TS. Nguyễn Minh Phong: 4 điểm sáng của hàng Việt xuất khẩu sang CPTPP

(Banker.vn) Sau 5 năm Hiệp định CPTPP có hiệu lực, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng hàng Việt đã khẳng định được 4 điểm sáng ở thị trường này.
Xuất khẩu sang thị trường CPTPP tốt hơn dự báo Việt Nam là nước khai thác tốt nhất Hiệp định CPTPP để vào thị trường Canada

Thưa ông, ông nhận định gì về những điểm sáng nhất mà hàng xuất khẩu Việt Nam sang thị trường CPTPP đạt được thời gian qua?

Tôi cho rằng có 4 điểm sáng nổi bật của xuất khẩu hàng Việt sang CPTPP.

TS. Nguyễn Minh Phong: 4 điểm sáng của hàng Việt xuất khẩu sang CPTPP
TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế

Thứ nhất, xuất khẩu tăng nhanh với tốc tăng trung bình 2 con số và trên dưới 20%.

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rất ổn định, luôn luôn giữ ở mức 2 con số. Năm nay, thương mại thế giới chỉ còn tăng trưởng khoảng 1% nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang khối thị trường CPTPP vẫn đạt trên dưới 10%, là mức tăng trưởng rất cao và ổn định.

Thứ ba, CPTPP là thị trường ta có xuất siêu rất lớn, đóng góp vào thành quả xuất siêu 6-7 năm liên tục của Việt Nam.

Thứ tư, đây là thị trường lớn của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam ra thế giới, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản; khoảng 14% ngành da giày… Đây là thị trường chất lượng, đòi hỏi tiêu chuẩn cao nhất, giúp doanh nghiệp thu được lợi nhuận cao nhất. Thêm nữa, đây là thị trường uy tín hàng đầu nên khi ta xuất khẩu vào đó sẽ tạo được uy tín cho hàng Việt Nam. Tất cả hợp thành bức tranh sáng của hàng Việt xuất khẩu thời gian gần đây.

Đáng chú ý, xuất khẩu không chỉ tăng trưởng nhanh sang các nước đã phê duyệt CPTPP mà cả các nước chưa phê duyệt CPTPP đều tăng trưởng ổn định. Như Chile tăng 63%. Điều này cho thấy cộng đồng rất tín nhiệm hàng Việt Nam và ta đã chứng minh được chất lượng hàng hoá Việt khi xuất khẩu sang đó.

TS. Nguyễn Minh Phong: 4 điểm sáng của hàng Việt xuất khẩu sang CPTPP
Thuỷ sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường CPTPP

Điểm chung của cả 2 Hiệp định CPTPP và EVFTA là đều dành 1 chương riêng quy định về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Với năng lực của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hiện nay, theo ông, việc siết chặt các vấn đề về môi trường, khí hậu, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ có tác động ra sao đến hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam sang CPTPP?

Xu hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang trở thành sự lựa chọn bắt buộc và yêu cầu mang tầm vóc, quy mô toàn cầu. Bên cạnh đó, tăng trưởng xanh không chỉ là yêu cầu trong giai đoạn hiện nay mà từ lâu rồi. Việt Nam cũng đã sớm nhận thức, đi theo xu hướng này và đã có những cam kết với quốc tế về chiến lược phát triển bền vững. Chúng ta cũng đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Điều này là thể hiện xu hướng chung của thế giới.

EVFTA và CPTPP là 2 hiệp định có những yêu cầu cao nhất về bảo vệ môi trường và các quy định này ngày càng trở thành chuẩn mực chung cho các hiệp định khác, trở thành sân chơi quy mô toàn cầu. Những yêu cầu tăng trưởng xanh là tất yếu để bảo vệ con người, đồng thời cũng là dạng công cụ phi thuế quan mà mỗi nước được phép dựng lên với tiêu chuẩn ngày càng cao hơn.

Bảo vệ môi trường không chỉ gói gọn ở việc bảo vệ môi trường sống mà còn bảo vệ môi trường ngay trong doanh nghiệp. Người lao động phải được làm việc trong môi trường đảm bảo yêu cầu ngày càng lớn. Điều này làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và mức chi phí này cũng lớn hơn nhiều so với chi phí sản xuất.

Ví dụ, sản xuất 1 khối nước sạch có thể hết 1 đồng nhưng tái chế 1 khối nước bẩn mất đến 3 đồng. Đây là thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp sẽ dễ bị ngợp trước những chi phí khổng lồ.

Đồng thời, các tiêu chí về tăng trưởng xanh sẽ tạo áp lực làm thay đổi chuỗi cung ứng. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được thì có thể bị thu hẹp sản xuất. Đây là nguy cơ có thật, lớn hơn cả áp lực chi phí cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn là tiêu cực. Bởi chúng ta cũng thấy, trong bối cảnh sụt giảm đơn hàng, các doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu về tăng trưởng xanh đang khá “rủng rỉnh” về đơn hàng. Cho nên áp lực về bảo vệ môi trường, tăng trưởng bền vững đang tạo nên sự sàng lọc để loại bỏ các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh ở những nước phát triển không bền vững, để doanh nghiệp có thể gia tăng đơn hàng. Cho nên tác động là ở 2 mặt. Đặc biệt là tạo nên uy tín cho doanh nghiệp Việt Nam về lâu dài.

Trước mắt, doanh nghiệp có thể coi đây là áp lực thực sự. Còn về lâu dài nếu như đáp ứng được, doanh nghiệp có thể trở thành chủ thể của chuỗi cung ứng. Tổng thể sẽ tạo ra những cơ hội mới. Tương lai, hàng Việt Nam sẽ lấy chất lượng, giá trị bù cho số lượng và sản lượng.

Đặc trưng của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc chuyển đổi sang phát triển bền vững cần thời gian và chi phí tương đối lớn. Vậy ông chia sẻ gì về những giải pháp, lộ trình tự thân doanh nghiệp cần thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững?

Các doanh nghiệp muốn tham gia chuỗi cung ứng thì phải tuân thủ các quy định của đối tác và cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập. Thách thức của doanh nghiệp Việt Nam với quy trình này rất lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp vốn chỉ chú trọng phát triển theo bề rộng.

Do đó, tôi cho rằng doanh nghiệp cần đặt ra yêu cầu về việc tuân thủ các cam kết tiêu chuẩn của ngành hàng, đặc biệt là cam kết về môi trường; tuân thủ quy định liên quan, các cam kết của Việt Nam đã được Chính phủ và các bộ, ngành công bố để đảm bảo thích ứng, tránh vi phạm các quy định nước ngoài và trong nước.

Bên cạnh đó, xây dựng những chiến lược dài hạn để từng bước chủ động tiến tới đáp ứng yêu cầu của đối tác, nhà nước với các yêu cầu mới.

Ngoài ra, cần tái cấu trúc lại về quản lý công nghệ, kế hoạch sản xuất để đáp ứng lộ trình đặt ra. Nếu không tái cấu trúc sẽ phải chạy theo và không đáp ứng được yêu cầu.

Trên hết nữa là doanh nghiệp phải tham gia các hiệp hội để nhận được thông tin cập nhật, chia sẻ kinh nghiệm, giảm thiểu chi phí phải bỏ ra, tránh lặp lại sai lầm của người đi trước.

Đối với quá trình phát triển bền vững, các hỗ trợ từ cơ quan chức năng là không thể thiếu. Ông có kiến nghị gì về những giải pháp của cơ quan chức năng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vào CPTPP có thể thuận lợi hơn trong hướng tới phát triển bền vững?

Về phía nhà nước, cần rà soát và xây dựng lô trình, công bố công khai các cam kết của mình không chỉ trong CPTPP mà cả các FTA khác về các hàng rào kỹ thuật mới nhất để bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp được biết. Đồng thời, xây dựng cẩm nang, sổ tay, hỏi đáp… để đa dạng hoá hình thức hỗ trợ, thông tin cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh bùng nổ về thông tin, cần xây dựng hệ thống Big Data về bảo vệ môi trường, nối mạng và phục vụ chung toàn quốc, giúp doanh nghiệp tiện lợi trong tra cứu với chi phí rẻ nhất. Cung ứng dịch vụ pháp lý giúp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các vụ tranh chấp để giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí, thời gian trong quá trình đối phó, xử lý tranh chấp.

Ngoài ra, tiêu chuẩn hoá các tiêu chuẩn quốc gia để giúp doanh nghiệp có định hướng vừa lâu dài vừa ổn định để đáp ứng các yêu cầu này.

Phổ biến thông tin mang tính chất điển hình để định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, nghiêm túc trong việc xử phạt các doanh nghiệp vi phạm. Thà xử phạt trước ở trong nước còn hơn bị nước ngoài phạt.

Ngoài ra, tài trợ cho hiệp hội, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp trong kết nối thị trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường CPTPP.

Xin cảm ơn ông!

Phương Lan thực hiện

Theo: Báo Công Thương