Túi khí xe ô tô: Cấm kỵ làm những điều này nếu không muốn nguy hiểm tính mạng

(Banker.vn) Túi khí xe ô tô là thiết bị để bảo vệ người ngồi trong xe khỏi các chấn thương nghiêm trọng trong trường hợp có va chạm xảy ra khi đang lưu thông trên đường.
Quy định mới về trường hợp ô tô thuộc diện phải triệu hồiTrang Web đấu giá biển số xe hoạt động trở lại sau một ngày tạm dừng do lỗi kỹ thuật

Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa biết đực những kiến thức cần thiết về túi khí để có thể tự cứu mình trong tình huống nguy hiểm khi gặp tai nạn không mong muốn.

Túi khí ô tô là gì?

Túi khí là một thiết bị thụ động được trang bị trên ô tô để hạn chế va đập gây tổn thương cho người ngồi trên xe khi có va chạm xảy ra. Hệ thống túi khí tên tiếng Anh là Supplemental Restraint System (SRS).

Túi khí xe ô tô: Cấm kỵ làm những điều này nếu không muốn nguy hiểm tính mạng
Các loại túi khí được lắp đặt trong ô tô

Túi khí gồm 3 bộ phận chính: Túi chứa khí, hệ thống tạo khí và bộ cảm biến va chạm. Chất liệu tạo nên túi khí cho ô tô là loại vải co giãn hoặc một vật liệu đảm bảo được khả năng thu gọn lại trong các vị trí cần thiết trên xe và dễ dàng bung ra khi cần thiết.

Mỗi túi khí kết hợp với một "thiết bị phóng" do hệ thống điện tử điều khiển nằm trong một lớp hỗn hợp gồm Natri, Kali Nitrate dễ cháy. Lượng khí gas lớn nén trong thể tích nhỏ buộc túi khí bung ra khỏi vô lăng hay các vị trí lắp đặt khác với vận tốc 320 km/h. Toàn bộ quá trình này diễn ra trong khoảng thời gian 0,04 giây ví như trong một cái chớp mắt. Túi khí ô tô là thiết bị duy nhất trên xe hơi chỉ được sử dụng một lần, khi bắt đầu hoạt động cũng là lúc nó sẽ tự làm hỏng chính mình.

Các loại túi khí và cơ chế hoạt động

Hệ thống túi khí được lắp đặt ẩn ở một số vị trí trong khoang và phần khung xe. Theo vị trí lắp đặt, hệ thống này thường gồm 4 loại là túi khí phía trước, túi khí sườn, túi khí đầu gối, túi khí dây đai an toàn. Một số xe còn có thêm hệ thống túi khí bên phía trên (hay còn gọi là túi khí rèm) để góp phần giảm các chấn thương ở vùng đầu, cổ, ngực, mặt của người lái và hành khách khi xe xảy ra va chạm.

Khi có tình huống xảy ra va chạm, túi khí được bơm phồng gần như ngay lập tức với thời gian chỉ tính bằng mili giây, bảo vệ các bộ phận quan trọng trên cơ thể người trên xe. Sau đó trong vòng 5 giây, các khí này từ từ được thoát ra theo các lỗ nhỏ để hành khách không bị mắc kẹt trong xe.

Các trường hợp túi khí không bung

Xe đã quá cũ, nhà sản xuất không thay thế túi khí khi đã hết hạn bảo hành, một số loại túi khí khi theo thời gian có thể xuống cấp và không còn hoạt động đúng chức năng.

Trường hợp nếu xe bị đâm không đúng vào vùng đặt cảm biến, túi khí có thể không nổ. Nếu vị trí đâm gần tâm khung chịu lực của xe thì lúc đó lực đã được hấp thụ nên không đủ làm túi khí kích hoạt. Nhưng nếu xe bị rơi xuống một hố sâu hoặc bị va chạm mạnh vào các chướng ngại vật như vỉa hè cao hay gờ giảm tốc cao, lúc này gia tốc của xe thay đổi đột ngột có thể dẫn đến việc kích hoạt túi khí.

Khi xe lộn vòng, dây an toàn và bộ khung xe mới là hai thứ quan trọng bảo vệ hành khách; các túi khí phía trước không có tác dụng và hiếm khi bung. Nhưng túi khí vẫn có thể nổ nếu xe va chạm với các vật cản khác

Lưu ý cần nắm về túi khí

Để đảm bảo an toàn cho người ngồi trên xe, tuyệt đối không để hoặc lắp thêm đồ vật trên bề mặt bung của túi khí (thường là mặt vô-lăng).

Người ngồi trên xe nên thắt đai an toàn, không nên ngồi quá gần hệ thống túi khí, người lái nên tập cách ngồi đúng vị trí, không nên bắt chéo tay trên vô lăng. Trong trường hợp túi khí bung khi xảy ra va chạm, lực nổ của túi khí có thể gây chấn thương cho tài xế nếu tư thế cầm lái không đúng chuẩn.

Tuyệt đối không cho trẻ em dưới 12 tuổi ngồi ở hàng ghế phía trước, điều này rất nguy hiểm khi hệ thống dây đai không đủ điều kiện (lực kéo) để hoạt động nên khi hệ thống túi khí bung ra, sẽ rất nguy hiểm khi trẻ nhỏ bị túi khí đập vào người.

Không bao giờ được dùng ghế trẻ em lắp quay lưng về phía trước đối với xe có trang bị túi khí ghế hành khách phía trước. Trừ những trường hợp bất khả kháng, còn lại tốt nhất nên để trẻ nhỏ ngồi ở hàng ghế sau.

Không nên chạm vào các bộ phận bên trong túi khí sau khi nổ, điều này sẽ khiến bạn bị bỏng.

Nên bảo dưỡng xe định kỳ, đồng thời phải thực hiện các cách xử lý hệ thống túi khí trên ô tô ngay khi bắt gặp những dấu hiệu bất thường như: Các cảm biến túi khí không hoạt động, túi khí quá hạn sử dụng, túi khí tự bung khi xe vẫn hoạt động bình thường, đèn báo túi khí trên táp-lô sáng liên tục

Theo các thống kê tại Mỹ, hệ thống túi khí giúp hạn chế nguy cơ thương vong lên đến 30%. Túi khí ô tô đã cứu được hơn 25 ngàn người khi xảy ra tai nạn trên khắp nước Mỹ trong vòng 21 năm. Vì thế người sử dụng xe ô tô cần trang bị những kiến thức trên để giúp hạn chế chấn thương khi có va chạm xảy ra.

Theo: Báo Công Thương