TS Nguyễn Văn Khôi được bầu làm Tân Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam

(Banker.vn) TS Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam được tín nhiệm bầu giữ chức Tân Chủ tịch Liên chi Hội Bất động sản Khu công nghiệp Việt Nam (VIREA) nhiệm kỳ thứ nhất 2024 -2029.

Sáng 18/1/2024, tại TP.HCM, Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam tổ chức Đại hội nhiệm kỳ lần thứ nhất (2024 – 2029) với chủ đề: “Đoàn kết – Sáng tạo – Bền vững”.

Đại hội có sự tham gia của hơn 320 đại biểu, bao gồm các lãnh đạo cơ quan trung ương, địa phương, đại diện các Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao... các doanh nghiệp, chủ đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế liên quan đến lĩnh vực bất động sản công nghiệp... Tại đại hội, các đại biểu đã cùng thảo luận, xác định phương hướng nhiệm vụ và giải pháp phát triển Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam; thảo luận quy chế tổ chức và hoạt động của Liên chi hội; Bầu Ban chấp hành Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam.

TS Nguyễn Văn Khôi được bầu làm Tân Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam
Quang cảnh Đại hội

Phát biểu tại đại hội, TS Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam – Chủ tịch lâm thời VIREA, cho biết, Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các tổ chức và công dân Việt Nam hoạt động liên quan đến lĩnh vực bất động sản công nghiệp và các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ liên quan ở Việt Nam theo quy định của pháp luật. Mục đích hợp tác, liên kết, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, góp phần xây dựng và phát triển bền vững lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, đầu tư, quản lý bất động sản công nghiệp, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế theo quy định pháp luật.

TS Nguyễn Văn Khôi được bầu làm Tân Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam
TS Nguyễn Văn Khôi -Chủ tịch lâm thời VIREA phát biểu khai mạc Đại hội

Theo ông Trần Thiên Long – Phó Chủ tịch lâm thời VIREA, Liên Chi hội bất động sản công nghiệp Việt Nam có vai trò, nhiệm vụ là cầu nối giữa Nhà nước với các doanh nghiệp hội viên. Cập nhật cung cấp thông tin về các cơ chế chính sách và pháp luật liên quan đến hoạt động của khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp tới các doanh nghiệp hội viên. Tổng hợp, phản ánh các vướng mắc của các doanh nghiệp về chính sách, cơ chế quản lý, vận hành các KCX, KCN, KKT, KCNC, CCN tới các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, tạo dựng mối liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp KCX, KCN, KKT, KCNC, CCN với các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương…

Ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch lâm thời
Ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch lâm thời VIREA nêu chương trình hành động của Liên chi Hội nhiệm kỳ 1 (2024 -2029)

Liên Chi hội bất động sản công nghiệp Việt Nam là Diễn đàn của các doanh nghiệp KCX, KCN, KKT, KCNC, CCN và các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản công nghiệp khác để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh, tham gia góp ý các dự án luật, các Nghị định và thông tư liên quan đến các cơ chế, chính sách và đề xuất giải pháp phát triển hiệu quả các sản phẩm bất động sản công nghiệp…Theo đó, đến năm 2029, Liên Chi hội phấn đấu kết nạp tối thiểu 500 hội viên, tỉ lệ tăng trưởng hội viên hàng năm đạt 20% -30%.

TS Nguyễn Văn Khôi được bầu làm Tân Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam
Ban chấp hành Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp ra mắt đại hội

Theo TS Cấn Văn Lực - Ủy viên BCH Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam, ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, kinh tế trưởng BIDV, tính đến cuối năm 2023, Việt Nam có 414 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 130.000 ha, tăng 7 khu công nghiệp so với cuối năm 2022. Trong đó, 295 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích là 92,2 nghìn ha, tăng 3 KCN so với cuối năm 2022.

Theo Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tỷ lệ lấp đấy các KCN đã đi vào hoạt động là 73%. Các khu vực trọng điểm ở phía Bắc và phía Nam duy trì ở mức cao (trên 82%).

Tỷ lệ phân bổ các KCN chủ yếu tập trung ở vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng, chiếm tới 60% tổng diện tích KCN của cả nước.

Nguồn vốn dành cho doanh nghiệp bất động sản và KCN đến từ Ngân sách nhà nước (vốn mồi, ưu đãi, miễn giảm thuế, chương trình phục hồi, nhà ở xã hội…); nguồn vốn nước ngoài (vay, phát hành trái phiếu, bán cổ phẩn, M&A..); huy động từ thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư…); khách hàng (đặt cọc, ứng trước, trả góp; đối tác…); nguồn vốn tín dụng, bảo lãnh, cho thuê tài chính; vốn tự có, vốn góp…

Về nguồn vốn dành cho các KCN ở Việt Nam, đến hết năm 2023, tín dụng BĐS đạt 2,75 triệu tỷ đồng, ước tăng khoảng 6,7% so với cuối năm 2022. Trong đó, cho vay nhà ở ước đạt 64%, còn lại là tín dụng kinh doanh BĐS chiếm khoảng 36% (theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước).

Đánh giá thực trạng khu KCN, Khu kinh ở Việt Nam hiện nay, TS Cấn Văn Lực cho biết, cơ chế, chính sách về KCN chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và cũng chưa thực sự đầy đủ. Một số vấn đề của Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 chưa được hướng dẫn chi tiết, chưa đảm bảo nguyên tắc tự chủ kinh doanh…. Tiếp theo là sự bất bình đẳng về thủ tục chuyển nhượng dự án đối với bên nhận chuyển nhượng là doanh nghiệp FDI và việc định giá đất triển khai chậm…Hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư KCN còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả trong việc định hướng dòng vốn đầu tư.

Chất lượng quy hoạch phát triển KCN còn thấp, chưa được quan tâm đúng mức: thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn; thời gian phê duyệt quy hoạch kéo dài, phức tạp; việc phát triển KCN theo hướng bền vững, sinh thái, hài hoà giữa công nghiệp… chưa được quan tâm đúng mức; Công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, đa số là chậm tiến bộ, do quỹ đất ngày càng hạn chế, chi phí đầu tư, xây dựng biến động và vẫn đứng ở mức cao; nguồn vốn phát triển KCN còn hạn chế và phụ thuộc nhiều vào các nguồn vốn bên ngoài.

“Cần hoàn thiện thể chế, sớm thông qua các Luật Đất đai, Luật các TCTD; quy định phân nhóm phân khúc BĐS, đẩy nhanh, rà soát và có giải pháp tháo gỡ vướng mắc kịp thời cho các dựu án BĐS KCN; tiếp tục quyết liệt thực hiện các quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội đã được duyệt; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để góp phần nâng cấp hạ tầng, hệ thống giao thông; sớm cụ thể hoá tiêu chí KCN sinh thái với những chính sách ưu đãi cụ thể, về tiếp cận đất đai, quy hoạch, vốn và KHCN, trách nhiệm các bên…; giải quyết các vấn đề tồn tại trên thị trường tài chính; đa dạng hoá các định chế tài chính BĐS...” – TS Cấn Văn Lực, đưa ra các kiến nghị, giải pháp.

Hoài An

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán