Từ vụ nam sinh đường lên đỉnh Olympia: Cần làm gì để giáo dục, bồi đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ?

(Banker.vn) Từ vụ nam sinh đường lên đỉnh Olympia, có thể thấy, việc giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ là việc quan trọng hơn bao giờ hết.
Công an làm việc với nam sinh Đường lên đỉnh Olympia Bài học đắt giá sau những phát ngôn của nam sinh: Sửa sai để tiến bộ Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái lên tiếng vụ nam sinh Đường lên đỉnh Olympia có phát ngôn trên mạng xã hội

“Con sâu làm rầu nồi canh”

Trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, trên khắp dải đất hình chữ S - trải dài từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau, đâu đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh những lá cờ tổ quốc tung bay phấp phới đi kèm với đó là tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, sự đoàn kết của 54 dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những sự việc đáng tiếc xảy ra. Đó là những phát ngôn chưa chuẩn mực của một nam sinh tại tỉnh Yên Bái - cựu thí sinh của chương trình Đường lên đỉnh Olympia.

C. N. Q.V từng là niềm tự hào của một trường trung học phổ thông chuyên có tiếng địa phương. Cách đây gần 1 năm, nam sinh này đã xuất sắc giành vòng nguyệt quế trong vòng thi tháng tại Đường lên đỉnh Olympia. Đây cũng là thí sinh Yên Bái đầu tiên trong vòng 23 năm đã giành được chiến thắng tại vòng thi tháng của cuộc thi này.

Thế nhưng, thay vì tiếp tục làm tấm gương sáng để thầy cô tự hào, các bạn học noi theo, thật đáng tiếc Q. V đã thể hiện hành vi vô ơn đối với Đảng, với quê hương, đất nước, gây bức xúc với dư luận qua một dòng trạng thái trên mạng xã hội. Mặc dù, ngay sau đó, học sinh này đã đăng đàn xin lỗi về những phát ngôn của mình nhưng những phát ngôn trước đó không làm dư luận “hạ nhiệt” và Q. V đã khóa trang facebook cá nhân của mình.

Sau khi sự việc đáng tiếc trên, Công an tỉnh Yên Bái, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái và Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành nơi nam sinh đang theo học đã cử cán bộ, giáo viên trực tiếp đến gia đình C. N. Q.V để nắm tình hình và diễn biến tư tưởng, tâm lý của học sinh này.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên những người có học thức, có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội có những phát ngôn chưa chuẩn mực. Gần đây, hàng loạt nghệ sĩ, người nổi tiếng đã và đang là tâm điểm tranh cãi, chỉ trích về lòng yêu nước và trách nhiệm xã hội khi bị “đào lại” quá khứ từng biểu diễn dưới lá cờ ba sọc (cờ chế độ Việt Nam Cộng hoà cũ).

Từ vụ nam sinh đường lên đỉnh Olympia: Cần làm gì để giáo dục, bồi đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ?
Việc giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân, đặc biệt cho thế hệ trẻ là công việc quan trọng hơn bao giờ hết. Ảnh minh hoạ

Tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ

Từ những sự việc trên, có thể thấy, việc giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân, đặc biệt cho thế hệ trẻ là công việc quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện đại với nhiều biến động, nhiều giá trị đạo đức, tư tưởng, lối sống đã thay đổi.

Dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao nhiêu bao sóng gió, thăng trầm chống lại những cuộc xâm lăng, lập nên những trang sử oai hùng. Trong rất nhiều những yếu tố góp nên thành công ấy, chúng ta phải kể đến lòng yêu nước dạt dào trong mỗi trái tim của người con đất Việt. Giờ đây, khi đất nước đứng trước những thử thách mới của một thời đại phát triển, lòng yêu nước càng đóng một vai trò quan trọng.

Chính bởi vai trò quan trọng ấy, lòng yêu nước đã được đưa vào là một trong những phẩm chất cốt lõi trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 - bên cạnh những phẩm chất nhân ái, trung thực, trách nhiệm, chăm chỉ để giáo dục và rèn luyện cho học sinh trong nhà trường.

Toàn bộ chương trình có 14 nội dung giáo dục, trong đó các nội dung giáo dục công dân, quốc phòng và an ninh, nội dung giáo dục khoa học xã hội có vai trò chủ đạo trong việc giáo dục giáo dục nhân sinh quan, thế giới quan, hoàn thiện nhân cách, giáo dục ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng.

Bên cạnh đó, lòng yêu nước còn được bồi dưỡng ở nhiều môn học và hoạt động giáo dục khác, như: Tiếng Việt, Ngữ văn, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương,...

Thông qua ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật, nhà trường bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất chủ yếu, đặc biệt là tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, tính trung thực và ý thức trách nhiệm. Hình thành, phát triển cho học sinh các năng lực chung và hai năng lực đặc thù là năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - Thành viên Ban Phát triển chương trình môn Lịch sử cấp THPT trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Tổng Chủ biên sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý cấp Tiểu học và THCS Bộ sách Kết nối tri thức - cho rằng, Nhân dân Việt Nam không chỉ có lịch sử anh hùng mà còn có kinh nghiệm giáo dục lịch sử, truyền thống, đặc biệt cho thế hệ trẻ, qua các nguồn tài liệu và hình thức giáo dục phong phú, hấp dẫn, có hiệu quả.

“Giáo dục truyền thống yêu nước được thể hiện qua những bài học lịch sử nội khóa và bài học ngoại khóa. Trên cơ sở những sự kiện lịch sử chính xác, vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học bộ môn các thầy, cô tạo biểu tượng về hình ảnh, sự kiện, con người. Từ đó, bồi dưỡng lòng yêu nước, tình cảm thắm thiết với dân tộc cho học sinh” - PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ chia sẻ.

Mọi người thường nghĩ, yêu nước là phải ra chiến trường, hy sinh vì đất nước… Nhưng thực ra lòng yêu nước chính là việc yêu ngay những thứ nhỏ bé, giản dị, bình thường xung quanh ta như những hàng tre xanh, những dòng sông, xóm làng, những lời ru của mẹ,... Đặc biệt, một trong nhưng biểu hiện của lòng yêu nước chính là tình yêu lịch sử, nguồn gốc của đất nước mình. Là một người con của đất nước Việt Nam, chúng ta phải tự hào về lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Chúng ta phải có hiểu biết về lịch sử của đất nước ta từ thuở dựng nước, Bà Trưng, Bà Triệu đến thời đại Hồ Chí Minh…

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, ngoài môn Lịch sử, Giáo dục quốc phòng và an ninh cũng góp phần khơi dậy trong học sinh lòng tự hào và trân trọng về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Từ đó nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng trước các thủ đoạn, âm mưu của các thế lực thù địch.

“Các vua Hùng đã các công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa nhắc nhở các thế hệ người dân Việt Nam về trách nhiệm bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc của mình. Bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, đó không phải công việc của riêng ai, của riêng một lực lượng nào mà đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc. Đặc biệt là với chúng ta, những thế hệ sẽ làm chủ đất nước trong tương lai.

Thực tế, trước sự việc gây xôn xao của học sinh C. N. Q. V, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cũng yêu cầu nhà trường tăng cường thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, truyền thống cách mạng cho giáo viên và học sinh; đẩy mạnh chia sẻ các thông tin, bài viết tích cực về tình yêu quê hương đất nước, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày Quốc khánh 2/9...

Liên quan đến sự việc này, xét ở một khía cạnh khác, Báo Công Thương cho rằng, sự việc đáng tiếc một phần do bản tính nông nổi, bồng bột của tuổi trẻ. C. N. Q.V còn trẻ, đang ở tuổi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời nên còn thiếu trải nghiệm thực tiễn và cả kiến thức toàn diện cũng như kỹ năng, kinh nghiệm phát ngôn, ứng xử trên mạng xã hội. Đây sẽ là một bài học đắt giá để em khắc phục, sửa sai, hoàn thiện bản thân trở thành người có đức, có tài, có ích cho xã hội.

Sự việc tuy đáng tiếc nhưng cha ông ta có câu “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, mọi sai lầm đều có thể sửa chữa nếu mỗi bạn trẻ biết nhìn thẳng vào sự thật và “ngã ở đâu hãy đứng lên ở đó”. Mong rằng cộng đồng mạng và báo chí, truyền thông rộng lượng, vị tha chung tay cùng gia đình, nhà trường, các đoàn thể động viên, giúp đỡ em Q.V sửa sai, tiến bộ. Tuy nhiên bản thân em Q.V cần phải chính thức có lời xin lỗi thành khẩn, cầu thị chứ không phải xin lỗi lấy lệ, dùng chat GPT viết lời xin lỗi với nội dung chiếu lệ, chưa nhận thức rõ sai phạm nghiêm trọng của mình như dư luận tiếp tục phản ánh. Cơ quan chức năng và nhà trường gia đình cũng cần phải tiếp tục có biện pháp xử lý, uốn nắn đối với nam sinh và rút kinh nghiệm chung để không tái diễn những sự việc tương tự.

Biết rằng trí tuệ là nguồn tài nguyên quý giá của mỗi quốc gia, dân tộc và tài nguyên đó đang nằm chính trong mỗi học sinh, sinh viên. Nhưng nếu tài nguyên đó không được khai thác và sử dụng hợp lý thì sẻ không có tác dụng gì. Vì vậy mỗi học sinh, sinh viên cần ra sức học tập, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại nhưng không quên giữ gìn và phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc. Không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ, hiểu rõ về lịch sử hàng ngàn năm của đất nước, cùng nhau góp sức để đưa đất nước tiến lên, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ hằng mong muốn, xứng đáng là thế hệ thanh niên mới nối truyền thống tự hào của cha anh.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục