Tục rước “Ông Lang” - phong tục đẹp ở làng Tân Phượng, Bắc Giang

(Banker.vn) Vào ngày 11 và 12/2 âm lịch hàng năm, thôn Tân Phượng (hay Phụng Pháp), xã Tân Mỹ, TP. Bắc Giang, tổ chức việc làng để tế lễ và rước 'Ông Lang' (lợn đen).
Bắc Giang: Đặc sắc lễ hội truyền thống làng Thổ Hà Bắc Giang sắp diễn ra lễ hội Yên Thế

Thôn Tân Phượng xã Tân Mỹ, TP. Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) là vùng đất cổ với nhiều phong tục, tập quán truyền thống độc đáo. Một trong những nghi lễ linh thiêng và quan trọng được nhân dân duy trì từ xưa đến nay đó là tục rước “Ông Lang”. Buổi lễ được xem là đại sự và được chuẩn bị chu đáo, bài bản, cầu kỳ theo những nghi thức nghiêm cẩn từ bao đời nay.

Hoạt động văn hóa, tâm linh này là dịp để con em của làng dù ở gần hay xa và khách thập phương tề tựu về thắp hương, dâng lễ tưởng nhớ người có công với dân làng và quê hương.

Tục rước “Ông Lang”- phong tục đẹp ở làng Tân Phượng (Bắc Giang)
Các gia đình, hội, nhóm rước "Ông Lang" về nghè. Ảnh baobacgiang

Tương truyền, vị thần được thờ trong nghè Phụng Pháp tên là Hoàng Phó Lang, là vị quan thời Lê và cũng là người trí thức đầu tiên của làng. Lúc nhỏ, ông được gia đình cho ăn học, lớn lên thông minh tài trí hơn người, đỗ đạt, được vua ban tước.

Ông luôn quan tâm khai phá đất đai, chăm lo mùa màng, giúp nhân dân trong vùng có đời sống no ấm. Ghi nhớ công ơn của ông, dân làng lập nghè thờ. Người làng Tân Phượng nói rằng nơi này rất linh thiêng. Trước mỗi mùa thi, nhiều sĩ tử và gia đình trong làng thường chuẩn bị một mâm lễ vào nghè để dâng thánh, cầu mong việc thi cử thuận lợi, may mắn.

Theo các bậc cao niên trong làng, xưa kia, cuộc sống của dân làng còn thiếu thốn, thịt lợn là thực phẩm quý. Thịt lợn đen lại càng quý hiếm. Với tình cảm biết ơn và lòng thành kính, người dân chọn lễ vật là lợn đen mỗi dịp tế, thường gọi "Ông Lang".

Tục rước “Ông Lang”- phong tục đẹp ở làng Tân Phượng (Bắc Giang)
Đoàn rước lễ trên đường làng. Ảnh baobacgiang

Trước kia, làng cử ra một ban có trách nhiệm tìm lợn đen về nuôi trước nhiều tháng. Để có "Ông Lang" như ý, các hộ chọn con giống rất kỹ lưỡng, phải là lợn đực đen tuyền mới được làng chấp nhận. Hàng tuần phải tắm nước gừng với rượu cho sạch và thơm tho, chờ đến ngày mở việc làng.

Ngày tế lễ, làng mở hội hát, chọi gà rộn ràng khắp 2 giáp Đông và Đoài. Mỗi giáp sẽ dâng một “Ông Lang” tế ở nghè, khi đến nghè thì lợn của giáp nào sẽ chầu về giáp ấy. Dân làng đứng xung quanh, kèn thờ, trống hội nổi lên rộn rã.

Ngay từ sáng sớm ngày 11/2 âm lịch, những "ông" lợn đen được tắm sạch sẽ, đeo nơ và quàng dải lụa điều tập kết trước cổng làng. Đúng giờ đẹp, ông chủ tế phát lệnh rước, nhạc lưu thủy nổi lên, trống dong, cờ mở, trai tráng khiêng kiệu và bát biểu, đoàn người già, trẻ nhỏ, nam thanh, nữ tú ăn vận rực rỡ, chỉnh tề xếp hàng rước các "Ông Lang" tiến về nghè. Đến sân nghè, các cụ ông làm lễ khoảng hơn một giờ đồng hồ.

Tục rước “Ông Lang”- phong tục đẹp ở làng Tân Phượng (Bắc Giang)
"Ông Lang" được di chuyển vào nghè. Ảnh baobacgiang

Các “Ông Lang” sẽ được tắm nước gừng và rượu thơm một lần nữa để tiến vào cửa đền. Có điều lạ là những chú lợn khi vào đến cửa hậu cung đều nằm phủ phục một cách hiền lành, ngoan ngoãn.

Tại đây, lần lượt các “Ông Lang” được đại diện của gia đình, dòng họ, hội, nhóm rước vào trong nghè cúng tế. Trong lễ tế, chủ tế đọc bài văn cúng dài mong thần thánh phù hộ độ trì cho dân làng bình an, mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt.

Sau khi dâng cúng, các "Ông Lang" được mang thịt khao làng và chia cho các gia đình để thụ lộc. Với đạo lý "uống nước, nhớ nguồn", tiếp tục gìn giữ phong tục của xóm làng, thôn Tân Phượng mỗi năm lại tổ chức lễ tế “Ông Lang” trong việc làng.

Tục rước “Ông Lang”- phong tục đẹp ở làng Tân Phượng (Bắc Giang)
"Ông Lang" phủ phục làm lễ. Ảnh Baobacgiang

Những năm gần đây, lễ tế có nhiều các gia đình, dòng họ cùng cung tiến lợn nên quy mô càng lớn. Tuy chỉ là việc làng, nhưng vì còn giữ được những nét độc đáo nên mỗi dịp tế lễ, đông đảo khách thập phương lại theo chân nhau về đây để dâng hương.

Số lượng "Ông Lang" mỗi năm tùy thuộc điều kiện của các gia đình, dòng họ trong làng. Người dân Tân Phượng quan niệm, gia đình, tổ chức nào có tâm công đức lợn đen vào lễ rước ấy sẽ được thần linh phù hộ cho may mắn, suôn sẻ cả năm.

Tại ngày hội làng diễn ra nhiều trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ, thể thao để dân làng, con cháu xa gần cùng tham gia thể hiện tình đoàn kết, yêu thương. Qua đó, nhắn nhủ con cháu, thế hệ trẻ chăm lo học hành, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Làng Tân Phượng đại bộ phận mang họ Hoàng, đây cũng chính là quê hương của Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc - một võ tướng giỏi thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Năm 1743, Hoàng Ngũ Phúc được cử làm thống lĩnh quân cơ đạo, ông đã dâng lên chúa Trịnh 12 điều quân pháp, được chúa chấp nhận và cho thi hành. Năm 1767 ông được tiến phong tước công, năm 1770 tham gia việc đánh dẹp khởi nghĩa Lê Duy Mật ở Thanh Hoá.

Lê Nguyệt

Theo: Báo Công Thương