Từ nhập siêu tới xuất siêu: Dấu ấn nửa thế kỷ hàng Việt hội nhập

(Banker.vn) Hành trình xuất nhập khẩu 50 năm qua là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đất nước trong việc hội nhập kinh tế quốc tế, cải thiện năng lực sản xuất.
Hàng Việt xuất khẩu vào Bắc Âu trước thách thức có thêm cơ hội mới Viet Nam International Sourcing 2025: Gỡ điểm nghẽn chuỗi cung ứng, tạo sức bật cho hàng Việt Phát triển hàng Việt, góc nhìn từ những thương hiệu đi qua 3 thế kỷ

Hàng Việt khẳng định vị thế

Những ngày này, cả nước nô nức hướng về ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với tinh thần và niềm tin phơi phới. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại những điểm sáng trên bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước để thấy được những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân để nền kinh tế có được những điểm sáng chói lọi như ngày nay.

Có thể nói, nếu lịch sử hình thành và phát triển của ngành thương mại Việt Nam trong 50 năm qua (1975-2025) là một bức tranh tươi sáng thì mảng xuất khẩu trong những năm gần đây có nhiều gam màu sáng chói, biểu hiện sinh động về thành công của đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Ảnh: Cấn Dũng
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Ảnh: Moit

Nhìn lại những năm mới thống nhất đất nước, ngoại thương là một trong những vấn đề được nhà nước đặc biệt quan tâm bằng việc thành lập các cơ quan chuyên trách, tìm kiếm và thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực. Tuy nhiên, giai đoạn đó, hoạt động xuất nhập khẩu còn vô vàn khó khăn, Việt Nam hầu như chưa có mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Sau năm 1975, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức: Cơ sở hạ tầng bị tàn phá, nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, thiếu hụt nguyên vật liệu và công nghệ. Hoạt động xuất nhập khẩu chủ yếu dựa vào viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa, với kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu ở mức rất thấp. Năm 1986, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 789 triệu USD, trong khi nhập khẩu là 2,2 tỷ USD, dẫn đến tình trạng nhập siêu khá nghiêm trọng.

Chưa kể, dù là nước nông nghiệp nhưng trước năm 1986, Việt Nam phải nhập khẩu gạo do sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa. Năm 1986, Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này mở đường cho việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy xuất khẩu.

Mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm

Việc ký kết Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ năm 2000 và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 72,2 tỷ USD vào năm 2010. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cũng chuyển dịch tích cực, với sự gia tăng của các sản phẩm công nghiệp chế biến như điện tử, máy móc và thiết bị. Con số xuất nhập khẩu ấn tượng của giai đoạn này mở ra cơ hội xuất nhập khẩu, khẳng định bức tranh sáng trên thị trường những năm tiếp theo.

Giai đoạn 2011-2020 tiếp tục khẳng định vị thế hàng Việt trên thị trường quốc tế. Trong giai đoạn này, Việt Nam tiếp tục ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn như EU, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 281,5 tỷ USD, trong khi nhập khẩu là 262,7 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có thặng dư thương mại cao. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm điện thoại, máy tính, dệt may và giày dép.

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu là điểm sáng của bức tranh kinh tế.  Ảnh: Cấn Dũng
Xuất nhập khẩu là điểm sáng của bức tranh kinh tế. Ảnh: Cấn Dũng

Năm 2025 tiếp tục mở đầu bằng tín hiệu khả quan cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Báo cáo của Cục Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 102,84 tỷ USD, tăng 10,6%, còn nhập khẩu đạt 99,68 tỷ USD, tăng 17,0%. Cán cân thương mại hàng hóa vẫn duy trì xuất siêu 3,16 tỷ USD, khẳng định sự ổn định và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu đến từ cả khu vực trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đặc biệt, khu vực kinh tế trong nước đạt 30,34 tỷ USD, tăng 15,3%, cho thấy các doanh nghiệp nội địa đang ngày càng “lớn vai”, không còn phụ thuộc quá nhiều vào khối FDI.

Năm 2025, Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong nước từ trên 8% - 10% và hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, xác định xuất khẩu là một trong ba động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, nằm trong cỗ xe tam mã.

Góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Chính phủ đặt ra, năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng khoảng 12% so với năm 2024.

Trong cuộc trao đổi với báo chí đầu năm Ất Tỵ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm huy động lợi thế cạnh tranh, tận dụng cơ hội về thị trường xuất khẩu thông qua việc thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng khai thác có hiệu quả các thị trường truyền thống còn nhiều tiềm năng. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, tham mưu đàm phán, ký kết hợp tác với các thị trường mới; chú trọng khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường trọng điểm, chiến lược.

Từ một nền kinh tế phụ thuộc vào viện trợ và nhập khẩu, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Hành trình hơn 50 năm qua là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đất nước trong việc cải thiện năng lực sản xuất, hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao vị thế trên thị trường thương mại toàn cầu.

Phương Lan

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục