“Tuyên ngôn Độc lập” báo hiệu sự tan rã của hệ thống thuộc địa trên thế giới

(Banker.vn) Với tuyên bố “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”, Bản “Tuyên ngôn Độc lập” do Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) đã báo hiệu sự tan rã của hệ thống thuộc địa trên thế giới.

Báo hiệu thời đại “phi thực dân hóa”

Ngày 25/9/1969, tại một cuộc mít tinh ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản) để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư Singo Sibata đã đánh giá: “Trước tiên chúng ta phải nhìn thấy những cống hiến của Người đã góp phần đào sâu và phát triển lý luận của chủ nghĩa Lênin đối với các vấn đề dân tộc và thuộc địa.... Những cống hiến của Cụ Hồ Chí Minh đã thực sự mở ra một giai đoạn mới trong những lý luận về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Dạo ấy có rất ít những người Mác-xít như Cụ Hồ Chí Minh, sinh ra ở một nước thuộc địa và bản thân đã trải qua một cuộc sống như ở Việt Nam cũng như ở nhiều thuộc địa khác. Bản thân Lênin cũng không có kinh nghiệm như vậy. Cụ Hồ Chí Minh là một trong số rất ít những người Mác-xít có những kinh nghiệm như thế. Chính điều này đã cho phép Người phát triển hơn nữa lý luận về vấn đề dân tộc và thuộc địa”[1]. Giáo sư Singo Sibata cũng đã nhấn mạnh: “Cống hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc”[2].

Năm 1919, tại thủ đô Paris của Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia Đảng Xã hội Pháp. Trong các cuộc họp chi bộ, Người thường xuyên tố cáo những tội ác của chủ nghĩa thực dân, kêu gọi các đồng chí của mình giúp đỡ cách mạng ở thuộc địa và Người cũng phê phán những ý kiến xem thường vấn đề này: “Nếu đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu đồng chí không bênh vực cho các dân tộc thuộc địa thì đồng chí làm cái cách mạng gì? Không chỉ tham gia các cuộc họp của chi bộ mà thôi, tôi còn đến những chi bộ khác để bênh vực lập trường “của tôi”… ”[3].

Năm 1920, tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp, trả lời câu hỏi vì sao lại tán thành Quốc tế III do V.I.Lênin sáng lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Tôi hiểu rõ một điều Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa. Quốc tế III nói sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập của họ. Còn Quốc tế II không hề nhắc tới vận mệnh các thuộc địa vì vậy tôi bỏ phiếu tán thành Quốc tế III”[4]. Sau đó, Người tham gia sáng lập và hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp.

Tháng 6/1924 tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản, với tư cách là đại biểu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sức mạnh của chủ nghĩa tư bản hiện đang tập trung ở các thuộc địa và kêu gọi các đảng cộng sản cần chú ý hơn nữa vấn đề giải phóng thuộc địa: “Các đồng chí thứ lỗi về sự mạnh bạo của tôi, nhưng tôi không thể không nói với các đồng chí rằng, sau khi nghe những lời phát biểu của các đồng chí ở chính quốc, tôi có cảm tưởng là các đồng chí ấy muốn đánh chết rắn đằng đuôi. Tất cả các đồng chí đều biết rằng hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc. Các thuộc địa cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy; các thuộc địa cung cấp binh lính cho quân đội của chủ nghĩa đế quốc. Các thuộc địa trở thành nền tảng của lực lượng phản cách mạng. Thế mà các đồng chí khi nói về cách mạng các đồng chí lại khinh thường thuộc địa”[5]. Người đã nhắc lại quan điểm của V.I. Lênin về vấn đề giải phóng dân tộc và đã nói rõ: “Vì chúng ta tự coi mình là học trò của Lênin, cho nên chúng ta cần phải tập trung tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện trên thực tế những lời di huấn quý báu của Lênin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa cũng như các vấn đề khác”[6].

Trong “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925) tập hợp các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1921 đến năm 1924, chủ nghĩa tư bản là “một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản, con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt sẽ lại mọc ra”[7].

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927) đã cho rằng: “Cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản chính quốc mà có thể giành thắng lợi trước”[8] và “trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”[9]. Chính tư tưởng sáng tạo và linh hoạt của Người đã làm nên một cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của dân tộc Việt Nam. Trong tác phẩm “Ba mươi năm hoạt động của Đảng” (6/1/1960), Người nhấn mạnh: “Đó là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam, mà cũng là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác-Lênin ở một nước thuộc địa”[10].

Tiến sĩ Sanomish Dashtsevel (Mông Cổ) nhấn mạnh trong bài tham luận hội thảo quốc tế “Việt Nam trong thế kỷ XX” tổ chức tại Hà Nội (tháng 9-2000): “Cách mạng Tháng Tám đã tạo điều kiện cho nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước. Cuộc Cách mạng Tháng Tám còn có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc và dân chủ ở các nước châu Á và trên thế giới”[11].

Thomas Hodgkin, trong cuốn “Thế giới bàn về Việt Nam”, đánh giá Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là một sự kiện “quan trọng nhất trong lịch sử thế giới từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga”[12]. Tác giả đã viết rằng: “Đó là một cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, một Đảng chỉ mới ra đời được 15 năm. Đó là cuộc cách mạng đầu tiên thành công trong việc lật đổ chính quyền của chế độ thuộc địa…. Như vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã đánh dấu sự bắt đầu của một thời kỳ mới, nó vạch đường ranh giới của thời đại thực dân bắt đầu nhường chỗ cho thời đại phi thực dân hóa”[13].

“Tuyên ngôn Độc lập” đã báo hiệu về việc hệ thống thuộc địa trên thế giới sẽ bị lung lay và dần tan rã. Ảnh minh họa.

Thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới

Tại Đại hội II (1920) Quốc tế III, V.I.Lênin đã trình bày “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”. Bản Sơ thảo gồm 12 luận điểm, trong đó vấn đề dân tộc và thuộc địa đã được Quốc tế III và V.I.Lênin thừa nhận như là sự mở rộng của nguyên tắc liên minh công nông trên quy mô toàn thế giới. V.I.Lênin đã nhận định trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, cách mạng giải phóng dân tộc là một phạm trù của cuộc cách mạng vô sản, vì vậy những người cộng sản phải ủng hộ các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, rằng, với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, giai cấp vô sản ở các nước chậm tiến, sau khi hoàn thành nhiệm vụ dân tộc dân chủ có thể tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Do đó, trong Luận cương, V.I.Lênin chỉ rõ: “Tất cả các đảng cộng sản phải trực tiếp ủng hộ các phong trào cách mạng của những dân tộc phụ thuộc”[14].

Trong bài viết: “Lênin và các dân tộc thuộc địa” đăng trên Báo “Sự thật” (Pravda) - cơ quan ngôn luận của Trung ương của Đảng Cộng sản Liên Xô - ra ngày 27/1/1924, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “…người lãnh tụ vĩ đại này sau khi giải phóng nhân dân mình, còn muốn giải phóng các dân tộc khác nữa…. Và để thực hiện mục đích ấy, Người đã vạch ra một cương lĩnh cụ thể”. Ngày 21/1/1926, Người viết bài: “Lênin và phương Đông” trên Báo “Tiếng còi” (Gudok), cơ quan ngôn luận của ngành giao thông vận tải Liên Xô. Người khẳng định: “Lênin là người đầu tiên đã đặt cơ sở cho một thời đại mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa… Đối với tất cả các dân tộc bị áp bức và bị nô dịch, Lênin đã thể hiện một bước ngoặt trong lịch sử cuộc đời đau khổ và bị mất quyền của họ, đã tượng trưng cho một tương lai mới, xán lạn”. Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” (1960) đăng tạp chí “Các vấn đề phương Đông” của Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ lại: “Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[15].

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biến khẩu hiệu của V.I.Lênin “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại” thành hiện thực với “Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa” (1921), “Hội những người bị áp bức” (1925). Ông Max Clainvill Bloncourt  (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa) nhớ lại quãng đời hoạt động cách mạng với Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Hoạt động với anh tôi thấy anh là một người hăng hái đấu tranh cho việc giải phóng các dân tộc thuộc địa, không riêng dân tộc Việt Nam của anh mà tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới… Và càng hoạt động chúng tôi càng yêu thương nhau, càng thấy các dân tộc thuộc địa phải đoàn kết với nhau chống kẻ thù chung”.

Nhà sử học người Pháp Charles Fourniau (nguyên phóng viên thường trú của báo L'Humanité (Nhân đạo) - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp) đã nhận xét: “Nguyễn Ái Quốc đã có đóng góp quan trọng vào việc hình thành truyền thống chống chủ nghĩa thực dân, một truyền thống làm vẻ vang cho Đảng Cộng sản Pháp... Vậy thì hẳn rằng, người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương và lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam sau đó phải được coi là một trong những người thầy của Đảng Cộng sản Pháp về những vấn đề thuộc địa”.

Tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1990, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đã nhận định: “Với việc tổ chức ra Hội Liên hiệp thuộc địa, một người dân mất nước không chỉ lo giải phóng cho dân tộc mình mà còn lo đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng các dân tộc anh em… Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên viết “Bản án chế độ thực dân”, và cũng chính là người đã cùng với dân tộc người thi hành bản án”[16].

Tinh thần độc lập dân tộc của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Bản “Tuyên ngôn Độc lập” ngày 2/9/1945 đã thắp lên ngọn lửa sáng ngời cho cách mạng Việt Nam. Ngọn lửa đó đã thiêu rụi dã tâm xâm lược nước ta của các nước thực dân, đế quốc. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) của dân tộc Việt Nam, đồng chí William Foster, Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ, đã viết trên tờ “Công nhân nhật báo” ra ngày 10/5/1954 như sau: “Thắng lợi ở Điện Biên Phủ là một sự cổ vũ vô cùng to lớn cho các lực lượng đang đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa”. Nhà sử học Mỹ Berna Fol thì đánh giá: “Lần đầu tiên cường quốc thực dân bị một nước thuộc địa đánh bại”.

Năm 1955, chỉ một năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị 29 nước Á – Phi đã họp ở Bandung (Indonesia). Lần đầu tiên trong lịch sử những dân tộc hàng trăm năm bị gạt ra ngoài rìa lịch sử đã liên kết lại để công khai lên án chủ nghĩa thực dân và hợp tác giúp đỡ nhau vì mục đích hòa bình, độc lập dân tộc. Tại hội nghị này, các đại biểu Việt Nam đã được chào đón như những người anh hùng. Kết quả, chỉ 4 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1960 đã đi vào lịch sử nhân loại với tên gọi “Năm Châu Phi” với 17 nước châu Phi đã tuyên bố độc lập. Đến 1968, có tới 39 nước ở châu lục này (gồm 85% lãnh thổ và 93% dân số) đã giành được thắng lợi trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc.

Sau khi Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ (7/5/1954), Mỹ đã quyết định hất cẳng Pháp để thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam nhưng cũng bị thất bại thảm hại. Báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) ngày 1/5/1975 đã viết trong một bài xã luận: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng, điều đó nói lên rằng, thời đại mà các nước lớn dùng sức mạnh bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt rồi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9/9/1969 có đoạn: “Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới… Trái tim, khối óc của Người dành cho dân tộc Việt Nam ta cũng hướng về giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Là người học trò trung thành của Các Mác và Lênin, Hồ Chủ tịch chẳng những là một nhà yêu nước vĩ đại, mà còn là một chiến sĩ xuất sắc trong phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc của thế kỷ XX”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) của dân tộc Việt Nam và Người trở thành ngọn cờ cho cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới chống lại đế quốc thực dân. Ahmed Sékou Touré, Tổng thống nước Cộng hòa Guinea giai đoạn 1958-1984 đã nhận định: “Xuất sắc và dũng cảm, người anh Hồ Chí Minh là tấm gương tốt đẹp đối với các dân tộc Á - Phi trong cuộc đấu tranh cao cả chống đế quốc, chống thực dân cũ và mới”[17].

Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới giai đoạn 1977-1995 Romet Chandra nhận định: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập, tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”. Tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1990, tiến sĩ Modagat Ahmet - Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) phụ trách khu vực văn hóa châu Á - Thái Bình Dương đã nhận định Chủ tịch Hồ Chí Minh là “người giải phóng cho Tổ quốc và nhân loại bị đô hộ”[18].

[1] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 234

[2] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 240

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập,  tập 10, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 127

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 219.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 296

[6] Hồ Chí Minh, “Về Lênin và cách mạng tháng Mười”, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1985, tr.154

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 298

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 36

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 36

[10] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 2011, tr. 453

[11] “Việt Nam trong thế kỷ XX”, Hội thảo quốc tế, Hà Nội, 2000, tr. 3-4

[12] Thomas Hodgkin, “Thế giới bàn về Việt Nam”, tập 2, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976. tr. 224

[13] Thomas Hodgkin, “Thế giới bàn về Việt Nam”, tập 2, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976. tr. 224

[14] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 41, Nxb.Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.202.

[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập,  tập 10, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.228

[16] Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Kỷ niệm thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Tuyên huấn, Hà Nội, 1990, tr. 24

[17] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 331

[18] UNESCO và Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr. 37

Nguyễn Văn Toàn -

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ