Trường hợp trốn đóng bảo hiểm xã hội nào bị đề xuất hoãn xuất cảnh?

(Banker.vn) Tại Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất hoãn xuất cảnh đối với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng.
Nhóm đối tượng nào được đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội? Đề xuất mở rộng đối tượng tham gia, xử lý nghiêm trục lợi bảo hiểm xã hội Chính phủ đề nghị kịp thời xử lý các hành vi vi phạm bảo hiểm xã hội

Cụ thể, tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung quy định người sử dụng lao động nếu sau thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất mà không đóng, thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền trốn đóng và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (tương tự như tiền chậm nộp thuế).

Đồng thời, Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên, hoãn xuất cảnh đối với với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên.

Trường hợp trốn đóng bảo hiểm xã hội nào bị đề xuất hoãn xuất cảnh?

Sau khi thực hiện các quy định trên mà người sử dụng lao động vẫn trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì tổ chức Công đoàn, cơ quan Bảo hiểm xã hội khởi kiện ra Toà án. Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan Bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.

Giai đoạn 2016 - 2020, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội của các cơ quan, đơn vị bình quân là khoảng trên 10.000 tỷ đồng. Xét theo thời gian chậm đóng bảo hiểm xã hội của các cơ quan, đơn vị thì số chậm đóng kéo dài trên 3 năm hiện chiếm tỷ trọng cao, bình quân giai đoạn 2016 -2020 khoảng trên 30%. Đặc biệt, trong tổng số chậm đóng bảo hiểm xã hội thì số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội khó có khả năng thu hồi có xu hướng tăng nhanh, từ hơn 1.500 tỷ đồng năm 2016 (chiếm 16,3%) tăng lên đến khoảng 2.600 tỷ đồng năm 2020 (chiếm 22%).

Tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội tăng do công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa được thường xuyên; việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội trong đó có hành vi chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội ở nhiều nơi còn chưa nghiêm; ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, nhất là khu vực ngoài nhà nước; nhiều doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, ngừng hoạt động, phá sản, chủ sở hữu là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm 9 chương và 133 điều (luật hiện hành gồm 9 chương và 125 điều) trên cơ sở kế thừa kết cấu của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, nhưng có bổ sung một số chính sách mới. Nổi bật là hai nhóm chính sách hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ, tăng thêm quyền lợi cho người tham gia.

Chính sách thứ nhất là xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt thông qua việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội và quy định liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng bảo hiểm xã hội bắt buộc và tầng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Chính sách thứ hai là mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Trong đó, bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. Bảo hiểm xã hội tự nguyện được đề xuất bổ sung một số chế độ thai sản với mức 2 triệu đồng/lần sinh con…

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương