Tuần qua, bình quân thanh khoản mỗi phiên giao dịch ở mức 30.000 tỷ đồng

(Banker.vn) Điểm nhấn thị trường tuần qua là thanh khoản gia tăng đột biến, giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt hơn 30.000 tỷ đồng mỗi phiên, tăng khoảng 16% so với tuần trước
Cổ phiếu ngân hàng “rực lửa”, VN-Index giảm tới 21 điểm Vì sao thị trường chứng khoán "lao dốc" trong phiên giao dịch ngày 8/3?

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch nhiều biến động với thanh khoản gia tăng đột biến. Bình quân mỗi phiên trong tuần qua ở mức 30.000 tỷ đồng.

Tuần qua, bình quân thanh khoản mỗi phiên giao dịch ở mức 30.000 tỉ đồng
Bình quân thanh khoản mỗi phiên giao dịch trong tuần qua là 30.000 tỷ đồng

Dữ liệu Fiintrade cho thấy, đây là tuần có giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 4/2022. Giá trị giao dịch bình quân phiên tăng ở ngành bất động sản, chứng khoán, xây dựng, ngân hàng, hóa chất, thực phẩm, bán lẻ. Trong khi thép, nuôi trồng nông và hải sản, dầu khí có thanh khoản gần như không đổi so với tuần trước. Còn về giá, cả ngân hàng, thép, bất động sản "rủ nhau" giảm điểm trong tuần này.

Trong các nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng sau giai đoạn tăng giá mạnh kéo dài đã chịu áp lực bán tương đối mạnh. Nhóm này cũng là tác nhân quan trọng kéo VN-Index giảm điểm trong tuần qua.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản có sự phân hóa hơn. Thị trường ghi nhận một số mã nhóm này tăng tốt tuần qua, như: VRC (+25,89%), NBB (+13,79%), NHA (+5,52%), NLG (+5,01%)...

Ngược lại với sự phân hóa, một số cổ phiếu bất động sản cũng chịu áp lực điều chỉnh như AGG (-5,39%), NVL (-4,62%), CEO (-3,98%), DIG (-3,63%)... Nhóm khu công nghiệp cũng có một số mã tăng tốt như BCM (+8,96%), KBC (+6,09%)...

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn thể hiện biên độ tăng giá vượt trội như AGR (+16,02%), DSC (+14,35%), PSI (+7,95%), CTS (+9,77%)... Dù vậy, vẫn có những mã dòng chứng khoán chịu áp lực điều chỉnh như SSI (-1,47%), BSI (-1,03%)...

Dữ liệu trên Fiintrade cho thấy, mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm bán lẻ, bất động sản với các mã KBC, KDH, MWG, NLG, DGC, STB, VRE, MSN, DGW.

Phía bên bán ròng khớp lệnh của nước ngoài là nhóm dịch vụ tài chính. Cụ thể, nhóm bán ròng khớp lệnh của nước ngoài có thể kể đến các mã: VCB, SAB, VPB, TPB…

Nhìn chung, dòng vốn ngoại tìm tới thị trường chứng khoán Việt Nam với kỳ vọng về tỷ suất lợi tức cao, cùng một mức độ rủi ro nhất định. Vì vậy, vốn ngoại thường có tính thanh khoản cao do các nhà đầu tư luôn có xu hướng thay đổi chứng khoán hoặc tài sản nắm giữ.

Ngược xu hướng khối ngoại, nhà đầu tư mua ròng khớp lệnh cả tuần qua hơn 1.500 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, nhóm này mua ròng 11/18 ngành, chủ yếu là ngành ngân hàng.

Các mã được nhà đầu tư cá nhân mua nhiều, bao gồm: VHM, TCB, HPG, VNM, VPB, NVL, VCB, VSC, VCI, TPB… Còn bán ròng chủ yếu nhóm này là cổ phiếu bán lẻ, hóa chất.

Ở hai nhóm còn lại, nhà đầu tư tổ chức trong nước bán ròng khớp lệnh hơn 407 tỷ đồng và tự doanh bán ròng 51 tỷ đồng.

Sau phiên giảm tới hơn 20 điểm cuối tuần, một số công ty chứng khoán vẫn dự báo VN-Index khả năng có thêm nhịp tăng hướng tới ngưỡng cản mạnh 1.300 điểm.

Một số đơn vị thận trọng hơn vẫn nghi ngờ về khả năng VN-Index hình thành xu hướng uptrend (tăng giá) mạnh mẽ. Theo đó, có cả kịch bản dự báo VN-Index sau khi kết thúc đà hưng phấn sẽ điều chỉnh trở lại trong kênh 1.150 - 1.250 điểm, bởi nền tảng tích lũy chưa đủ tin cậy.

Đưa ra dự báo xu hướng dịch chuyển của dòng vốn ngoại năm 2024, giới phân tích cho rằng dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam theo sau động thái hạ dần lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các yếu tố hỗ trợ như lãi suất thấp, kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận bắt đầu phục hồi.

Song Hà

Theo: Báo Công Thương