TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thận trọng với cổ phiếu ngân hàng

(Banker.vn) Tại hội thảo đầu tư - "Thị trường Chứng khoán nửa cuối 2023" do CTCK Phú Hưng tổ chức, TS. Nguyễn Trí Hiếu thể hiện quan điểm thận trong với thị trường chứng khoán nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riếng.

Tại hội thảo đầu tư - "Thị trường chứng khoán nửa cuối 2023", ông Tuấn Phạm, Phó phòng phân tích của CTCK Phú Hưng (HOSE: PHS) cho rằng, ngân hàng sẽ là nhóm cổ phiếu có rất nhiều tiềm năng trong giai đoạn tới. Trái ngược với quan điểm đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu lại hết sức "thận trọng" với nhóm cổ phiếu này.

Trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm hiện nay, các ngành như du lịch, xuất nhập khẩu,... đều gặp khó khăn trong khi ngân hàng lại là ngành ăn nên làm ra nhất trong nền kinh tế. Tính tới hết quý 1/2023, nhiều ngân hàng lớn như VCB, BIDV, MBB, ACB,... đồng loạt ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu "thận trọng" với cổ phiếu ngân hàng
Hội thảo đầu tư trực tuyến - Thị trường Chứng khoán nửa cuối 2023, khách mới: TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Trước báo cáo kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong quý 1, TS. Nguyễn Trí Hiếu đã đặt ra câu hỏi: Lãi thực của ngân hàng nằm ở đâu? TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng chỉ ra một vấn đề của ngành ngân hàng mà NĐT nên lưu ý, cụ thể:

Vấn đề đầu tiên là về thanh khoản của toàn ngành. Nhiều người cho rằng thanh khoản của ngân hàng rất tốt, tuy nhiên điều này chỉ đúng với trạng thái nhiều tiền của các ngân hàng nhưng lại không cho vay ra được. Trên thực tế, NHNN đã 3 lần hạ lãi suất điều hành nhưng lãi cho vay ngoài thị trường vẫn còn cao.

Ông Hiếu đánh giá các ngân hàng không cho vay ra ngoài thị trường được nhiều vì một phần họ đã cho sân sau của mình vay. Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2023, một số ngân hàng đã thông báo hết room tín dụng trong khi cả nền kinh tế và doanh nghiệp "kêu gào" không thể vay được tiền, vậy số tiền đó đã đi đâu? "Hình như một số ngân hàng đã đẩy tín dụng vào sân sau của họ và tạo nên điểm ách tắc tín dụng tại các ngân hàng đó", ông Hiếu nhận định.

Vấn đề thứ hai là về chỉ số tín dụng trên huy động. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: "Chỉ số về tín dụng trên huy động ở mức 78%, tôi nghĩ là cao hơn hiều. Theo quán tính của tôi có thể lên tới trên 90%. Tức là ngân hàng không còn nhiều dư địa để cho vay nếu dựa trên chỉ số thanh khoản, tức là dư nợ tín dụng chia cho tổng vốn huy động. Thêm một điều nữa, sắp tới đây, tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ rút xuống từ 34% xuống 30%. Nếu NHNN không gia hạn quy định mới thì nguồn vốn cho vay trung và dài hạn sẽ bị siết lại."

Vấn đề thứ ba về dự phòng rủi ro của các ngân hàng. Đánh giá về dự phòng rủi ro của các ngân hàng, ông Hiếu cho biết: "Trong thời gian vừa qua, một số ngân hàng có tổng dự phòng rủi ro suy giảm. Tuy nhiên, cá nhân tôi không cho rằng việc dự phòng rủi ro tăng sẽ làm tăng khả năng xử lý nợ xấu của các ngân hàng. Dự phòng rủi ro không phải dòng tiền thực mà là một bút toán. Chẳng hạn tôi có lãi nhiều, tôi trích ra 20% từ số lãi, bỏ vào tài khoản gọi là dự phòng rủi ro. Về nghiệp vụ, đó chỉ là hạch toán chứ về bản chất không có dòng tiền nào đi vào trong quỹ dự phòng. Khi có nợ xấu, tôi không có 1 quỹ để lấy ra xử lý. Tôi phải dựa vào tài sản đảm bảo của món nợ để đánh giá xem có thu hồi được món nợ đó hay không. Mặc dù tất cả những chỉ số về ngành ngân hàng như thanh khoản, tăng trưởng dư nợ, dự phòng rủi ro hiên tại vẫn còn khả quan nhưng tôi thì thận trọng hơn khi nhìn các vấn đề của ngành ngân hàng".

"Trong một nền kinh tế, khi rủi ro của các doanh nghiệp tăng lên thì rủi ro cho vay của ngân hàng cũng tăng lên. Rủi ro của ngân hàng tăng biểu hiện qua việc nợ xấu tăng. Trong vòng 6-12 tháng tới, liệu các doanh nghiệp có vực dậy, nền kinh tế có trở lại hoạt động bình thường hay không thì chúng ta không thể biết được. Trong tình trạng hiện nay, rủi ro cho ngành ngân hàng càng ngày càng tăng. Các ngân hàng hiện tại đang giữ tỷ lệ đền bù cho ngưỡng rủi ro (risk-premium) tức là tỷ lệ đền bù cho ngưỡng rủi ro ở mức cao. Rủi ro tăng cao thì ngân hàng phải giữ premium cao để dự phòng khi nợ trở thành nợ xấu. Đúng là cổ phiếu ngân hàng rất tốt khi là ngành ăn nên làm ra nhưng hãy thận trọng", TS. Nguyễn Trí Hiếu một lần nữa nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu nhà đầu tư tổ chức dẫn dắt

Trong hội thảo đầu tư - "Thị trường Chứng khoán nửa cuối 2023" do CTCK Phú Hưng tổ chức, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, ...

Thiên Dương

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán