Từ xưởng mộc nhỏ đến đế chế Hoàng Anh Gia Lai: Hành trình "không tưởng" của bầu Đức

(Banker.vn) Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), là Chủ tịch Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), nổi tiếng với hành trình khởi nghiệp từ một xưởng mộc nhỏ. Ông đã xây dựng một đế chế đa ngành từ bất động sản đến nông nghiệp.

Khởi nghiệp từ con số 0

Đoàn Nguyên Đức, hay còn được gọi Bầu Đức, là một trong những doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn tại Việt Nam. Ông không chỉ được biết đến với vai trò là Chủ tịch của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) mà còn là người có đóng góp to lớn cho nền bóng đá nước nhà. Sự nghiệp của Bầu Đức là một câu chuyện đan xen giữa những tham vọng táo bạo và những thăng trầm không nhỏ mà ông đã phải đối mặt.

Từ xưởng mộc nhỏ đến đế chế Hoàng Anh Gia Lai: Hành trình
Từ xưởng mộc nhỏ đến đế chế Hoàng Anh Gia Lai: Hành trình không tưởng của bầu Đức.

Sinh năm 1962 tại Bình Định trong một gia đình nông dân nghèo, Đoàn Nguyên Đức có xuất phát điểm vô cùng khiêm tốn. Sau khi thi trượt đại học, ông không từ bỏ mà quyết tâm khởi nghiệp với một xưởng mộc nhỏ tại Gia Lai vào đầu thập niên 1990. Xưởng mộc này chỉ với vài nhân viên ban đầu đã trở thành nền móng cho Công ty TNHH Hoàng Anh Pleiku.

Từ một xưởng nhỏ,Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) nhanh chóng phát triển thành doanh nghiệp lớn, với doanh thu tăng vọt lên đến hơn 1.880 tỷ đồng 2008 và lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.000 tỷ đồng vào năm, trước khi ông Đoàn Nguyên Đức quyết định mở rộng sang các lĩnh vực mới như bất động sản và nông nghiệp. HAGL trở thành một trong những cái tên hàng đầu trong các dự án bất động sản lớn ở TP.HCM và Đà Nẵng, với những dự án nổi bật như HAGL Lakeview Residence và Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center.

Năm 2008 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi Bầu Đức quyết định đầu tư mạnh vào nông nghiệp. Ông đổ hàng nghìn tỷ đồng vào trồng cây cao su và cọ dầu, với tham vọng xây dựng một đế chế nông nghiệp tại Đông Dương. HAGL đã đầu tư khoảng 30.000 ha đất để trồng cao su tại Lào và Campuchia, cùng hàng trăm triệu USD cho việc phát triển các đồn điền này.

Không dừng lại ở nông nghiệp, HAGL còn đầu tư vào chăn nuôi với dự án chăn nuôi bò thịt tại Gia Lai. Năm 2014, HAGL đã chi gần 15.000 tỷ đồng vào dự án chăn nuôi bò này, với mục tiêu xuất khẩu hàng ngàn tấn thịt bò mỗi năm cho thị trường trong nước và quốc tế.

Câu nói "Ai bảo nông nghiệp không thể có doanh thu tỉ USD, không thể lãi ngàn tỷ?" của Bầu Đức được ông phát biểu trong giai đoạn tái cấu trúc lại HAGL là minh chứng rõ cho sự quyết tâm, phản ánh sự tự tin của ông khi tập trung vào nông nghiệp. Bầu Đức cho rằng, với chiến lược hợp lý và nguồn lực sẵn có, nông nghiệp hoàn toàn có thể mang lại những con số lợi nhuận khổng lồ.

Khó khăn và thử thách

Dù được ngưỡng mộ và tôn vinh, doanh nghiệp mà Bầu Đức dẫn dắt cũng không tránh khỏi những thử thách đầy cam go trong sự nghiệp. Tính đến cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đạt 21.560 tỷ đồng, tăng hơn 600 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, tổng nợ phải trả vẫn ở mức 13.127 tỷ đồng, trong đó khoản vay nợ chiếm hơn 7.000 tỷ đồng. Mặc dù đã giảm gần 900 tỷ đồng so với đầu năm, gánh nặng tài chính vẫn đè nặng lên vai Công ty.

Đáng chú ý, HAGL đã gặp khó khăn khi phải chậm thanh toán lô trái phiếu HAGLBOND16.26, phát hành vào năm 2016 và sẽ đáo hạn vào năm 2026. Đến cuối tháng 9, số tiền gốc chậm thanh toán đã lên tới 1.015 tỷ đồng, cộng thêm khoản lãi lũy kế chậm thanh toán lên đến 3.486 tỷ đồng, đưa tổng số nợ lên 4.501 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong bức tranh đầy thử thách này, vẫn có những điểm sáng đáng khích lệ. Trong 6 tháng đầu năm 2024, HAGL ghi nhận doanh thu 2.759 tỷ đồng, mặc dù giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế tăng vọt 32%, đạt 507 tỷ đồng, qua đó giúp giảm lỗ lũy kế xuống còn 904 tỷ đồng vào cuối tháng 6. HAGL cũng đã hoàn tất chào bán cổ phiếu riêng lẻ, thu về 1.300 tỷ đồng, giúp tăng vốn điều lệ lên 10.574 tỷ đồng.

Hoàng Anh Gia Lai hiện đang tập trung vào mảng chăn nuôi heo và trồng chuối, sầu riêng. Trong nửa đầu năm, tập đoàn đã mở rộng diện tích sầu riêng từ 1.500 ha lên 1.947 ha, tức tăng thêm 447 ha, trong khi diện tích chuối duy trì ổn định ở mức 7.000 ha. Với mục tiêu doanh thu cao kỷ lục năm 2024, HAGL đặt kỳ vọng đạt 7.750 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước, dù chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 26%, còn 1.320 tỷ đồng.

Nếu hoàn thành mục tiêu này, năm 2024 sẽ là năm thứ ba liên tiếp HAGL đạt lợi nhuận nghìn tỷ, hỗ trợ quá trình xóa bỏ lỗ lũy kế – một ám ảnh lớn đối với Bầu Đức. Ông từng chia sẻ: "Nhiều quỹ lớn nói rằng nếu HAGL xóa được lỗ lũy kế, họ sẽ đầu tư vào. Chúng tôi đang nỗ lực hết mình để đạt được điều đó bằng nhiều cách, bởi lợi nhuận 1.300 tỷ đồng chưa thể giúp HAGL thoát khỏi tình trạng này."

Dù vậy, lỗ lũy kế vẫn là một trở ngại lớn, và đây cũng chính là lý do khiến cổ phiếu HAG tiếp tục nằm trong diện cảnh báo.

Người hùng của bóng đá Việt Nam

Nhắc đến Bầu Đức mà không nhắc đến bóng đá thì quả là thiếu sót. Với niềm đam mê mãnh liệt dành cho môn thể thao vua, Bầu Đức đã đầu tư hơn 70 triệu USD vào việc thành lập Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG vào năm 2007. Đây là một trong những học viện đầu tiên tại Việt Nam liên kết với một câu lạc bộ danh tiếng nước ngoài.

Các cầu thủ trẻ được đào tạo tại học viện này đã nhanh chóng trở thành những ngôi sao trong làng bóng đá Việt Nam. Nổi bật nhất là lứa cầu thủ như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, những người đã đóng góp đáng kể vào thành công của đội tuyển U23 và đội tuyển quốc gia Việt Nam trên các đấu trường quốc tế, như Á quân giải U23 châu Á 2018 và vô địch AFF Cup 2018.

Không chỉ là xe hơi: Đế chế Thaco vươn mình đa ngành, từ nông nghiệp đến bất động sản

Ít ai ngờ rằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco Group (Trường Hải Auto) Trần Bá Dương từng bắt đầu sự nghiệp chỉ với ...

Hoàng Anh Gia Lai vật lộn với nợ nần, chậm thanh toán lãi trái phiếu 137 tỷ đồng

Hoàng Anh Gia Lai chậm thanh toán 137 tỷ đồng lãi trái phiếu do chưa thu đủ tiền từ HAGL Agrico và thanh lý tài ...

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán