàng.

Lý giải nguyên nhân khiến tỷ giá tăng thời gian qua, trong một trao đổi gần đây, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam cho rằng, đang có 4 yếu tố gây áp lực lên tỷ giá USD/VND trong quý I/2024.

Đầu tiên là sự khác biệt về chính sách tiền tệ giữa Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ vẫn rộng. Ưu tiên chính sách của Việt Nam hiện nay tập trung vào việc hỗ trợ tăng trưởng, trong khi đó trái ngược với Mỹ khi số liệu tăng trưởng vẫn cao hơn kỳ vọng và lạm phát cơ bản hạ nhiệt chậm đã khiến FED duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài.

Tiếp đến là thanh khoản VND trên thị trường liên ngân hàng có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức tốt do chưa có nhiều chuyển biến đáng kể về tăng trưởng tín dụng cũng như tốc độ giải ngân đầu tư công, ít nhất là trong quý I năm nay.

Một yếu tố nữa là trong khi thặng dư thương mại và vốn đầu tư FDI của Việt Nam có thể duy trì ở mức cao, một số biến động địa chính trị toàn cầu và trong khu vực có thể tạo nhiều tác động tương đối tiêu cực lên VND.

Cuối cùng, đồng USD nói chung được kỳ vọng vẫn duy trì được sức mạnh trong những tháng đầu năm 2024, trong khi đồng Nhân dân tệ (CNY) tiếp tục suy yếu trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc hồi phục chậm hơn dự kiến.

Dù tỷ giá đang chịu một số áp lực nhưng ông Ngô Đăng Khoa tin rằng, triển vọng tỷ giá cho cả năm 2024, nhất là trong nửa sau của năm sẽ cải thiện hơn khi những yếu tố kể trên đảo ngược, đặc biệt khi đồng USD đạt đỉnh, kinh tế - tín dụng trong nước dần hồi phục.

Trong cuộc họp đầu tiên của năm 2024, FED quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 5,25% - 5,50% nhưng Ủy ban cũng cho biết khả năng giảm lãi suất vào tháng 3 là khá thấp. Trong báo cáo vừa công bố, CTCK Bản Việt (VCSC) nhận định, tuyên bố của FED, cùng với chênh lệch lãi suất VND và USD liên ngân hàng âm sâu có thể tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, dòng vốn nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ FDI, kiều hối, thặng dư thương mại cao và thâm hụt thương mại dịch vụ thu hẹp (nhờ lượng khách quốc tế liên tục cải thiện) có thể giúp giảm bớt áp lực lên tỷ giá USD/VND.

Còn theo CTCK KB Việt Nam (KBSV), những dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy dấu hiệu đà giảm của lạm phát đang chững lại. Chỉ số DXY và lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng quay trở lại, trong khi hợp đồng tương lai chỉ còn ước tính 4 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay với lần đầu tiên diễn ra vào tháng 6.

Xét các yếu tố trong nước, KBSV cho rằng, tỷ giá trong nước sẽ tiếp tục được hỗ trợ tốt bởi nguồn ngoại tệ dồi dào đến từ dòng vốn FDI và kiều hối. Bên cạnh đó, NHNN được cho rằng sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, chấp nhận để tỷ giá tăng ở mức độ vừa phải và sẽ chưa có can thiệp nếu không có biến động bất thường do lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, trong khi nền kinh tế cần tiếp tục được hỗ trợ phục hồi.

Theo đó, chênh lệch lãi suất USD và VND và rủi ro tăng giá của DXY vẫn sẽ là 2 yếu tố rủi ro gây áp lực lên tỷ giá, đặc biệt khi rủi ro địa chính trị vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. “Chúng tôi dự báo tỷ giá tăng 1,5% trong năm nay, đạt 24.600 USD/VND”, các chuyên gia KBSV dự báo.

CTCK MB (MBS) cũng cho rằng, khi chính sách tiền tệ toàn cầu bắt đầu nới lỏng, đồng đô la Mỹ có xu hướng mất giá trên diện rộng và sẽ giảm áp lực lên tỷ giá trong nước. Các chuyên giá của MBS dự báo: “tỷ giá năm 2024 sẽ dao động trong vùng 23.800 – 24.300 VND/USD và vẫn tiếp tục sẽ được hỗ trợ bởi các yếu tố bao gồm thặng dư thương mại tuy nhiên sẽ có thể không còn tốt như bây giờ khi xuất nhập khẩu sẽ phục hồi, giải ngân FDI tích cực, lượng kiều hối ổn định (IMF dự báo lượng kiều hối trong năm 2024 lên hơn 110 tỷ USD), du lịch quốc tế hồi phục mạnh,…”.

Ngô Hải

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục