TS. Cấn Văn Lực: Tăng thẩm quyền cho các công ty chứng khoán để thẩm định rủi ro

(Banker.vn) Theo TS. Cấn Văn Lực, cần có cơ chế xử lý rủi ro thông qua việc cho phép các công ty chứng khoán được phép tịch thu tài sản, chứng khoán, thanh lý chứng khoán. Đây là một trong ba biện pháp gỡ "nút thắt" ký quỹ trước giao dịch.

Vừa qua, tổ chức FTSE Russell đã công bố Danh sách phân hạng các thị trường cổ phiếu kỳ đánh giá tháng 9/2023. Theo đó, Việt Nam tiếp tục được FTSE duy trì trong danh sách chờ xem xét nâng hạng từ thị trường mới nổi lên thị trường cận biên.

"Việt Nam vẫn duy trì trong danh sách chờ xét phân hạng và đã được rà soát cho khả năng tái phân hạng thành thị trường mới nổi thứ cấp trong đợt rà soát giữa kỳ trong kế hoạch tái phân hạng thị trường cổ phiếu của FTSE vào tháng 3/2024" - thông báo của FTSE Russell nêu rõ.

Bàn về các điều kiện và giải pháp để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, tại Hội thảo "Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết" được tổ chức ngày 10/10, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, sức ép cải cách mà thị trường đang phải đối mặt, đặc biệt liên quan đến các quy định liên quan đến tính công khai và minh bạch.

TS. Cấn Văn Lực: Tăng thẩm quyền cho các công ty chứng khoán để thẩm định rủi ro
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

Thị trường chứng khoán Việt Nam có 2 cấp độ nâng hạng là FTSE và MSCI. Đối với cấp độ FTSE, vị chuyên gia cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam đang thiếu 2 chỉ tiêu quan trọng, đó là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, từ đó dẫn đến thiếu tiêu chí sai sót, rủi ro trong thanh toán.

TS. Cấn Văn Lực, đặt vấn đề: “Nhiều người lo nếu không giao dịch ký quỹ thì có rủi ro khi nhà đầu tư không thanh toán?”. Theo ông Lực, khảo sát cho thấy, trường hợp không ký quỹ, tỷ lệ nhà đầu tư trên thế giới không thanh toán chỉ 2%, tương đương mức tổn thất 3 tỷ USD/năm. Do đó, Việt Nam nên cân nhắc vấn đề này.

Để phòng ngừa rủi ro, ông Lực đề xuất, Việt Nam cần dứt khoát nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin giao dịch, tránh xảy ra những lỗi sai sót. Đồng thời, kiểm soát hành vi của nhà đầu tư bằng cách tăng chế tài xử lý, xử phạt 1.000-5.000 USD hoặc tính tiền phạt dựa trên tỷ lệ số tiền.

Ngoài ra, tăng thẩm quyền cho các công ty chứng khoán để thẩm định rủi ro và tự đưa ra quyết định. Công ty Chứng khoán được phép quyết định một nhà đầu tư cần ký quỹ hay không.

“Điều này giống việc ngân hàng thương mại có đồng ý cho vay thế chấp hay không thế chấp. Như vậy, cũng cần có cơ chế xử lý rủi ro, công ty chứng khoán được phép tịch thu tài sản, chứng khoán, thanh lý chứng khoán trong trường hợp họ không thể thanh toán. Và điều này cũng giống việc ngân hàng thanh lý tài sản đảm bảo”, TS. Cấn Văn Lực phân tích thêm. Vì vậy, ông Lực cũng kỳ vọng rằng, Việt Nam sẽ quyết tâm thực hiện để tới kỳ xếp hạng mới chúng ta sẽ được nâng hạng.

Đối với MSCI, TS. Cấn Văn Lực nhận định thị trường chứng khoán còn thiếu 9 tiêu chí gồm: Giới hạn sở hữu nước ngoài; "room" khối ngoại còn lại; quyền bình đẳng đầu tư nước ngoài; mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối; luồng thông tin; thanh toán bù trừ; khả năng chuyển nhượng không qua sàn; cho vay chứng khoán; và bán khống.

Về vấn đề sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, vị chuyên gia cho rằng cần tư vấn, rà soát các lĩnh vực cần và không cần kiểm soát. “Theo tôi, chúng ta cần rà soát Quyết định 155 và một số quyết định khác. Ngoài ra, về tự do dòng chuyển vốn và giao dịch ngoại hối, đây là yếu tố vô cùng quan trọng với thị trường tài chính quốc tế”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

"Chúng ta cần tự do hóa hơn dịch chuyển dòng vốn và giao dịch ngoại hối. Cần nâng tính hấp dẫn của tiền đồng, để tiền đồng tự do chuyển đổi hơn cả trong và ngoài nước. Cuối cùng, mong Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất có đề án “lấp lại" những khoảng trống chúng ta còn thiếu. Đâu đó chúng ta có những kế hoạch nhưng chưa có đề án cụ thể", TS. Cấn Văn Lực nói.

Từ góc nhìn của công ty chứng khoán, ông Vũ Đức Tiến – Tổng giám đốc Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, công ty chứng khoán hoàn toàn có thể kiểm soát việc này. Việc giảm tỷ lệ ký quỹ cho các khách hàng không khác gì hoạt động quản trị rủi ro khi cung cấp các khoản cho vay ký quỹ. Do đó, công ty chứng khoán hoàn toàn có đủ công cụ, cách quản trị rủi ro.

Dù đây được xem là một giải pháp có thể tạm gỡ được nút thắt, ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán cũng chỉ ra những rủi ro có thể có. Trong trường hợp đặt tiền 100% như hiện tại, không bao giờ xảy ra trường hợp sử dụng quỹ hỗ trợ thanh toán. Nếu áp dụng cơ chế mới thì cần tính đến rủi ro đổ vỡ và đạo đức khi các công ty chứng khoán lạm dụng, dẫn tới đổ vỡ thị trường. Cũng theo đại diện cơ quan quản lý, việc áp dụng bỏ ký quỹ giao dịch cũng cần lựa chọn công ty chứng khoán đủ các tiêu chí cũng như cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tính tuân thủ…

Cơ hội nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ rõ hơn trong năm 2024

Theo các chuyên gia của SSI Research, việc nâng hạng sẽ mang lại vị thế mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời ...

Cổ phiếu chứng khoán cùng nhóm VN30 sẽ hưởng lợi lớn khi KRX được triển khai

KBSV kỳ vọng việc triển khai hệ thống KRX mới có thể giúp cho giá trị giao dịch 1 phiên của VN-Index có thể tăng ...

Phó Chủ tịch UBCKNN: Thị trường phải minh bạch, việc nâng hạng chỉ là bước kỹ thuật

Tại Hội thảo "Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết"sáng ngày 10/10, ông Phạm Hồng ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán