"Tứ đại" chaebol Hàn Quốc tháp tùng Tổng thống tới Việt Nam, "sóng" FDI sẽ nổi lên?

(Banker.vn) Chủ tịch của bốn tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc, gồm Samsung Electronics, SK, Hyundai Motor và LG dẫn đầu đoàn 205 doanh nghiệp tháp tùng Tổng thống Yoon Suk-yeol trong chuyến thăm Việt Nam.
“Tứ đại” chaebol Hàn Quốc tham gia đoàn tháp tùng Tổng thống Yoon Suk-yeol trong chuyến thăm Việt Nam
“Tứ đại” chaebol Hàn Quốc tham gia đoàn tháp tùng Tổng thống Yoon Suk-yeol trong chuyến thăm Việt Nam

Ngày 22/6, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và phu nhân đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến công du Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Tháp tùng Tổng thống là đoàn 205 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như phân phối, tài chính, luật, y tế, công nghệ thông tin, các lĩnh vực dịch vụ.

Đây được đánh giá là phái đoàn có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của bốn nhà tài phiệt đứng đầu "xứ sở kim chi": Chủ tịch Tập đoàn Samsung Electronics Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Hyundai Motor Chung Eui-sun và Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Kwang-mo.

Phái đoàn này dự kiến ký một số biên bản ghi nhớ hợp tác, khi các nhà sản xuất hàng đầu Hàn Quốc đang tìm cách đảm bảo hợp tác chuỗi cung ứng và mở rộng xuất khẩu. Theo đó, chuyến thăm Việt Nam sẽ tập trung vào 4 sự kiện kinh tế đã được lên kế hoạch, trong số đó có hội chợ đối tác song phương, tiệc trưa với các doanh nhân Hàn Quốc tại Việt Nam và một diễn đàn kinh doanh.

Cụ thể, chiều 22/6, Hội chợ Giao thương Việt Nam - Hàn Quốc (Korea - Vietnam Partnership Fair) đã diễn ra với sự tham gia của 120 doanh nghiệp thuộc phái đoàn Hàn Quốc và 300 doanh nghiệp Việt Nam đăng ký kết nối thương mại.

Ngày 23/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến có cuộc gặp với một số doanh nghiệp tiêu biểu Hàn Quốc.

Sau đó, Thủ tướng cùng Tổng thống Hàn Quốc tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt – Hàn tổ chức vào ngày 24/6. Sự kiện quan trọng này sẽ quy tụ đông đảo các doanh nghiệp hai nước.

Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sự xuất hiện của đoàn doanh nghiệp, đặc biệt là các tỷ phú hàng đầu Hàn Quốc và thế giới mang tới những kỳ vọng mới về việc thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc.

“Tứ đại” chaebol của Hàn Quốc đã “rót” bao nhiêu tiền vào Việt Nam?

Thời gian qua, “tứ đại” chaebol của Hàn Quốc đều đã triển khai nhiều hoạt động đầu tư quy mô lớn vào Việt Nam và hiện đang chuẩn bị cho các kế hoạch mở rộng.

Trong đó, Samsung là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất, đồng thời cũng là doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động lâu năm nhất tại Việt Nam. Theo tìm hiểu, chi nhánh xây dựng và thương mại C&T của Samsung thậm chí đã mở trụ sở tại Việt Nam từ năm 1989, ba năm trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Hiện tại, tập đoàn này đang vận hành sáu nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh và một Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội với quy mô lớn nhất Đông Nam Á.

Trong lễ khai trương Trung tâm R&D diễn ra vào tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong khẳng định, trung tâm này sẽ góp phần tăng cường khả năng cạnh tranh công nghiệp của quốc gia Đông Nam Á, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Cuối năm ngoái, Phó Chủ tịch Samsung Han Jong-hee cho biết sẽ nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 20 tỷ USD, tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn. Theo kế hoạch, Samsung sẽ đầu tư thêm vào Việt Nam 3,3 tỷ USD; trong đó có 2 tỷ USD đã được đầu tư vào các dự án ở Thái Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến cuối năm nay, Samsung sẽ đưa vào sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn ở Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên.

Dàn “đại bàng” Hàn Quốc đã “xây tổ” tại Việt Nam
Dàn “đại bàng” Hàn Quốc đã “xây tổ” tại Việt Nam

Về phía “đại kình địch” của Samsung là LG, kể từ khi thâm nhập thị trường Việt Nam vào năm 1995, tới nay, tập đoàn này hiện đang sở hữu 3 nhà máy và điều hành khoảng 12 công ty con.

Hải Phòng hiện đang được coi là “thủ phủ” của LG tại Việt Nam khi được tập đoàn này “rót” tới 8,24 tỷ USD, bao gồm 7 dự án với tổng vốn đầu tư 7,24 tỷ USD (thuộc các công ty LG Electronics, LG Display, LG Innotek, LG CNS, LG Chemical, LG International) và 50 doanh nghiệp vệ tinh với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD.

Cuối năm 2022, Chủ tịch Tập đoàn LG từng tiết lộ, tới đây sẽ đầu tư thêm 5 tỷ USD vào Việt Nam.

Trong khi đó, “ông trùm” ô tô Hyundai đã cùng Tập đoàn Thành Công của Việt Nam thành lập một liên doanh lắp ráp xe du lịch (HTMV) vào năm 2017 và một liên doanh phát triển mảng xe thương mại tại Việt Nam (HTCV) vào năm 2021. Đáng chú ý, Hyundai Motor vào cuối năm ngoái cũng đã vận hành Nhà máy Hyundai Thành Công số 2 ở Ninh Bình.

Trong khi đó, SK Group, tập đoàn lớn thứ hai của Hàn Quốc, vẫn đang tiếp tục gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam, thông qua các khoản đầu tư quy mô lớn. Theo số liệu của tờ Korea Economic, SK South East Asia Investment – công ty con của SK Group – đang nắm 6,1% cổ phần của Vingroup, 9,5% cổ phần của Masan Group, 4,5% cổ phần của Pharmacity, 54% cổ phần của Imexpharm, 16,3% cổ phần của Wincommerce và 4,9% cổ phần của The CrownX.

Hàn Quốc - “quán quân” FDI tại Việt Nam

Kể từ khi Hàn Quốc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, quan hệ hai nước đã phát triển nhanh chóng và đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Tính đến năm 2008, có 2.114 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động ở Việt Nam với tổng số vốn lũy kế là 18,952 tỷ USD.

Đặc biệt, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2012, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng vọt. Nếu như năm 2013, vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam mới đạt 3,8 tỷ USD thì chỉ sau đó một năm, con số này đã tăng gần gấp đôi lên 6,1 tỷ USD, đưa Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam. Sau đó, vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng liên tục và ổn định qua các năm.

Vốn đầu tư từ Hàn Quốc và Việt Nam 10 năm gần đây
Vốn đầu tư từ Hàn Quốc và Việt Nam 10 năm gần đây

Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid -19, vốn đầu tư giảm sâu, xuống còn 3,9 tỷ USD và nhanh chóng tăng trưởng trở lại vào năm 2021, đạt 7,4 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2022, do suy giảm kinh tế toàn cầu cùng tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine…, con số này giảm xuống còn 4,88 tỷ USD.

Dù vậy, tính đến kết năm 2022, theo luỹ kế, với việc rót gần 81,6 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc vẫn đang là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, trong 5 tháng đầu năm 2023, Hàn Quốc là một trong những nền kinh tế có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, dẫn đầu cả về số dự án mới (chiếm 17,4%), số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,2%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 28,5%).

Đáng chú ý, nếu như trước đây, các dự án FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa thì hiện nay, đã có hàng loạt các dự án đầu tư quy mô lớn. Bên cạnh các dự án đình đám như Samsung Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh hay LG Hải Phòng, còn có nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư khác như Dự án nhà máy sản xuất gang thép của Tập đoàn Posco đầu tư với vốn đăng ký 1,126 tỷ USD; Dự án xây dựng tổ hợp văn phòng và khách sạn Landmark Tower của Tập đoàn Keangnam với tổng số vốn đầu tư 1 tỷ USD; Dự án xây dựng cụm tháp đôi khách sạn 5 sao Hà Nội Plaza và khu văn phòng cao cấp với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD của Tập đoàn Charmvit…

'Rốn' hút dòng vốn FDI, Bắc Giang bứt tốc trở thành 'đất lành' của nhà đầu tư BĐS

Từ một tỉnh thường xuyên nằm trong danh sách nghèo nhất cả nước, Bắc Giang nay đã phát triển ngoạn mục nhờ hàng tỷ USD ...

Dự định xây nhà máy ở Việt Nam, 'ông trùm' ngành pin Trung Quốc Hithium là ai?

Công ty Xiamen Hithium Energy Storage Technology (viết tắt là Hithium) - doanh nghiệp sản xuất pin lithium hàng đầu thị trường Trung Quốc đang ...

Hà Nội thu hút 1,8 tỷ USD vốn FDI trong 5 tháng đầu 2023, giao dịch giữa SMBC - VPBank góp 80% tổng giá trị

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố Hà Nội thu hút hơn 1,8 tỷ USD vốn FDI; trong đó, động lực chính ...

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán