TS. Nguyễn Quốc Hùng: Tái cấu trúc nợ ngoài tòa án góp phần xử lý nợ xấu hiệu quả

(Banker.vn) Sáng ngày 19/9, nhằm giúp các Tổ chức hội viên hiểu rõ hơn về vấn đề Tái cấu trúc nợ ngoài toà án, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo Bàn tròn thảo luận về Tái cấu trúc nợ ngoài tòa (OCW).
ttk-phat-bieu-ket-luan-ht.jpg
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Tái cấu trúc nợ ngoài tòa án góp phần xử lý nợ xấu hiệu quả

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam gửi lời chào mừng nồng nhiệt tới tất cả các đại biểu tham dự hội thảo.

Khái quát về khái niệm và vai trò của OCW, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, tái cơ cấu nợ ngoài tòa được hiểu là thủ tục tái cơ cấu nợ với sự tham gia hạn chế hoặc không có sự tham gia của tòa án. Tái cấu trúc nợ ngoài tòa giữ vai trò quan trọng trong xử lý nợ xấu và đóng góp thiết yếu đối với sự bền vững của hệ thống tài chính, đặc biệt phù hợp ở các nước có thủ tục chính thức để giải quyết phá sản doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, bất cập.

"Tái cơ cấu nợ ngoài tòa có thể giải quyết sớm các khó khăn của doanh nghiệp theo cách hiệu quả và mang lại kết quả thuận lợi hơn so với thủ tục phá sản chính thức. Tuy nhiên, mô hình này không thể thay thế cho cải cách xử lý nợ và phá sản nói chung, vốn phải cung cấp các phương án dự phòng đáng tin cậy thông qua thủ tục phá sản tập thể hoặc cưỡng chế riêng lẻ", TS. Nguyễn Quốc Hùng nêu thêm.

Theo đó, Chương trình hội thảo tập trung vào việc làm rõ và giải quyết các hạn chế, bất cập khi áp dụng tái cấu trúc nợ ngoài tòa hay tái cấu trúc phi chính thức để giúp các tổ chức hội viên hiểu rõ hơn về vấn đề này. Các đại biểu tham dự sẽ cùng nhau thảo luận chia sẻ các mô hình tái cấu trúc ngoài tòa khác nhau trên thế giới để thấy được mô hình nào phù hợp với Việt Nam và thảo luận về Dự thảo Đề cương Hướng dẫn của tái cấu trúc nợ ngoài tòa.

“Các đại biểu cũng sẽ tiếp cận được những kiến thức của các chuyên gia uy tín, dày dặn kinh nghiệm về tham vấn, phản biện, các chuyên gia về tài chính nói chung và về tái cấu trúc nợ ngoài tòa nói riêng… Đó là nguồn kiến thức, kinh nghiệm trong nước và quốc tế, đóng góp cho việc áp dụng hiệu quả mô hình tái cấu trúc nợ ngoài tòa tại Việt Nam”, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm.

toan-canh(1).jpg
Ông Darryl Dong, Phó Giám đốc quốc gia Việt Nam, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phát biểu

Trong phát biểu trước đó, ông Darryl Dong, Phó Giám đốc quốc gia Việt Nam, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) khẳng định: "Tái cấu trúc nợ ngoài toà án chính là khuôn khổ thực tiễn tốt nhất trên toàn cầu để có thể giải quyết được nợ xấu, hỗ trợ cho sự phát triển của hệ thống tài chính tại Việt Nam".

Các hoạt động kinh doanh hiện nay đã thay đổi, mọi thứ không còn đi theo kịch bản thông thường, do vậy, các doanh nghiệp, ngành Ngân hàng và các cơ quan quản lý nhà nước không thể ngồi yên hay tham gia sân chơi với lối chơi phòng ngự được. Thời cuộc đòi hỏi tất cả đều phải làm tốt hơn, sáng tạo hơn và luôn không ngừng đổi mới, thoát ra khỏi vùng an toàn. Để không bị bỏ lại phía sau, để trở thành người đi đầu, tiên phong thì cần nâng tầm hoạt động, hướng về phía trước và luôn sẵn sàng ở thế tấn công trong mọi cuộc chơi của thương trường.

"Chúng ta cần xem việc xử lý nợ xấu là một cuộc chiến và việc thực hiện tái cơ cấu nợ ngoài tòa án chính là cách chúng ta ở thế tấn công để giải quyết nợ xấu. Chúng ta cần tái cấu trúc nợ ngoài tòa để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường", ông Darryl Dong nhấn mạnh.

Lê Ngọc

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ