Tư vấn và Quản lý Smart Invest: Dòng tiền âm nặng, nợ tăng 'chóng mặt'

(Banker.vn) Thời gian qua, Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý Smart Invest liên tục huy động hàng trăm tỷ đồng qua kênh trái phiếu, trong bối cảnh tình hình tài chính đang khá xấu, dòng tiền kinh doanh âm nặng nề, nợ vay tăng nhanh chóng...
Tư vấn và Quản lý Smart Invest: Dòng tiền âm nặng, nợ tăng 'chóng mặt'
Ông Trần Minh Tuấn và vợ là những nhà sáng lập của Smart Invest

Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý Smart Invest (viết tắt là Smart Invest) vừa có văn bản công bố thông tin kết quả phát hành trái phiếu ngày 30/6/2022 gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Cụ thể, trong ngày 30/6/2022, Smart Invest đã hoàn tất thương vụ chào bán 200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với kỳ hạn 5 năm, đáo hạn ngày 30/6/2027.

Tuy nhiên, các chi tiết quan trọng khác về lãi suất, tài sản đảm bảo (nếu có), trái chủ, bên thu xếp phát hành, mục đích phát hành... đã không được Smart Invest chia sẻ rộng rãi theo quy định. Điều này có thể khiến nhà đầu tư, cơ quan quản lý không thể nắm bắt được mục đích huy động vốn lớn của doanh nghiệp này.

Trước đó, ngày 21/3/2022, Smart Invest cũng huy động 376,8 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 10 năm. Như "một nét truyền thống", các thông tin liên quan khác đều bị nhà phát hành này giữ kín.

Tư vấn và Quản lý Smart Invest do ai sở hữu?

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý Smart Invest (Smart Invest) là đơn vị có liên hệ mật thiết với Công ty CP Đầu tư Sao Thăng Long (sàn: HNX, mã CK: DST) và Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (UPCoM: AAS).

Thành lập từ năm 2010, tính đến cuối tháng 3/2020, Smart Invest có nhiều năm là thành viên của DST - tiền thân là Công ty CP Sách và Thiết bị giáo dục Nam Định, một doanh nghiệp nhà nước, đã cổ phần hóa vào năm 2005.

Qua nhiều lần thay đổi cơ cấu cổ đông, theo số liệu công bố vào tháng 8/2022, ông Lê Trường Giang (SN 1984) là người nắm số cổ phần chi phối với 66,347%, theo sau là ông Nguyễn Quốc Đạt (SN 1997) với tỷ lệ 33,653% vốn điều lệ sót lại.

Trước đó, DST đã hạ tỷ trọng tại Smart Invest xuống dưới ngưỡng 50% và tiến hành thoái toàn bộ vốn vào cuối năm 2021. Mặc dù về mặt sở hữu Smart Invest không còn liên quan đến DST nữa, tuy nhiên trên thực tế ông Lê Trường Giang là một thành viên cao cấp của DST, từng là đại diện pháp luật chi nhánh của DST tại Hà Nội, trước khi chi nhánh này bị giải thể vào năm 2018.

Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Smart Invest là ông Nguyễn Đức Hiếu (SN 1982). Được biết, ông Hiếu là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, từng đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT AAS giai đoạn 2017-2018, và Chủ tịch HĐQT giai đoạn 2018-2021.

Sau khi miễn nhiệm bên AAS ít lâu, ông Hiếu bắt đầu tham gia HĐQT của DST từ cuối tháng 7/2021 và ngay lập tức được bầu làm Chủ tịch HĐQT vào đầu tháng 8/2021.

Và trong một Nghị quyết HĐQT được ban hành cuối năm 2021, AAS đã thông qua giao dịch trái phiếu do Smart Invest chào bán với giá trị tối đa là 150 tỷ đồng. HĐQT giao và ủy quyền cho bà Ngô Thị Thùy Linh, Chủ tịch HĐQT quyết định và thực hiện các công việc liên quan theo đúng quy định.

Không nhiều người biết rằng, bà Ngô Thị Thùy Linh, và chồng là ông Trần Minh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT AAS lại là những thành viên sáng lập nên Smart Invest. Thời điểm cuối năm 2015, vợ chồng bà Linh ông Tuấn nắm tới 87,53% vốn điều lệ doanh nghiệp, sau đó nhượng lại toàn bộ cho phía DST.

Hiện, ông Tuấn vẫn đang giữ một ghế Thành viên HĐQT của DST. Như vậy, có thể thấy dù hiện tại Smart Invest đã tách biệt, độc lập với DST và AAS, song thực chất quyền điều hành vẫn đến từ một nhóm người rất cụ thể.

Nợ vay tăng "chóng mặt"

Nhìn lại năm 2021, sau những biến động về cấu trúc thượng tầng, hoạt động kinh doanh của Smart Invest cũng có nhiều đổi khác. Theo tài liệu Kinh tế Chứng khoán Việt Nam thu thập được, từ một doanh nghiệp không ưa nợ nần, Smart Invest bất ngờ chứng kiến nợ phải trả tăng "phi mã" từ 116,5 tỷ đồng lên 694,4 tỷ đồng, gấp 6 lần so với năm 2020.

Ngược lại, vốn chủ sở hữu vẫn duy trì quanh mức 225 tỷ đồng, ngang ngửa vốn điều lệ. Tính ra, tỷ lệ nợ trên vốn của Smart Invest thời điểm 31/12/2021 là hơn 3 lần.

Nguyên nhân chính dẫn tới sự "phình" ra nhanh chóng của nợ phải trả nằm ở khoản mục Phải trả dài hạn khác với 294 tỷ đồng; ngoài ra, Smart Invest nảy sinh khoản vay dài hạn 362 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với năm trước.

Bên kia bảng cân đối kế toán, Smart Invest phân bổ phần lớn tài sản vào khoản mục Phải thu về cho vay ngắn hạn (123,6 tỷ đồng) và Phải thu ngắn hạn khác (413 tỷ đồng); cùng đó, lượng tiền mặt tăng đáng kể lên 118 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nợ tăng hàng trăm tỷ đồng, tuy vậy, kết quả kinh doanh của Smart Invest chưa thể khởi sắc, vẫn còn khá lận đận, nhọc nhằn. Cụ thể, sau 3 năm liên tiếp không phát sinh doanh thu thuần (2018-2020), doanh nghiệp đã có thể thu về 5,8 tỷ đồng từ hoạt động cốt lõi và gần 21 tỷ đồng từ hoạt động tài chính.

Tiếc rằng, chi phí tài chính tăng mạnh lên 26,8 tỷ đồng, đã "đánh bay" toàn bộ sự nỗ lực của doanh nghiệp, khiến Smart Invest chịu lỗ 1,5 tỷ đồng trong năm 2021, trong khi năm trước lỗ 14 triệu đồng.

Đáng lưu tâm, dòng tiền thuần kinh doanh cũng âm nặng với 187 tỷ đồng, gấp cả chục lần năm 2020. Tình trạng này là do các khoản phải thu của Smart Invest tăng quá mạnh (323 tỷ đồng), trong khi cùng kỳ là 19,7 tỷ đồng.

Dòng tiền thuần đầu tư cũng âm khá nặng, bởi doanh nghiệp chi ra 121,6 tỷ đồng cho các đối tác khác vay. Chính vì dòng tiền kinh doanh lẫn đầu tư âm tổng cộng hơn 300 tỷ đồng, nên buộc lòng Smart Invest phải đi vay để bù đắp thiếu hụt, với 593,1 tỷ đồng, trong khi trả nợ gốc vay chỉ 167,5 tỷ đồng. Dễ thấy, chênh lệch giữa lượng tiền vay - trả lên đến 425 tỷ đồng.

Như vậy, Smart Invest thực tế đang phụ thuộc vào việc đi vay, cũng nghĩa là ngày càng phụ thuộc hơn vào các chủ nợ. Hệ số nợ cao, lãi vay đè nặng, dòng tiền có dấu hiệu mất cân đối, rủi ro tài chính cho Smart Invest rõ ràng không phải nhỏ.

Sang năm 2022, trong điều kiện vốn chủ sở hữu không được củng cố thêm, việc Smart Invest tiếp tục huy động hơn 576 tỷ đồng trái phiếu sẽ tạo ra một áp lực tài chính rất lớn. Thị trường tài chính, chứng khoán vẫn lộ rõ sự ảm đạm, diễn biến bất lợi chắc chắn sẽ không thể giúp tình hình ở Smart Invest bớt căng thẳng, và làm an tâm các nhà đầu tư, chủ nợ của họ.

Dưới sức ép tài chính, Smart Invest đang tính bán bớt tài sản của mình, cụ thể là 8 triệu cổ phần của Công ty CP Green Island - đơn vị thực hiện dự án biệt thự nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái tại xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Dự án này có quy mô 16,3 ha, tổng mức đầu tư 380 tỷ đồng.

Bên mua dự kiến là Công ty CP Tập đoàn Khách sạn Đông Á (HOSE: DAH), với giá chuyển nhượng dự kiến 10.000 đồng/cổ phần. Nếu thương vụ diễn ra như kỳ vọng, Smart Invest sẽ thu về 80 tỷ đồng, cho 40% cổ phần tại Green Island.

Được biết, một cổ đông khác tại Green Island là Công ty CP Tập đoàn MBG (HNX: MBG), đang nắm 20% cổ phần, căn cứ theo báo cáo tài chính bán niên của MBG.

Trước khi lên sàn chứng khoán vào tháng 7/2020, ngay từ đầu năm đó, Công ty CP Chứng khoán Smart Invest - AAS đã vi phạm hàng loạt quy định chứng khoán, ví dụ như không lưu giữ đầy đủ hồ sơ, dữ liệu, tài liệu, chứng từ liên quan đến hoạt động của công ty chứng khoán; vi phạm quy định về giao dịch ký quỹ chứng khoán; bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán thực hiện nghiệp vụ, vị trí mà theo quy định pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán...

Trước những vi phạm trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 365 triệu đồng đối với doanh nghiệp.

Cũng trong năm 2020, một nhà đầu tư của Công ty CP Đầu tư Sao Thăng Long (DST) bị xử phạt hành chính và buộc nộp lại 3,3 tỷ đồng là số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi thao túng thị trường đối với cổ phiếu DST. Đây là trường hợp rất hy hữu về thao túng giá cổ phiếu trên thị trường vào thời điểm đó.

Việt Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán