Từ vụ FLC, tập trung vá 6 "lỗ hổng" quản lý nhà nước

(Banker.vn) Bộ Công an đánh giá, vụ thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC đã cho thấy sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Bộ Công Thương kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm tại Nghệ An Trung tướng Tô Ân Xô: Xử lý các vụ SCB, Tân Hoàng Minh cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực Khởi tố thêm 22 bị can giúp sức cho Trịnh Văn Quyết lừa đảo

Thủ đoạn tinh vi của Trịnh Văn Quyết

Chiều 2/3, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn của Bộ Công an đã cung cấp thông tin về kết quả điều tra một số vụ án trọng điểm, trong đó có vụ án thao túng thị trường chứng khoán là vụ án liên quan Tập đoàn FLC; vi phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp là vụ Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

"Qua các vụ án này Bộ Công an gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về hiện tượng thao túng thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu", ông Xô nhấn mạnh.

Từ vụ FLC, tập trung vá 6
Trung tướng Tô Ân Xô nói về hành vi, thủ đoạn thị trường chứng khoán của Trịnh Văn Quyết trong vụ án của Tập đoàn FLC.

Thông tin cụ thể về vụ án liên quan đến Tập đoàn FLC, Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, qua quá trình điều tra, cơ quan điều tra phát hiện việc thao túng thị trường chứng khoán của FLC thể hiện qua các hành vi cụ thể sau:

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã lập và ký khống hồ sơ góp vốn tại Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros, nâng khống 3.102 tỷ đồng (tăng vốn từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng). Sau đó hợp thức hóa hồ sơ để cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán chấp nhận đăng ký lưu ký. Từ đó thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng.

Về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, Trịnh Văn Quyết mượn giấy tờ cá nhân của 45 người thân trong gia đình, lập 20 công ty nhưng không hoạt động kinh doanh, sử dụng danh tính phương thức để mở 500 tài khoản chứng khoán để thực hiện hành vi thao túng chứng khoán.

Thủ đoạn thao túng là liên tục mua bán cùng một loạt chứng khoán, là mua bán khớp lệnh nội nhóm, đặt nhiều lệnh mua bán để chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa và đóng cửa, đặt lệnh mua bán sau đó hủy nhằm tạo cung cầu và "lùa" nhà đầu tư.

"Từ 26/5/2017 đến 10/1/2022, nhóm Trịnh Văn Quyết đã sử dụng 190 tài khoản để thực hiện hành vi thao túng, thu lợi bất chính 723 tỷ đồng", người phát ngôn Bộ Công an thông tin.

6 "lỗ hổng" trong quản lý nhà nước

Người phát ngôn Bộ Công an cho hay, qua quá trình điều tra, cơ quan điều tra nhận thấy có những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước và một số quy định liên quan đến pháp luật.

Thứ nhất là thiếu kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan chức năng đối với việc góp vốn điều lệ tại các doanh nghiệp (tổ chức, cá nhân, tự khai) dẫn tới tình trạng khai khống, hợp thức hóa hồ sơ.

Hai là, việc kiểm soát mở tài khoản còn rất dễ dàng như nhờ người khác đứng tên, mở nhiều tài khoản, thao túng.

Ba là, chế tài xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm.

Bốn là quy định quản lý nhà nước về kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm điểm, trách nhiệm cá nhân chưa cụ thể, lỏng lẻo.

Năm là, thiếu kiểm soát mạng xã hội (một số đối tượng lợi dụng hội nhóm lên hô hào, lôi kéo nhà đầu tư, điều khiển, thao túng).

Sáu là, chưa có quy định, hướng dẫn làm cơ sở pháp lý trong việc xác định thiệt hại cho nhà đầu tư, thời gian trong giai đoạn chứng khoán bị thao túng.

"Từ những bài học này, hiện cơ quan Công an đang phối hợp với cơ quan chức năng "vá" lỗ hổng, hy vọng thời gian tới thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển lành mạnh đúng theo cơ chế thị trường", Trung tướng Tô Ân Xô nói, đồng thời gửi thông điệp đến những nhà đầu tư chứng khoán không nên lợi dụng các sơ hở đấy để tiến hành các hoạt động, thủ đoạn thao túng thị trường chứng khoán.

"Nếu còn cá nhân nào còn tiếp tục hành vi thao túng thị trường sẽ sớm được Bộ Công an "mời về" làm việc để thị trường chứng khoán phát triển tốt hơn", Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị truy tố 51 bị can trong vụ án hình sự liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.

Trong đó, ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, cùng 2 em gái ruột Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga và 5 người bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội Thao túng chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cùng vụ án, 13 người bị cáo buộc Thao túng thị trường chứng khoán, 22 người tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 7 người về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Trong 50 bị can, 11 người là em ruột và anh em, cháu trong họ hàng của ông Quyết. Nhiều bị can là vợ chồng, bố con; 3 người là lái xe riêng và bạn học của ông Quyết.

Nguyên Thảo

Theo: Báo Công Thương