TS. Cấn Văn Lực: Lợi nhuận ngân hàng có thể tăng 20-25% năm 2021

(Banker.vn) TS. Cấn Văn Lực dự báo, năm 2021, ngành ngân hàng có thể tăng trưởng lợi nhuận khoảng 20-25%, cao hơn năm 2020 (tăng 15,8%).

Báo cáo phân tích về hoạt động ngân hàng năm 2020 và những dự báo cho năm 2021 của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố đưa ra dự báo tích cực về tăng trưởng lợi nhuận ngành này trong năm nay.

Cụ thể, báo cáo cho rằng, tín hiệu tích cực từ việc kiểm soát được dịch Covid-19, tiến trình sản xuất, cung ứng vaccine tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu sẽ kéo theo sức cầu tiêu dùng và tín dụng, dịch vụ tài chính tăng lên trong năm 2021. Theo đó, tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ tích cực hơn năm năm 2020 và có thể tăng khoảng 12-14%.

Thu dịch vụ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2021 nhờ động lực đến từ bảo hiểm, ngân hàng số và kinh doanh trái phiếu, ngoại tệ. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động cũng sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt hơn nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, cải tiến qui trình và cơ cấu lại màng lưới, tổ chức – bộ máy.

Gánh nặng trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) không quá lớn cũng được cho là yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2021. Theo tính toán sơ bộ của Nhóm chuyên gia, tổng mức DPRR cần trích thêm của toàn hệ thống ngân hàng sẽ vào khoảng 40-45.000 nghìn tỷ đồng.

Dự báo lợi nhuận trước thuế ngành Ngân hàng năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng khả quan, khoảng 20-25% (so với mức tăng 15,8% của năm 2020).

Một số ngân hàng đã công bố lợi nhuận trước thuế quý I/2021, với mức tăng khá cao (MSB tăng 300%, CTG tăng 150%, MBB tăng 100%, ACB tăng 61%, VCB tăng 35%... so với cùng kỳ năm 2020). Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả cho rằng, ngân hàng cần thận trọng với chỉ tiêu này bởi một số nguyên nhân:

Đầu tiên, là lợi nhuận quý I không phản ảnh đầy đủ, chính xác xu hướng cả năm do chưa trích lập đủ DPRR. Dẫn chứng số liệu lịch sử cho thấy, trích lập DPRR của các ngân hàng rất khác nhau theo quý và có xu hướng tăng vào thời điểm cuối năm.

Hai là, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 17/5/2021 nên nhiều ngân hàng chưa trích lập DPRR (30%) theo tinh thần của Thông tư này.

Ba là, lợi nhuận quý I năm nay so với nền lợi nhuận rất thấp của quý I/2020, nên tỷ lệ tăng trưởng cao nhưng số tuyệt đối lớn hơn không nhiều.

Bốn là, nếu diễn biến dịch bệnh phức tạp và nhiều doanh nghiệp còn rất khó khăn (trong quý I/2021, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh là 23.837 doanh nghiệp, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020) khiến nợ xấu (gồm cả nợ nhóm 2) có thể tăng lên. Như vậy, lợi nhuận các quý còn lại sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

PV

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục