Trường phái đầu tư mạo hiểm all in là gì? Có nên tất tay khi đầu tư chứng khoán?

(Banker.vn) Có rất nhiều trường phái đầu tư trên sàn chứng khoán, và các nhà đầu tư vào mỗi trường phái đều có lý do của họ. Có những người theo trường phái đầu tư để hạn chế rủi ro và đa dạng hóa danh mục đầu tư, nhưng cũng có những người chơi theo kiểu "được ăn cả ngã về không".

All in là gì trong chứng khoán?

Khi đầu tư vào thị trường chứng khoán, người ta thường nói: Để hạn chế rủi ro, hãy chia nhỏ danh mục đầu tư. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều nhà đầu tư lại chọn chiến lược all in trong chứng khoán.

All in (hay còn gọi là tất tay) là một chiến lược đầu tư tập trung cao độ. Khi đó, nhà đầu tư chỉ mua duy nhất một loại cổ phiếu hoặc chứng khoán tại một thời điểm. Triết lý này được giải thích ở khía cạnh đầu tư: “Bạn càng tạo ra nhiều lựa chọn, bạn càng có nhiều khả năng mắc sai lầm”. Các nhà đầu tư theo trường phái này sẽ “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Và tất nhiên, họ sẽ theo dõi cẩn thận “giỏ trứng” này.

Trường phái đầu tư mạo hiểm all in là gì? Có nên tất tay khi đầu tư chứng khoán?
Hình minh họa

Ưu điểm và rủi ro khi all in chứng khoán

Ưu điểm

Nếu đầu tư đúng mã cổ phiếu vào đúng thời điểm, chiến lược all in có thể giúp nhà đầu tư thắng lớn. Do toàn bộ nguồn lực và tiền vốn được dồn vào một chỗ, nhà đầu tư có thể thu về mức lợi nhuận khổng lồ tương ứng với những gì đã bỏ ra nếu cổ phiếu đó tăng giá mạnh.

Rủi ro

Ngược lại, nếu thiếu năng lực lựa chọn cổ phiếu đúng thời điểm, nhà đầu tư sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng thua lỗ, hoặc thậm chí mất trắng. Hiểu một cách đơn giản, rủi ro khi all in cũng tương tự với việc bạn đặt cược tất cả số tiền mình có vào một ván cờ. Do vậy, họ chỉ có thể thắng hoặc thua, chứ không thể “ở giữa” như những chiến lược đầu tư khác.

Có nên all in trong chứng khoán không?

Trên thực tế, chiến lược đầu tư nào cũng tiềm ẩn rủi ro, nhưng có thể chia nhỏ danh mục đầu tư sẽ giúp hạn chế rủi ro tốt hơn so với việc bỏ toàn bộ số tiền mình có để all in chứng khoán. Lúc đó, nhà đầu tư sẽ "được ăn cả ngã về không".

Thị trường chứng khoán luôn tồn tại những kỳ vọng đối ngược nhau nhau giữa các nhà đầu tư. Có người cho rằng thị trường luôn đúng, kẻ khác sẽ nghĩ thị trường lúc nào cũng sai. Nếu rủi ro thì làm thế nào, điều quan trọng là việc luôn chuẩn bị sẵn phương án cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Do vậy, những nhà đầu tư theo trường phái all in thường là những người rất giàu kinh nghiệm, chinh chiến trên thị trường chứng khoán nhiều năm, họ có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, cái nhìn ngắn hạn và dài hạn để nhìn nhận ra mã chứng khoán tiềm năng (đó là năng lực lựa chọn cổ phiếu) để có thể all in. Ngoài ra, tâm lý kiên định, ưa thích mạo hiểm, không sợ rủi ro cũng là yếu tố hết sức quan trọng. Tuy nhiên, chẳng ai khẳng định họ sẽ luôn chiến thắng.

Ví dụ: Vào năm 2016 và 2017, tại Việt Nam có 1 Quỹ đầu tư mới thành lập được 2 năm nhưng cực kỳ trung thành với chiến lược all in, họ chỉ đầu tư vào cổ phiếu MWG trong năm 2016 và PNJ năm 2017, kết quả là lợi nhuận quỹ 2 năm đó cực kỳ tốt và tạo ra sự uy tín đối với khách hàng. Tuy nhiên, đến năm 2018, khi họ all in vào VPB đã khiến quỹ bị thua ngược dù đã có thời điểm báo cáo lợi nhuận đạt hơn 40% từ đầu năm.

Rõ ràng kể cả đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không phải all in lúc nào cũng chính xác.

Minh Đức

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục