TTG: Một nhà đầu tư cá nhân bị xử phạt do không báo cáo thay đổi sở hữu cổ đông lớn

(Banker.vn) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Ngô Vi Quân do không báo cáo khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết tại TTG.
TTG: Một nhà đầu tư cá nhân bị xử phạt do không báo cáo thay đổi sở hữu cổ đông lớn
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ngày 27/9, ban hành Quyết định số 838/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Ngô Vi Quân (địa chỉ tại Đội 3 Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) với số tiền phạt 60 triệu đồng.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ngày 27/9, ban hành Quyết định số 838/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Ngô Vi Quân (địa chỉ tại Đội 3 Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) với số tiền phạt 60 triệu đồng theo quy định vì đã có hành vi không báo cáo khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết tại doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên sàn.

Trước đó, ông Ngô Vi Quân đã thực hiện giao dịch mua 32.500 cổ phiếu của Công ty CP May Thanh Trì (UPCOM: TTG) dẫn đến sở hữu trên 5% số cổ phiếu có quyền biểu quyết, trở thành cổ đông lớn của TTG (tăng từ 3,528% lên 5,19%) vào ngày 14/4/2022.

Tiếp đó, ông Quân thực hiện giao dịch bán 19.000 cổ phiếu TTG dẫn đến sở hữu dưới 5% số cổ phiếu có quyền biểu quyết, không còn là cổ đông lớn của TTG (giảm từ 5,19% xuống 4,22%) vào ngày 16/5/2022.

Tuy nhiên, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội chưa nhận được báo cáo thay đổi sở hữu cổ đông lớn của ông Ngô Vi Quân đối với các giao dịch trên.

Theo tìm hiểu, May Thanh Trì tiền thân là Xí nghiệp may xuất khẩu Thanh Trì, thành lập tháng 12/1992 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/1993.

Hiện tại, doanh nghiệp này do ông Nguyễn Việt Dũng làm chủ tịch HĐQT, bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh làm Giám đốc và ông Lý Nam Ninh làm Phó Giám đốc kiêm Trưởng phòng kế toán.

Được biết, ba người trên đều được FINSTA và Sông Đà 19 đề cử nắm quyền điều hành doanh nghiệp.

Về tình hình kinh doanh, May Thanh Trì lỗ thêm gần 1,6 tỷ đồng năm 2022 dù doanh thu tăng nhẹ. Tuy có sự thu hẹp so với mức lỗ 4,3 tỷ đồng năm 2021.

Tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, kiếm toán viên còn nêu ý kiến nhấn mạnh, công ty luôn gặp những khó khăn về tài chính. Củ thể:

Kết qủa kinh doanh tiếp tục thua lỗ gần 1,6 tỷ đồng dẫn đến lỗ luỹ kế tại ngày 31/12/2022 là 17,3 tỷ đồng (chiếm khoảng 86,5% vốn điều lệ); lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2021 và 2022 đều bị âm, thể hiện công ty gặp khó khăn về dòng tiền cho hoạt động kinh doanh chính.

Trong năm, công ty có sự thay đổi về cổ đông lớn (Công ty CP Tập đoàn Haprosimex đã thực hiện chuyển nhượng lại vốn đầu tư vào Công ty TNHH Finsta và Công ty CP Sông Đà 19) và ban lãnh đạo được bổ nhiệm mới.

Ban Giám đốc công ty đang tiếp tục theo dõi, đánh giá rủi ro một cách thận trọng để có các quết định phù hợp và cải thiện hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Ngoài ra, trong những năm gần đây May Thanh Trì liên tục ghi nhận kết quả giảm sút, thậm chí là thua lỗ. Tính trong giai đoạn 4 năm từ năm 2018 đến năm 2021, doanh thu thuần của TTG giảm mạnh từ mức 58,9 tỷ đồng trong năm 2018 xuống chỉ còn 25,4 tỷ đồng trong năm 2021.

Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2018 chỉ đạt 462 triệu đồng, vô cùng thấp so với quy mô doanh thu của công ty. Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, lợi nhuận của TTG liên tục sụt giảm trong các năm tiếp theo, thậm chí còn ghi nhận lỗ tới 11,7 tỷ đồng trong năm 2020.

Sang đến năm 2021, dù số lỗ đã giảm xuống nhưng TTG vẫn ghi nhận lỗ tới 4,3 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh giảm sút liên tục nên cũng không quá khó hiểu khi vốn chủ sở hữu của TTG bị bào mòn đi gần hết. Ghi nhận vốn chủ sở hữu trong năm 2018 của May Thanh Trì đạt 22 tỷ đồng, giảm nhẹ xuống 21,7 tỷ đồng trong năm 2019. Sang đến năm 2020, vốn chủ tiếp tục bị bào mòn chỉ còn 9,9 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, trong năm 2021, vốn chủ sở hữu tiếp tục lao dốc xuống chỉ còn 5,5 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 4 năm hoạt động, vốn chủ sở hữu của TTG đã giảm tới gần 75% so với thời điểm năm 2018. Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh ngày càng yếu kém của công ty.

Theo ghi nhận thì lần trả cổ tức gần nhất của May Thanh Trì là vào năm 2018 với cổ tức chi trả bằng tiền, tỷ lệ chỉ 2%, tương ứng với việc mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 200 đồng tiền cổ tức.

Năm 2023, May Thanh Trì vẫn đặt kế hoạch doanh thu 35 tỷ đồng và lãi ròng 3,5 tỷ đồng và thông qua việc bổ sung hai ngành nghề kinh doanh là tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, quyền sử dụng đất và lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước, lò sưởi và điều hòa không khí.

Động thái mới nhất của May Thanh Trì, ngày 5/10 tới đây công ty chốt danh sách đại hội cổ đông bất thường để bầu thay thế hội đồng quản trị và phát hành cổ phần tăng vốn. Đại hội dự kiến tổ chức trong tháng 11 và phương án cụ thể chưa được tiết lộ.

Soi "sức khỏe" của Mirae Asset trước án phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Giới thiệu trên website của mình, Chứng khoán Mirae Asset là thành viên của Tập đoàn Tài chính Mirae Asset. Tập đoàn này được thành ...

DNP Holding của doanh nhân Vũ Đình Độ bị xử phạt, truy thu thuế

Công ty CP DNP Holding (HNX: DNP) vừa công bố thông tin quyết định xử phạt vi phạm thuế. Quyết định này đã được Thanh ...

Độ thêm đèn chiếu sáng phía sau xe ô tô có bị xử phạt?

Lắp thêm đèn chiếu sáng sau xe ô tô giúp người lái dễ dàng quan sát khi lùi xe vào ban đêm, nhưng nhiều người ...

Tiểu Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán