Từ đầu tháng đến nay, Quảng Nam có gần 42.000 ca đau mắt đỏ

(Banker.vn) Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết tính từ ngày 1/9 đến đến 20/9, trên địa bàn tỉnh có khoảng 41.800 ca bệnh đau mắt đỏ.
Xử trí như thế nào khi trẻ bị lây dịch đau mắt đỏ tại trường học? Đà Nẵng: Số trẻ em đau mắt đỏ tăng nhanh

Ngày 22/9, TS. BS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, tính từ ngày 1/9 đến đến 20/9, trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 41.800 ca đau mắt đỏ (viêm kết mạc), trong đó các trường hợp viêm kết mạc cấp tới khám và điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh 12.800 ca.

Tính riêng từ ngày 18/9/2023 đến nay số ca bệnh tới khám các cơ sở y tế 1.877 ca, trong đó khám và điều trị tại bệnh viện Mắt Quảng Nam là 300 ca.

Từ đầu tháng đến nay, Quảng Nam có gần 42.000 ca đau mắt đỏ
Quảng Nam có gần 42.000 ca đau mắt đỏ trong vòng 20 ngày

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), từ ngày 12 - 15/9, Tam Kỳ có hơn 2.000 trẻ em trường mầm non, tiểu học, THCS bị đau mắt đỏ. Thời tiết nắng nóng chuyển qua mưa, độ ẩm không khí tăng cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh đau mắt đỏ phát triển và bùng phát thành dịch.

Để chủ động khống chế dịch trong trường học, UBND thành phố Tam Kỳ yêu cầu ngành giáo dục tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai các biện pháp phòng chống bệnh đau mắt đỏ. Trong trường hợp phát hiện nhiều ca bệnh trong lớp học, trường học cần sử dụng xà phòng hoặc chất sát khuẩn thông thường để sát trùng đồ dùng, bàn ghế của học sinh. Bên cạnh đó, thông báo cho trạm y tế xã, phường để được hướng dẫn và phối hợp xử lý ổ dịch sớm, triệt để. Ngành giáo dục phối hợp ngành y tế và UBND xã, phường tổ chức tuyên truyền, truyền thông tại trường học, gửi hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ cho phụ huynh.

Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát ở nhiều địa phương, ngành y tế Quảng Nam cũng khuyến cáo một số biện pháp phòng chống.

Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đề nghị các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh truyền thông phòng bệnh đau mắt đỏ bằng nhiều hình thức để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và các biện pháp phòng bệnh.

Đặc biệt tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; cung cấp đủ nước uống, nước sạch đảm bảo vệ sinh; thường xuyên làm vệ sinh môi trường, nhất là các công trình cấp nước, công trình vệ sinh... Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ có chỉ định cho nghỉ làm việc để tránh lây lan cho người xung quanh và cộng đồng.

Sở Y tế cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường truyền thông tới học sinh, hội phụ huynh về tình hình dịch bệnh cũng như các biện pháp chủ động phòng chống dịch, hạn chế lây lan trong lớp học.

Khi phát hiện học sinh có các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm... cần hạn chế tiếp xúc với người khác và hướng dẫn đi khám ngay tại cơ sở y tế, không tự ý điều trị để tránh biến chứng nặng.

Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ có chỉ định cho nghỉ học để tránh lây lan cho người xung quanh và cộng đồng. Nếu phát hiện nhiều ca bệnh trong lớp học, trường học cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, bàn ghế của học sinh.

Bên cạnh đó, thông báo cho trạm y tế, cơ sở y tế dự phòng trên địa bàn để được hướng dẫn và phối hợp triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để...

Hạ Vĩ

Theo: Báo Công Thương