Tư vấn viên ép khách hàng mua bảo hiểm sẽ bị phạt 100 triệu đồng

(Banker.vn) Bộ Tài chính đề xuất tăng mức phạt lên đến 100 triệu đồng nếu bên bán không giải thích kỹ cho người mua bảo hiểm, cưỡng ép khách hàng mua bảo hiểm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Giám sát hoạt động chào mời, “ép” khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ Ngân hàng Nhà nước công bố đường dây nóng tiếp nhận khiếu nại khi khách hàng bị ép mua bảo hiểm Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn: Không để xảy ra tình trạng “ép” khách mua bảo hiểm dưới mọi hình thức

Tăng mức xử phạt lên gấp đôi

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số vẫn đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.

Tại dự thảo lần này, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về triển khai bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe lên gấp đôi. Cụ thể, về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về triển khai bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, dự thảo nêu rõ việc phạt tiền từ 90 - 100 triệu đồng, thay cho mức từ 40 - 50 triệu đồng hiện nay.

Các hành vi vi phạm bị xử phạt trong khung này gồm: Tài liệu giới thiệu sản phẩm không phản ánh trung thực các thông tin cơ bản tại quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm, không nêu rõ các quyền lợi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, thông tin không rõ ràng, tạo cho bên mua bảo hiểm hiểu lầm về những quyền lợi của sản phẩm.

Tài liệu giới thiệu sản phẩm không thể hiện rõ là sản phẩm bảo hiểm, được cung cấp bởi doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, không phải là sản phẩm của các đối tác phân phối.

Hay việc không thể hiện rõ việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là yêu cầu bắt buộc để thực hiện hay hưởng một dịch vụ nào khác của đối tác phân phối; triển khai sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật cũng được cho là hành vi vi phạm.

Tư vấn viên ép khách hàng mua bảo hiểm sẽ bị phạt 100 triệu đồng
Ảnh minh họa

Dự thảo cũng đề xuất xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về sản phẩm bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm. Theo đó, phạt tiền từ 60 - 70 triệu đồng.

Các hành vi bị phạt ở mức này gồm: Cung cấp sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm vi mô trước khi đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Hay việc không tuân thủ phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm vi mô đã đăng ký với Bộ Tài chính và được Bộ Tài chính chấp thuận theo quy định cũng sẽ bị xử phạt.

Mức phạt quá ít, không đủ khiến cá nhân, doanh nghiệp sợ

Đánh giá về mức phạt mới tại dự thảo, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng, dù mức phạt đã tăng gấp đôi so với hiện nay nhưng vẫn là mức phạt quá ít, không đủ để khiến các cá nhân hay doanh nghiệp sợ. Ông Đức nên ví dụ ở một số quốc gia, nguyên tắc xử phạt là phải làm thế nào để cá nhân, tổ chức nghĩ đến là sợ, là có thể tán gia bại sản nếu vi phạm.

Đặc biệt trong một số lĩnh vực nguy hiểm, liên quan đến tính mạng, lòng tin như bảo hiểu thì bắt buộc đơn vị bán sản phẩm không được phép vi phạm. Có những hành vi vi phạm gần đây đã được tăng mức phạt lên cao như vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán.

“Chúng ta nên rà soát tổng thể các quy định liên quan. Trong đó, bắt đầu điều chỉnh từ Luật Xử lý vi phạm hành chính và nêu rõ mức xử phạt của các hoạt động cụ thể, có cả kinh doanh bảo hiểm” - Luật sư Đức đề nghị.

Tư vấn viên ép khách hàng mua bảo hiểm sẽ bị phạt 100 triệu đồng
Từ năm 2013 tới nay, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) xử phạt 29 doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổng số tiền phạt là 2,955 tỷ đồng.

Ông cũng nhấn mạnh, xử phạt phải theo hướng tăng cao như các nước đã áp dụng. Cụ thể với lĩnh vực bảo hiểm đối với cá nhân vi phạm phải ở mức tiền tỷ là phổ biến, với tổ chức cũng từ tiền tỷ trở lên và tối đa có thể lên hàng trăm tỷ đồng.

“Chỉ có phạt nặng mới khiến cá nhân, đại lý bảo hiểm không dám có hành động sai phạm hay nhắm mắt làm ngơ cho những hành vi sai trái, ép khách hàng mua bảo hiểm như thời gian vừa qua” - vị luật sư nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, phải quy định rõ thẩm quyền xử phạt của các cơ quan liên quan từ địa phương lên Bộ Tài chính. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước vẫn đẩy mạnh tuyên truyền cho khách hàng tham gia hoạt động bảo hiểm phải hiểu rõ quy định về quyền lợi và trách nhiệm; tăng cường thanh tra, xử phạt.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2013 tới nay, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) xử phạt 29 doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Tổng số tiền phạt là 2,955 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, nửa cuối năm nay sẽ thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm, gồm 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 4 đơn vị phi nhân thọ. Trong đó, Bộ tập trung thanh tra việc liên kết hoạt động, kinh doanh giữa doanh nghiệp và ngân hàng.

Lê Na

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục