Tỷ giá tăng sốc, doanh nghiệp "đứng ngồi không yên"

(Banker.vn) Tỷ giá USD/VND tăng mạnh kể từ đầu năm khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu thêm khó vì chi phí đầu vào tăng, vận chuyển quốc tế đắt đỏ, khó cạnh cạnh tranh.
Tỷ giá USD hôm nay 4/4/2024: USD tiếp đà giảm mạnh Tỷ giá Euro hôm nay 4/4/2024: Đồng Euro tăng phi mã, VCB tăng 259,61 VND/EUR Tỷ giá Won Hàn Quốc hôm nay 4/4/2024: Giá Won tiếp đà tăng mạnh

Tỷ giá liên tục lập đỉnh

Tỷ giá liên tục duy trì xu hướng tăng từ đầu năm. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, hiện các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh giá bán USD trên mốc 25.000 đồng.

Theo đó, ngày 4/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm là 24.038 VND/USD, tăng thêm 18 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Tỷ giá bán tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước tăng 18 đồng, đưa phạm vi giao dịch lên khoảng 23.400 - 25.189 VND/USD.

Giá mua USD tại các ngân hàng hiện nằm trong khoảng 24.740 - 24.825 VND/USD còn giá bán ra duy trì trong phạm vi 25.135 - 25.170 VND/USD. Cụ thể, tại Vietcombank được niêm yết ở mức 24.760 - 25.130 đồng, tăng tới 710 đồng so với đầu năm, tương ứng 2,9%. Eximbank niêm yết giá mua bán ở mức 24.770 - 25.160 đồng, tăng 770 đồng so với đầu năm, tức tăng 3%.

Trên thị trường tự do, tỷ giá cũng dậy sóng với xu hướng tăng trở lại gần đây. Dù chưa về mức đỉnh đã thiết lập (25.700 đồng), song giao dịch USD chợ đen ở mức 25.440 - 25.540 đồng cũng vẫn là mức cao từ trước đến nay.

Giá vàng hôm nay ngày 18/10/2023, giá vàng SJC, giá vàng 9999, giá vàng 24k, giá vàng 18k 18/10/2023. Ảnh: Cấn Dũng
Giá mua USD tại các ngân hàng hiện nằm trong khoảng 24.740 - 24.825 VND/USD còn giá bán ra duy trì trong phạm vi 25.135 - 25.170 VND/USD

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng khối phân tích Chứng khoán Phú Hưng (PHS), có nhiều nguyên nhân khiến tỷ giá tăng "nóng", bao gồm áp lực từ thị trường thế giới, cầu tín dụng yếu; nhập siêu lớn từ khu vực trong nước và nhu cầu trả nợ vay, thanh toán ngoại tệ.

Trong đó, chỉ số DXY (USD thế giới) tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 tháng trở lại đây khi thị trường cho rằng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ phải duy trì lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, bất chấp các nền kinh tế khác bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Thống kê trên Investing.com sáng nay, trên thị trường Mỹ chỉ số DXY đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đang ở mốc 104,25.

Bà Liên cho biết, dù số lần cắt giảm lãi suất theo dự báo của Fed trong năm 2024 vẫn là 3 lần nhưng kèm theo nhiều điều kiện. “Không loại trừ khả năng Fed sẽ điều chỉnh giảm số lần cắt giảm lãi suất trong năm nay trong các cuộc họp tiếp theo hoặc vẫn duy trì 3 lần cắt giảm lãi suất nhưng dời lại thời điểm cắt giảm lần đầu tiên”, chuyên gia dự báo.

Điều này đồng nghĩa lãi suất USD neo ở mức cao lâu hơn và đồng USD thế giới mạnh hơn khi các ngân hàng trung ương lớn cắt giảm lãi suất nhanh hơn Fed. Tiền đồng VND còn chịu nhiều áp lực, đặc biệt khi Việt Nam vẫn duy trì lãi suất ở mức thấp.

Dù Ngân hàng Nhà nước đã hút tiền qua kênh tín phiếu từ ngày 11/3 để kiểm soát tỷ giá, tuy nhiên dựa trên khối lượng gọi thầu và lãi suất trúng thầu, chuyên gia PHS cho rằng chưa thực sự hiệu quả. Trong khi đó, tín dụng suy yếu bất chấp mặt bằng lãi suất liên tiếp thiết lập các mức thấp kỷ lục mới cho thấy tình hình không khả quan như kỳ vọng.

Một lý do khác gây áp lực tỷ giá là cung cầu ngoại tệ. Không phủ nhận tăng trưởng xuất nhập khẩu đang rất khả quan trong các tháng đầu năm, nhưng thực tế thặng dư thương mại chỉ ghi nhận ở khu vực doanh nghiệp FDI. Còn khu vực trong nước tiếp tục nới rộng mức thâm hụt.

Chuyên gia phân tích Chứng khoán PHS duy trì quan điểm: Tỷ giá còn chịu nhiều áp lực và nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra thêm các biện pháp nâng cao hơn nữa để ổn định tỷ giá như bán ngoại tệ khi USD ở mức 25.000 đồng.

oanh nghiệp dệt may cũng cần tập trung tìm kiếm, khơi dậy và phát huy những điểm đột phá, tạo nên bí quyết thành công, vượt qua sóng cả và đón đầu xu hướng mới.
Theo các doanh nghiệp dệt may, việc tăng tỷ giá khiến hàng hóa bán tại thị trường châu Âu, Mỹ có giá cao hơn, tiêu thụ chậm hơn

Doanh nghiệp chật vật

Một chuyên gia về tài chính cho biết, tỷ giá biến động trên 3% ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp nhập khẩu.

Ông Đào Phan Long, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam cho biết, thực tế khi tỷ giá tăng sẽ có những biến động trái chiều, nhưng đa phần sẽ khiến doanh nghiệp lo lắng. USD tăng giá giúp doanh nghiệp xuất khẩu thu đươc lợi hơn. Nhưng doanh nghiệp phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu cho sản xuất thì sẽ bị bội chi về phí nhập khẩu; chưa kể đến các chi phí khác như vận tải, vay nợ USD…

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Phó giám đốc Công ty cơ khí chính xác SKD Việt Nam đánh giá: Tăng tỷ giá dù được dự báo nhưng chắc chắn đã có tác động tới doanh nghiệp. Với mức tăng từ đầu năm đến nay, chỉ riêng việc nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất, công ty cũng đã phải chi thêm cả trăm triệu đồng. Với doanh nghiệp nhỏ đã thế, với những đơn vị phải chi hàng nghìn tỷ cho nhập nguyên liệu thì sẽ rất đáng ngại.

“Nếu những biến động về tỷ giá không được kiểm soát, vẫn tiếp tục tăng mạnh hơn về thời điểm giữa và cuối năm thì doanh nghiệp sẽ càng chồng chất khó khăn, bởi càng về cuối năm, nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất sẽ tăng hơn. Doanh nghiệp có thể giảm lợi nhuận vì vấn đề này”, đại diện SKD cho hay.

Theo chia sẻ của ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, biến động tỷ giá liên tục và tăng mạnh khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. May 10 là đơn vị sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tới hơn 10 thị trường trên thế giới; trong đó chủ yếu là châu Âu, Mỹ, Nga…

Tỷ giá USD/VND tăng sẽ giúp doanh nghiệp tăng giá trị thu được khi xuất khẩu, nhưng ngược lại, doanh nghiệp sẽ phải chi nhiều tiền hơn để nhập khẩu thiết bị, máy móc hay nguyên liệu sản xuất. Các doanh nghiệp dệt may cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế, nhu cầu tiêu dùng chưa thực sự phục hồi mạnh mẽ, việc tăng tỷ giá cũng khiến hàng hóa bán tại thị trường châu Âu, Mỹ có giá cao hơn, tiêu thụ chậm hơn.

TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cho biết: Tỷ giá tăng cao do đầu năm là thời điểm một số doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước. Đây là một yếu tố mang tính mùa vụ và có tác động làm tăng nhu cầu về mua bán ngoại tệ; cùng đó là do hiện tượng đầu cơ khi tỷ giá có biến động.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, tỷ giá đang được Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt, giữ ổn định. Song nếu đồng USD tiếp tục tăng giá so với đồng VND thì có thể tạo ra nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Phần lớn hiện nay hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu lớn. Cùng đó, nhiều mặt hàng trong nước cũng phải nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài về sản xuất. Điều này lâu dài sẽ giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Theo TS. Cấn Văn Lực, diễn biến tỷ giá tăng như thời gian qua, dù liên tục không đáng lo quá, bởi mức tăng của đồng USD sẽ chững lại, thậm chí quay đầu giảm khi Fed giảm lãi suất và nền kinh tế Mỹ bắt đầu chịu ảnh hưởng do tác động từ lãi suất cao.

Cùng chung quan điểm trên, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, tỷ giá có xu hướng tăng mạnh những ngày qua do chịu tác động bởi nhiều yếu tố nhưng sẽ ổn định trở lại. Trong nửa đầu năm 2024, tỷ giá cơ bản sẽ vẫn giữ mức ổn định và được điều hành linh hoạt. Giá trị đồng USD vẫn sẽ ở mức hiện nay, thậm chí có thể giảm xuống do Fed có thể hạ lãi suất trong thời gian tới.

Trước tình hình trên, chia sẻ về dự báo kịch bản tỷ giá thời gian tới cũng như định hướng điều hành để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô tại buổi họp báo Chính phủ mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, tỷ lệ mất giá của đồng Việt Nam so với đồng USD so với các nước vẫn thấp. Năm 2023 mất giá khoảng 2,9%, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang tính toán trên thị trường liên ngân hàng tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD cũng đã có bước tăng khoảng 2,6%.

Ông Tú chỉ ra, so với các nước khác là các nước lớn như Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng mất giá với USD khoảng 1,4%; đồng Bath Thái khoảng 5,93%; đồng Won của Hàn Quốc khoảng 3,88%; đồng Yên Nhật cũng đã giảm giá 7,52%... Có thể thấy ngay các nước lớn, nền kinh tế lớn cũng bị ảnh hưởng bởi tỷ giá của đồng USD do chính sách đồng USD của Mỹ.

“Tỷ giá là một trong những yếu tố liên quan đến điều hành kinh tế vĩ mô, rất quan trọng. Bởi tỷ giá không chỉ ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền và sức mua của người Việt Nam mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến các chính sách của chúng ta, đặc biệt là sự ổn định vĩ mô cũng như là vấn đề kiểm soát lạm phát, vấn đề về tâm lý đến thị trường, niềm tin của nhà đầu tư” - ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Chính vì thế, theo Phó Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước luôn coi trọng các công tác điều hành tỷ giá là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng và tập trung. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục điều hành theo cơ chế hết sức linh hoạt, đảm bảo tỷ giá có thể lên xuống phù hợp với xu thế chung và cũng đảm bảo mục tiêu đặt ra là sự ổn định, đảm bảo ngoại tệ luôn duy trì được trạng thái dương cũng như đảm bảo cân đối ngoại tệ cho các nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế”, ông Đào Minh Tú thông tin.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương