TVSI "bốc hơi" hơn 60% lãi sau kiểm toán, gần 15.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn chưa thanh toán

(Banker.vn) Mới đây, Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đã công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 với rất nhiều ý kiến ngoại trừ từ đơn vị kiểm toán.

Lợi nhuận TVSI giảm mạnh sau kiểm toán

Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2022, doanh thu hoạt động của TVSI vẫn giữ nguyên 2.552 tỷ đồng như báo cáo tự lập. Tuy nhiên, chi phí hoạt động điều chỉnh tăng 12% lên 2.302 tỷ đồng. Theo đó, lãi sau thuế đã giảm 62% còn 148 tỷ đồng.

Cam kết mua lại 18.000 tỷ trái phiếu bán ra, Chứng khoán Tân Việt đang có 14.800 tỷ trái phiếu đã đến hạn mua lại không thanh toán được
Cam kết mua lại 18.000 tỷ trái phiếu bán ra, TVSI đang có 14.800 tỷ trái phiếu đã đến hạn mua lại không thanh toán được

Mức chênh lệch đáng kể này là do TVSI đã hạch toán bổ sung các khoản chi phí đánh giá lại tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ (FVTPL), dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng chi phí phải trả khác với tổng số tiền 244 tỷ đồng.

Mới đây, Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đã công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 với rất nhiều ý kiến ngoại trừ từ đơn vị kiểm toán.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận của TVSI (Nguồn: BCTC kiểm toán).

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của TVSI giảm 36% so với hồi đầu năm về mức 4.288 tỷ đồng, trong đó khoản tiền mặt tăng gần 6 lần lên mức 1.967 tỷ đồng và tài sản đầu tư tự doanh tăng 880 tỷ đồng lên gần 1.900 tỷ đồng. Ngược lại, các khoản cho vay giảm từ 5.120 tỷ đồng hiện chỉ còn 363 tỷ đồng.

Tại báo cáo tài chính riêng quý II/2023, luỹ kế nửa đầu năm, TVSI ghi nhận doanh thu đạt 134 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 24 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt tới 275 tỷ đồng. Thêm vào đó, tính đến 30/6/2023, các khoản cho vay của công ty tiếp tục giảm xuống còn 229 tỷ đồng. Nếu tính từ đầu năm 2022, nguồn vốn cho vay của công ty đã giảm tới 96%.

Như vậy, so với kế hoạch mà công ty đã đề ra, kết quả này của TVSI thậm chí có phần chấp nhận được. Bởi năm 2023, công ty đã thống nhất kế hoạch khiêm tốn với chỉ tiêu doanh thu xấp xỉ 200 tỷ đồng, giảm 92% so với thực hiện năm 2022 và lỗ sau thuế 570 triệu đồng. Mục tiêu trong năm này là tiếp tục tập trung giải quyết vấn đề về trái phiếu, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, duy trì hoạt động môi giới cơ sở và phấn đấu hòa vốn.

14.800 tỷ trái phiếu đã đến hạn thanh toán

Đáng chú ý, theo đơn vị kiểm toán, trong quá trình kinh doanh, TVSI đã thực hiện mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ các tổ chức phát hành và các nhà đầu tư, sau đó mua đi bán lại nhiều lần với các nhà đầu tư, đồng thời phía công ty cũng đã ký hợp đồng mua lại một số trái phiếu đã bán cho các nhà đầu tư theo một mức giá xác định vào một ngày xác định trong tương lai. Khi bán và mua lại trái phiếu với nhà đầu tư, công ty đang ghi nhận như hoạt động tự doanh.

Theo TVSI, tổng mệnh giá các trái phiếu công ty đã ký hợp đồng mua lại đến ngày 31/12/2022 là khoảng trên 20.700 tỷ đồng (trong đó số đã đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán được khoảng hơn 4.870 tỷ đồng). Đến thời điểm phát hành báo cáo này (công bố ngày 18/8/2023), tổng mệnh giá trái phiếu công ty đã ký hợp đồng mua lại còn khoảng 18.000 tỷ đồng (trong đó số đã đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán được khoảng hơn 14.800 tỷ đồng).

Hiện nay, TVSI không thực hiện được việc thanh toán cho bên chuyển nhượng và gửi thông báo đến các bên chuyển nhượng là sẽ không thực hiện giao dịch này, đồng thời công ty đang thực hiện đàm phán lại với các bên chuyển nhượng về việc hủy hợp đồng mua lại hoặc gia hạn thời gian mua lại trái phiếu tương ứng với thời gian đáo hạn trái phiếu của tổ chức phát hành. Tuy nhiên, việc đàm phán này chưa có kết quả cụ thể. Công ty không ghi nhận các khoản trái phiếu nêu trên vào báo cáo tài chính kiểm toán 2022. Do đó, các nhà đầu tư vẫn đang thực hiện các quyền sở hữu và định đoạt của trái chủ đối với số trái phiếu này.

Ngoài ra, ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên cũng cho rằng, tại ngày 31/12/2022, công ty đã thực hiện trích lập dự phòng cho việc vi phạm hợp đồng mua lại trái phiếu đến hạn nhưng không thực hiện được ở mức 50%, tương đương khoảng 195 tỷ đồng giá trị tối đa nghĩa vụ hợp đồng vi phạm theo tổng giá trị các hợp đồng mua lại là hơn 4.870 tỷ đồng vì cho rằng:

“Việc vi phạm của TVSI là do bất khả kháng đã được quy định trong hợp đồng nên trong quá trình giải quyết tranh chấp công ty có thể thương lượng để không bị phạt vi phạm ở mức tối đa và công ty chỉ bồi thường khi có phán quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”, đơn vị kiểm toán nêu rõ.

Trước vấn đề này, phía TVSI cho biết đến thời điểm hiện tại, công ty chưa phải chi trả chi phí nào liên quan đến việc vi phạm các hợp đồng mua lại trái phiếu, cho thấy việc trích lập dự phòng nói trên là phù hợp và đảm bảo nguyên tắc thận trọng của kế toán.

Hơn 1.600 tỷ đồng của TVSI tại SCB không giao dịch được

Báo cáo kiểm toán năm 2022 TVSI cho biết, công ty có khoản tiền 1.609 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nhưng không giao dịch được. Trong năm 2022, TVSI đã có 3 công văn gửi các cơ quan chức năng để rút tiền từ SCB sang các tài khoản khác để giao dịch, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Cụ thể, kiểm toán lưu ý từ ngày 2/11/2022, số dư tiền gửi của TVSI tại SCB khoảng 1.609 tỷ đồng bao gồm tiền gửi nhà đầu tư phục vụ nhu cầu thanh toán giao dịch chứng khoán khoảng 879 tỷ đồng, tiền gửi của TVSI phục vụ nghĩa vụ thanh toán khác cho khách hàng khoảng 730 tỷ đồng không giao dịch được.

Tình trạng tiền gửi tính đến ngày 31/12/2022 (Nguồn: BCTC kiểm toán TVSI).
Tình trạng tiền gửi tính đến ngày 31/12/2022 (Nguồn: BCTC kiểm toán TVSI).

Công ty chứng khoán đã gửi nhiều công văn gửi các cơ quan chức năng liên quan phê duyệt các lệnh chuyển tiền từ các tài khoản của TVSI tại SCB sang các tài khoản khác để giao dịch chứng khoán, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía cơ quan chức năng.

Từ giữa tháng 12/2022, Chứng khoán Tân Việt đã phát đi thông báo về việc tài khoản chuyên dụng của công ty tại SCB bị đóng băng, đồng thời khuyến nghị khách hàng không nộp tiền vào tài khoản chuyên dụng tại SCB.

Trong năm 2022, đặc biệt là quý 4, chịu ảnh hưởng của sự kiện Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, hoạt động kinh doanh của TVSI bị thu hẹp, dẫn đến quy mô tài sản giảm 36%. Phần giảm chủ yếu là các khoản Chi phí trả trước ngắn hạn. Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, giá trị trái phiếu dài hạn (được ghi nhận như một khoản nợ) do chính công ty phát hành cũng giảm sâu. TVSI không có thuyết minh chi tiết về các khoản tài sản và nợ thay đổi lớn trong năm 2022.

TVSI hiện vẫn đang ở tình trạng kiểm soát đặc biệt (từ ngày 18/5 đến 17/9/2023) theo quyết định của Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Cùng với đó, công ty bị đình chỉ hoạt động mua bán chứng khoán trên thị trường chứng khoán niêm yết và đăng ký giao dịch từ 27/6/2023 cho đến khi được Ủy ban Chứng khoán đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Tập đoàn Đầu tư Tây Bắc tham vọng gì tại TVSI?

Một trong 3 ứng viên thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới của TVSI là nhân sự của Tập đoàn Đầu tư Tây ...

Chứng khoán Tân Việt (TVSI) bị đình chỉ một phần hoạt động giao dịch

Thời gian đình chỉ bắt đầu từ ngày 27/6/2023 cho đến khi TVSI được UBCKNN có quyết định đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát ...

Quý 2/2023, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) báo lãi sụt giảm tới 90% so với cùng kỳ

Hầu hết các hoạt động kinh doanh của Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đều sụt giảm trong quý 2 vừa qua...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán