​​​​​​​Tự hào truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam

(Banker.vn) Nhìn lại 78 năm qua (1944-2022), dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và việc xuất sắc thực hiện những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh với những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ vững chắc hòa bình cho đất nước phát triển...

Quân đội ta được Đảng ta thành lập ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, ban đầu gồm 34 chiến sỹ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy với tên gọi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Đội được trang bị 34 khẩu súng, chia thành 3 tiểu đội, có chi bộ Đảng lãnh đạo, do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên.

Quân đội ta được thành lập vào ngày 22/12/1944. Ảnh: Tư liệu lịch sử

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã nhận định: “Tuy lúc đầu quy mô nhỏ nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang”. Vì theo Người, đội quân cách mạng này sẽ phát triển “từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta”.

Vừa mới ra đời, vào ngày 25/12/1944, Đội đã tập kích diệt đồn Phai Khắc thuộc tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Tiếp đó, ngày 26/12/1944, Đội đánh Đồn Nà Ngần (cách Phai Khắc 15 km về phía Đông Bắc).

Ngày 15/4/1945, Đảng ta hợp nhất Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân.

Chiều ngày 16/8/1945, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, một đơn vị Việt Nam Giải phóng quân từ Tân Trào (Tuyên Quang) tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), mở màn cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh khen rằng: “Quân đội ta là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng. Mới ra đời, với gậy tầy, súng kíp đã cùng toàn dân đánh Pháp, đánh Nhật, đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công”[1].

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tháng 11/1945, Việt Nam Giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc quân. Đúng như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ “cái hạt giống bé nhỏ” là Giải phóng quân ngày nào, đã “nảy nở thành cái rừng to lớn và Vệ quốc quân”[2].

Lúc này quân số Quân đội ta khoảng 5 vạn người, tổ chức thành khoảng 40 chi đội ở hầu hết các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ. Một số chi đội đã “Nam tiến” để giúp quân dân miền Nam chống lại thực dân Pháp đang tấn công xâm lược trở lại ở Nam Bộ.

Ngày 22/5/1946, theo Sắc lệnh 71/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vệ quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Quân đội ta lúc này tổ chức biên chế thống nhất theo trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội…. Cùng với việc xây dựng quân đội quốc gia, Chính phủ ta đặc biệt coi trọng việc xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng, lực lượng bán vũ trang, bao gồm: dân quân ở nông thôn và tự vệ ở đô thị.

Năm 1950, Quân đội ta đổi tên thành Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tên gọi này là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ.

Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954), từ quân số 8 vạn những ngày đầu kháng chiến, đến cuối năm 1949 bộ đội thường trực đã lên tới 23 vạn. Các đại đoàn (đơn vị tương đương sư đoàn) chủ lực quan trọng như các đại đoàn 308, 304, 312, 320, 316, 325, 351 lần lượt được thành lập. Bên cạnh đó, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã được quan tâm xây dựng. Đây là nền tảng để Quân đội ta lập những chiến công lẫy lừng mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (ngày 7/5/1954), đập tan mưu toan thiết lập lại chế độ thuộc địa của thực dân Pháp. Đặc biệt, tổng quân số của Quân đội ta điều động tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ lên đến 5,5 vạn chiến sĩ, bao gồm 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316), Trung đoàn bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn công binh - pháo binh 351.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí William Foster, Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ, đã viết trên Công nhân nhật báo ra ngày 10/5/1954 như sau: “Quân đội Hồ Chí Minh phá tan được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn…. Thắng lợi ở Điện Biên Phủ là một sự cổ vũ vô cùng to lớn cho các lực lượng đang đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa…”. Chỉ 4 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1960 đã đi vào lịch sử nhân loại với tên gọi “Năm châu Phi” với 17 nước châu Phi đã tuyên bố độc lập. Đến năm 1968, có tới 39 nước ở châu lục này (gồm 85% lãnh thổ và 93% dân số) đã giành được thắng lợi trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc. Nói về tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ, tại Hội nghị Chính trị đặc biệt (3/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại ngày nay: chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”.

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), Quân đội ta được xây dựng tiến lên chính quy, hiện đại và xây dựng các Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Binh chủng Đặc công.

Ngày 15/2/1961, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được Đảng ta thành lập trên cơ sở thống nhất lực lượng vũ trang tại chỗ và lực lượng tăng viện từ miền Bắc. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam là một bộ phận không tách rời của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, gần cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, các quân đoàn chủ lực (Quân đoàn 1, 2, 3 và 4) của Quân đội ta được thành lập để nhân sức mạnh tổng hợp của các sư đoàn, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, thực hiện những trận đánh tiêu diệt lớn, góp phần quyết định thắng lợi Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Năm 1969, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã nhận định về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam như sau: “Chưa bao giờ trên một mảnh đất hẹp như vậy, trong một thời gian ngắn ngủi như vậy lại diễn ra một cuộc chiến đấu có tính chất quyết định vì loài người như là cuộc chiến đấu mà đồng chí Hồ Chí Minh tiến hành chống đế quốc Mỹ và tay sai của chúng ở Việt Nam, chiến lũy bất khả xâm phạm của cuộc đấu tranh cách mạng trên toàn thế giới và tấm gương cao cả về hy sinh, về khí phách anh hùng và danh dự”[3]. Khi chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ thất bại hoàn toàn ở Việt Nam (30/4/1075) với việc Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tiến vào Dinh Độc lập, báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) ngày 1/5/1975 đã viết trong một bài xã luận: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng, điều đó nói lên rằng, thời đại mà các nước lớn dùng sức mạnh bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt rồi”.

Có được những thắng lợi này là do Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”[4]. Người cũng nhận định: “Bộ đội ta là bộ đội nhân dân, bộ đội cách mạng có truyền thống anh dũng, khắc khổ, kiên nhẫn, cần cù, chất phác, việc khó khăn nguy hiểm mấy cũng không sợ, nhất định làm cho kỳ được. Đó là truyền thống, đạo đức, tác phong tốt, phải luôn được giữ vững và phát triển”[5].

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã nhận định: “Lực lượng tham gia quân đội là những thanh niên yêu nước, con em của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đại bộ phận là con em công nhân, nông dân và nhân dân lao động. Qua được giáo dục, rèn luyện trong quân đội, họ đã trở thành những cán bộ, chiến sĩ trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội”[6].

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 349

[2] Hồ Chí Minh, “Về đấu tranh vũ trang và lực lượng vũ trang nhân dân”, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970, tr. 181

[3] Nhiều tác giả, “Fidel Castro và Việt Nam: Những kỷ niệm không quên”, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2020, tr. 69

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 435.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 307.

[6] Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (Bộ Quốc phòng), “Sự nghiệp tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh”, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội 2002, tr. 570.

Nguyễn Văn Toàn -

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ