NHNN nghiêm cấm nhân viên ngân hàng cung cấp thông tin sai sự thật về trái phiếu để đạt KPI | |
Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đồng ý “giải cứu khẩn cấp” Credit Suisse |
Trong tuần qua, liên tiếp 3 ngân hàng của Mỹ, là Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank, Silvergate Bank tuyên bố phá sản. Cùng với đó là đại gia ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse bị loại khỏi cuộc chơi vì không kiểm soát được rủi ro và chậm thay đổi sau khủng hoảng tài chính 2008.
Liên quan đến sự kiện này, chia sẻ với Tạp chí Điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, ở Mỹ thì số lượng ngân hàng phá sản hằng năm có thể lên tới trên 100 ngân hàng, nhưng đều là các ngân hàng nhỏ, ít người biết tới và Chính phủ Mỹ xử lý bình thường.
Đối với ảnh hưởng với thị trường tài chính Việt Nam, TS Nghĩa cho rằng mức độ ảnh hưởng của các biến cố ngân hàng là không đáng kể. |
“Một năm ở Mỹ các ngân hàng mới ra đời độ khoảng vài trăm thì phá sản trên 100 ngân hàng, có năm cao nhất là 180 ngân hàng, thì chuyện đó là chuyện bình thường.”, TS Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.
Vụ phá sản của 3 ngân hàng Mỹ là chuyện ở phía bên kia bán cầu và quy mô của 3 ngân hàng này cũng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với quy mô hệ thống ngân hàng của Mỹ.
Còn với ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết việc ngân hàng này đổ bể không quá bất ngờ và đã dự đoán cách đây 3-4 năm. Những hành vi lâu nay mà Credit Suisse thực hiện ở châu Á, kể cả ở Việt Nam cho thấy rằng ngân hàng này dần rời xa các mục tiêu của một ngân hàng thương mại thật sự.
“Cách đây 3-4 năm tôi đã có ấn tượng xấu đối với ngân hàng Credit Suisse. Tôi nghĩ rằng nếu mà ngân hàng tầm cỡ, lớn như thế này của Thụy Sĩ mà để cho tham gia vào các hoạt động tư vấn tài chính, thu xếp vốn vay với lãi suất cao là sẽ có vấn đề.”, TS Lê Xuân Nghĩa nói.
TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, ở châu Âu người ta thu xếp vốn bao giờ cũng lấy chỉ số lãi suất LIBOR (lãi suất cho vay liên ngân hàng London - PV) làm chuẩn. Tuy nhiên, ngân hàng Credit Suisse thu xếp vốn rất là “giang hồ” nghĩa là lãi suất rất cao. Không ít các công ty ở Việt Nam cũng nhờ ngân hàng này thu xếp vốn. Đây là hoạt động không hề bình thường của một ngân hàng thương mại.
“Ở Mỹ có tới 3.000 ngân hàng, trong đó Citibank, Bank of America, Goldman Sachs,… là những ngân hàng quan trọng nhất. Những ngân hàng này vững thì hệ thống tài chính của Mỹ vững. Chính vì thế, đáng lo ngại hơn cả là Credit Suisse của Thụy Sĩ, nó là một ngân hàng lớn ở một đất nước nhỏ, tổng tài sản gần gấp đôi GDP của nước đó. Tôi nghĩ là thị trường chung châu Âu có thể cũng sẽ gặp những vấn đề nếu không xử lý nhanh ngân hàng này”, TS Lê Xuân Nghĩa phân tích.
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng ngân hàng Trung ương châu Âu cũng sẽ phải tìm cách giải cứu ông lớn ngân hàng Credit Suisse. Nếu không nó sẽ gây khó khăn rất lớn cho kinh tế Thụy Sĩ nói riêng và châu Âu nói chung.
Theo thông tin mới nhất, Credit Suisse đã được ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS giải cứu khẩn cấp, UBS đã đồng ý mua lại ngân hàng Credit Suisse với giá 3 tỷ Franc Thuỵ Sĩ, tương đương khoảng 3,2 tỷ USD. “Nhờ thương vụ giữa Credit Suisse và UBS, một giải pháp để đảm bảo ổn định tài chính và bảo vệ nền kinh tế quốc gia trong tình trạng khác thường này đã xuất hiện.”, Thông cáo của Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) cho biết.
Vị chuyên gia này phân tích thêm: Ta hình dung GDP của Thụy Sĩ vào khoảng 480 tỷ USD, còn tổng tài sản của UBS vào khoảng 1.800 tỷ USD thì sẽ gánh được ngân hàng Credit Suisse với điều kiện là có sự hỗ trợ tái cấp vốn của ngân hàng Thụy Sĩ và ngân hàng trung ương châu Âu.
Đối với ảnh hưởng với thị trường tài chính Việt Nam, TS Nghĩa cho rằng mức độ ảnh hưởng của các biến cố ngân hàng gần như không đáng kể, nếu có thì sẽ từ góc độ châu Âu nhiều hơn là từ Mỹ.
TS Nghĩa cho biết tác động sẽ thông qua tỷ giá hối đoái. Ngân hàng Thụy Sĩ biến động sẽ khiến đồng franc Thụy Sĩ mất giá hoặc nó làm cho đồng Euro bị mất giá, điều này làm cho đồng VND của Việt Nam tăng giá. Việc tăng giá này nhìn chung là tốt trong trường hợp chúng ta là bên xuất khẩu sang châu Âu.
Tương tự như vậy, đối với các ngân hàng của Mỹ sụp đổ sẽ làm cho đồng USD của Mỹ bị mất giá.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, đồng USD mất giá thì sẽ có lợi cho Việt Nam hơn vì chúng ta cũng đang muốn giảm tỷ giá hối đoái xuống, tức là làm cho sự mất giá giữa đồng USD và đồng VND nhỏ lại, bên cạnh đó hỗ trợ giảm nhập khẩu lạm phát.
Hoàng Hà
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|