Từ việc chê sữa trái cây khuyên dùng cô gái Hà Lan, lộ thêm nhiều vi phạm của Bác sĩ Huy

(Banker.vn) Không chỉ chê sữa trái cây, khuyên dùng cô gái Hà Lan, kênh TikTok “Bác sĩ Huy” còn quảng cáo và bán nhiều loại thực phẩm chức năng, để bình luận đó là thuốc.
Loạt người mặc blouse chê sữa trái cây, khuyên dùng cô gái Hà Lan xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội Chiêu chạy quảng cáo để bán hàng giả trên Facebook Vụ đàn em đòi tạc tượng, viết sách về Khá “bảnh”: Ủy quyền của Phạm Tuấn nói bị mạo danh

Từng hợp tác quảng cáo với Dutch Lady

Sáng 28/10, ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, trên kênh TikTok “Bác sĩ Huy” (user: bacsihuy.official) và kênh “Dược sĩ Phương Thảo” (user: duocsiphuongthaoo) đã xoá bỏ những video chê sữa trái cây, khuyên dùng cô gái Hà Lan.

Theo xác minh của Báo Công Thương, kênh TikTok “Bác sĩ Huy” là của ông Lê Tiến Huy (SN 1996), Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Y Dược. Đây là một viên nghiên cứu tư nhân, được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận số A-2090 ngày 24/6/2019, người đại diện là bà Tạ Phương Thảo.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Tiến Huy xác nhận: “Dutch Lady và nhiều hãng sữa khác có hợp tác với tôi trong quá khứ ở các dự án chia sẻ kiến thức dinh dưỡng cho cộng đồng và giới thiệu sản phẩm, trên tinh thần mang lại lợi ích cho cộng đồng, và đôi bên cùng có lợi”.

Từ việc chê sữa trái cây khuyên dùng cô gái Hà Lan, lộ thêm nhiều vi phạm của Bác sĩ Huy
Kênh TikTok "Bác sĩ Huy" đã xoá video chê sữa trái cây, khen cô gái Hà Lan

Về video chê sữa trái cây, khuyên dùng cô gái Hà Lan, ông Lê Tiến Huy cho biết, không nhận quảng cáo cho video này. “Đây chỉ là một video đơn thuần so sánh về dinh dưỡng giữa sản phẩm sữa tươi và sản phẩm sữa trái cây, dựa trên các thông tin về dinh dưỡng mà các nhà sản xuất công khai. Ở phần so sánh tôi không chỉ ra cụ thể sản phẩm thuộc thương hiệu nào so sánh với sản phẩm thuộc thương hiệu nào. Không so sánh trực tiếp Dutch Lady với bất kỳ một loại sữa trái cây nào. Dutch Lady đơn giản chỉ là một ví dụ về sữa tươi có các thành phần dinh dưỡng đầy đủ, đó có thể là sữa tươi Vinamilk hoặc sữa tươi TH, hoặc các loại sữa tươi khác đáp ứng tiêu chuẩn”, ông Huy nói.

Trên thực tế, trong video ông Lê Tiến Huy đăng tải, đã đưa ra cụ thể là sản phẩm sữa Dutch Lady để so sánh với sữa trái cây. Theo quy định tại khoản 8, Điều 10, Luật Quảng cáo, nghiêm cấm: “Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác”.

Trước câu hỏi của phóng viên về nội dung này, ông Lê Tiến Huy phân trần nội dung ông Huy chia sẻ không phải là thực hiện quảng cáo. “Đứng trên vị trí vai trò của một người tiêu dùng tôi hoàn toàn có quyền so sánh các sản phẩm và chia sẻ những cảm nghĩ đánh giá khách quan, cũng như kiến thức mà tôi được đào tạo ở trường y đến với mọi người. Đến phần so sánh về dinh dưỡng thì dĩ nhiên nó đều được nhà sản xuất công khai trên bao bì, do vậy việc đánh giá sản phẩm nào nhiều dinh dưỡng hơn là hoàn toàn khách quan, và điều này chính người tiêu dùng có thể tự làm”, ông Huy giải thích.

Lấy hình ảnh bác sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng

Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho thấy, Viện Khoa học công nghệ Y Dược công bố 8 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe DK FUDAN3; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe NAGINKO CVA PREMIUM; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe KEPTISIN5; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe D’MAN HOOD; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ dày KOFACINS; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Copdscare; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe GASILYNE và Thực phẩm bảo vệ sức khỏe BITASMIN BEAUTY.

Từ việc chê sữa trái cây khuyên dùng cô gái Hà Lan, lộ thêm nhiều vi phạm của Bác sĩ Huy
Kênh TikTok "Bác sĩ Huy" sử dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo thực phẩm chức năng, để người tiêu dùng đánh giá sản phẩm, bình luận thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh

Các sản phẩm nói trên đều được sản xuất tại Công ty cổ phần dược vật tư y tế Hải Dương, địa chỉ số 102 Chi Lăng, phường Nguyễn Trãi, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, trên kênh TikTok “Bác sĩ Huy” có đăng một số video quảng cáo các loại thực phẩm do Viện Khoa học công nghệ Y Dược công bố cùng nhiều sản phẩm bảo vệ sức khoẻ của các đơn vị khác.

Việc sử dụng kênh Tiktok có tên “Bác sĩ Huy” của ông Lê Tiến Huy để quảng cáo thực phẩm sức khỏe có dấu hiệu vi phạm khoản 2, Điều 27, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Cụ thể, khoản 2, Điều 27, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm quy định: “Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các video do ông Lê Tiến Huy sản xuất, đăng tải giới thiệu, quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng đa phần không nằm trong kịch bản quảng cáo đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt.

Dù ở cuối mỗi video, ông Lê Tiến Huy có khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh". Tuy nhiên, ở phần giỏ hàng, ông Lê Tiến Huy lại không kiểm duyệt, chặn chế độ bình luận, để rất nhiều người bình luận, nói các loại thực phẩm ông Huy bán là thuốc, đã sử dụng và điều trị được bệnh.

Có thể dẫn chứng một số bình luận về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ dày KOFACINS, như: “Thuốc rất hiệu quả”, “Mình dùng hết một liệu trình và kết quả ngoài mong đợi không còn cảm giác trào ngược khó chịu…”, “bác sĩ tư vấn rất có tâm, mới uống hết một hộp mà hết men gan cao, sẽ ủng hộ tiếp”…

Giải thích về nội dung này, ông Lê Tiến Huy cho biết, thực phẩm chức năng không phải là xấu, nó được cấp phép lưu hành và không phải sản phẩm bất hợp pháp.

Theo ông Lê Tiến Huy, 2 năm trở lại đây khi cập nhật thông tin về Nghị định số 15, ông Huy hầu như không sử dụng trang phục bác sĩ để quảng cáo. “Các nội dung quảng cáo thực hiện trên kênh của tôi không vi phạm gì về nguyên tắc nội dung. Tiktok là một nền tảng chính sách rất chặt, nếu tôi vi phạm, video của tôi có thể bị xoá”, ông Huy cho rằng việc sử dụng Tiktok tên "Bác sĩ Huy" để quảng cáo là không sai.

Đối với những bình luận khách hàng gọi thực phẩm chức năng là thuốc, có thể chữa khỏi bệnh, ông Lê Tiến Huy cho biết: Với những sản phẩm do tôi quản lý và phân phối từ cơ quan của tôi thì luôn đáp ứng đủ yêu cầu về thông tin, cũng như cảnh báo trong phần mô tả là “sản phẩm này không phải là thuốc và không thể thay thế thuốc chữa bệnh“.

“Nhưng vấn đề người dùng bình luận khẳng định đó là thuốc thì đây có thể là họ chưa đọc kỹ các thông tin về sản phẩm. Và số lượng người bình luận như vậy không nhiều. Việc xóa các bình luận này là nằm ngoài khả năng của tôi, đây là vấn đề của nền tảng TikTok shop”, ông Huy phân trần.

Liên quan tới vấn đề bình luận trên TikTok, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc chính sách TikTok Việt Nam cho biết, bình luận của người dùng thì chỉ người dùng mới có có quyền xóa. Tuy nhiên, theo ông Thanh, chủ kênh cũng có quyền lọc bình luận, chặn bình luận để không xuất hiện.

Như vậy có thể hiểu, ông Lê Tiến Huy hoàn toàn có quyền kiểm soát, chặn các bình luận của người dùng đối với sản phẩm là thực phẩm chức năng do mình quảng cáo và bán trong giỏ hàng, để người dùng không căn cứ vào đó để mua các sản phẩm, chứ không phải không xoá được như ông Huy đã giải thích.

Để nghị Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vào cuộc kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm những dấu hiệu vi phạm của ông Lê Tiến Huy (nếu có).

Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin./.

Hoàng Hải

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục