TS.Nguyễn Quốc Hùng: Đoàn kết, thống nhất sẽ vượt qua khó khăn để nắm bắt cơ hội

(Banker.vn) Trao đổi của TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam với phóng viên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trước thềm năm mới 2021.

Năm 2021 được dự báo là năm đầy thách thức đối với kinh tế Việt Nam nói chung, hoạt động ngân hàng nói riêng. Để vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, các tổ chức hội viên (TCHV) của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cần thể hiện sự đoàn kết, thống nhất, cùng nhau vượt qua khó khăn. Các TCHV cũng cần thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ để các cơ sở giao dịch đảm bảo an toàn cho khách hàng và giao dịch được thông suốt.

Phóng viên: Đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô nói chung, hệ thống Ngân hàng nói riêng. Với kinh nghiệm nhiều năm làm lãnh đạo các tổ chức, NHTM trong ngành, ông đánh giá thế nào về các kết quả ngành Ngân hàng đã đạt được trong năm qua?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Năm 2020 là một năm rất đặc biệt. Khi các nền kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục thì đại dịch COVID-19 bùng phát ngay từ đầu năm 2020 đã gây ra những hệ quả hết sức nặng nề trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực lên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là một trong những cơ quan đi đầu trong công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa góp phần phát triển kinh tế. Cụ thể, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, ngành Ngân hàng đã chủ động đánh giá tình hình một cách chính xác, cho nên đã kịp thời đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng (TCTD) vượt qua khó khăn, mà cụ thể là ban hành kịp thời Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID -19.

Các giải pháp ngành Ngân hàng triển khai đến nay đã có những hiệu quả thiết thực. Khoảng 270 nghìn khách hàng đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ gần 335 nghìn tỷ đồng; hơn 600 nghìn khách hàng được miễn, giảm, hạ lãi suất với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, hơn 400 nghìn khách hàng được cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng; khoảng 1.004 tỷ đồng phí dịch vụ thanh toán được các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020. Tính đến hết năm 2020, tín dụng tăng khoảng 12,13% so với cuối năm 2019 và tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.

Nhìn lại hoạt động của ngành Ngân hàng trong năm qua, tôi nhận thấy rất nhiều điểm nổi bật, có thể kể đến như:

Đầu tiên, ngành Ngân hàng đã chống dịch thành công. Các cơ sở hoạt động của các TCTD đều đảm bảo an toàn trong công tác chống dịch và hoạt động thông suốt trong mùa dịch.

Thứ hai, ngành Ngân hàng có những đóng góp hết sức quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, tỷ giá được giữ vững... góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức 2,91% - qua đó, đưa Việt Nam vào nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới.

Thứ ba, các TCTD, các hội viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã thực hiện tốt các chính sách của Chính phủ, của ngành Ngân hàng, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc Thông tư 01, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Thứ tư, các ngân hàng đã mở rộng dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử và đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động ngân hàng. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Thứ năm, bên cạnh việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân vượt qua những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, các ngân hàng cũng rà soát và đánh giá lại hoạt động của chính mình để thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu của chính các TCTD do NHNN phê duyệt. Đến nay, đã có 18 tổ chức đạt chuẩn Basel II, thậm chí có nhiều ngân hàng công bố hoàn thành 3 trụ cột của Basel II. Bài toán tăng vốn cho các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước cũng được “tháo gỡ” trong năm qua khi Chính phủ ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP đã khơi thông cơ chế tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Tổng tài sản, vốn điều lệ... của các TCTD trong năm 2020 cũng tăng mạnh. Cùng với đó là tính minh bạch trong ngành Ngân hàng ngày càng cao, hàng loạt ngân hàng lên sàn/chuyển sàn thành công.

Thứ sáu, các TCTD cũng rất tích cực thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, qua đó góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu một cách rõ nét. Mặc dù đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vượt 2% nhưng đây là tất yếu khách quan và thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành Ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm.

Phóng viên: Dù Việt Nam đã kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, tuy nhiên dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến rất khó lường. Trong bối cảnh đó, ông dự báo như thế nào về hoạt động ngân hàng trong năm 2021?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Năm 2021 được dự báo là năm có nhiều khó khăn cho hoạt động ngân hàng.

Thứ nhất, dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức khó lường sẽ có những tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động của ngành Ngân hàng.

Thứ hai, kể từ khi ban hành đến nay, Thông tư 01 cũng đã đến thời điểm phải sửa đổi, bổ sung. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung sẽ xuất hiện những khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu do trước đây chúng ta chưa lường trước được dịch COVID-19 kéo dài đến bao lâu. Với dự báo diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp trong năm 2021, thì áp lực nợ xấu tiềm ẩn gia tăng sẽ đè nặng lên vai ngành Ngân hàng. Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 đã triển khai được hơn 3 năm, tạo ra những dấu ấn rõ nét trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD. Tuy nhiên, Nghị quyết này chỉ mang tính chất thí điểm (có hiệu lực 5 năm kể từ ngày 15/8/2017), nên cần có văn bản thay thế khi Nghị quyết này hết hiệu lực.

Do đó, cần sớm luật hóa Nghị quyết 42 để tạo hành lang pháp lý đồng bộ và thống nhất trên cơ sở kế thừa những quy định tại Nghị quyết này, giúp tác động tích cực đến quá trình xử lý nợ xấu. Cùng với đó là đẩy nhanh việc sửa đổi Thông tư 01. Bởi nếu Thông tư không được ban hành kịp thời, doanh nghiệp lo sẽ bị liệt vào “danh sách đen” nợ quá hạn, không thể tiếp tục vay vốn, còn đối với ngành Ngân hàng áp lực các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu sẽ gia tăng.

Thứ ba, ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực ngân hàng ngày càng mạnh mẽ sẽ tạo áp lực trong việc sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý phù hợp cho hoạt động ngân hàng, nhất là lĩnh vực thanh toán.

Bên cạnh những thách thức trên, tôi cho rằng, năm 2021 cũng sẽ có nhiều thuận lợi cho các TCTD phát triển, đó là: Năm 2021 là năm Đại hội Đảng lần thứ XIII thành công, Nghị quyết của Đảng dần dần đi vào cuộc sống, chính sách của Nhà nước sẽ có những điều chỉnh phù hợp... tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng sẽ tập trung cho vay doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp sản xuất phục vụ mặt hàng trong nước và xuất khẩu; Đầu tư công cũng sẽ được đẩy mạnh góp phần tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các ngân hàng cũng sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ mới, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, qua đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Phóng viên: Để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội trong năm 2021, ông có lời khuyên như thế nào cho các TCHV của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Để vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội, theo tôi, điều đầu tiên và quan trọng nhất là các TCHV của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cần phải thể hiện sự đoàn kết, thống nhất, cùng nhau để vượt qua khó khăn.

Năm 2021 cũng là cơ hội để các TCTD thực hiện rà soát, đánh giá lại hoạt động. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các TCTD đánh giá lại chất lượng tài sản, chất lượng các khoản nợ… Qua đó, nâng cao năng lực tài chính và tính minh bạch.

Để vượt qua thách thức, các TCHV cũng nên tiếp tục đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ trong phát triển sản phẩm dịch vụ, nhằm đưa hoạt động thanh toán trong nền kinh tế được thông suốt, tạo thuận lợi cho người dân trong các giao dịch ngân hàng. Tăng cường mở rộng các hoạt động dịch vụ, từ đó đưa tỷ lệ thu nhập từ dịch vụ cao hơn so với trước đây.

Đặc biệt, các TCTD, TCHV cần thực hiện các biện pháp chống dịch COVID-19 một cách nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ để các cơ sở giao dịch đảm bảo an toàn cho khách hàng và giao dịch được thông suốt; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021 vừa được NHNN ban hành; tiếp tục triển khai mạnh mẽ Đề án cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng; đồng thời đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để hạn chế tín dụng đen.

Phóng viên: Từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong cơ quan quản lý nhà nước và NHTM, những vị trí trải qua sẽ giúp ông như thế nào trong việc đưa Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thực sự trở thành “Ngôi nhà chung” của các TCHV, thưa ông?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Có thể nói, qua mỗi vị trí công tác đều mang lại cho tôi những kinh nghiệm quản lý khác nhau, giờ đây trong vai trò Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, mục tiêu đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các TCHV và của Hiệp hội phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hiệp hội theo quy định của pháp luật được ưu tiên lên hàng đầu.

Hiệp hội sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò liên kết hội viên và làm cầu nối giữa các TCHV với cơ quan quản lý Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong việc thực thi chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc của TCHV, để kiến nghị các cơ quan liên quan có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho TCHV trong quá trình hoạt động. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động TCHV thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, đoàn kết, hợp tác, hoạt động theo các chuẩn mực ở Việt Nam vì sự phát triển an toàn, hiệu quả của các TCHV và của toàn hệ thống. Tích cực tham gia, đóng góp trong công tác xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng nhằm hỗ trợ về nghiệp vụ và pháp lí, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các TCHV.

Với tôi, quản lý Hiệp hội là một lĩnh vực mới, tuy nhiên, trong thực tiễn sẽ có những kinh nghiệm sát với thực tế có thể chia sẻ và hiểu được hội viên nhiều hơn. Từ đó có những đóng góp và kêu gọi các TCHV đoàn kết, thống nhất cùng nhau phát triển... chung tay xây dựng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thực sự trở thành “Ngôi nhà chung” của các TCHV.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Ngô Hải

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: