Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại: Động lực từ hợp tác quốc tế và chuyển đổi số

(Banker.vn) Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đào tạo, hợp tác với các tổ chức quốc tế đã mang lại thương hiệu, vị thế cho Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại.
Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại: Hướng đến chuẩn mực ngang tầm khu vực Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại tổ chức hội thao chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Hợp tác quốc tế trong đào tạo

Theo PGS, TS. Nguyễn Đức Minh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh và đào tạo được nhà trường ứng dụng từ khá sớm. Nhờ đó, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, công tác tuyển sinh và dạy học vẫn được duy trì và đạt kết quả khả quan. Nhà trường đã đầu tư xây dựng website mô phỏng www.coferline.online để ứng dụng giảng dạy và thực hành các nghiệp vụ chuyên ngành xuất nhập khẩu và logistics như booking tàu, làm thủ tục khai báo hải quan, quản trị kho hàng... Website đã được Chương trình Australia cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skill) đánh giá cao.

Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại: Động lực từ hợp tác quốc tế và chuyển đổi số
Hợp tác đào tạo giữa Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại với Trường UPC của Australia. Ảnh: Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại

Sau khi tốt nghiệp bậc cao đẳng, sinh viên sẽ được nhận thêm Chứng chỉ FIATA của Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế.

PGS, TS. Nguyễn Đức Minh chia sẻ, chương trình đào tạo tiên tiến, được cập nhật liên tục theo sự phát triển của khoa học và công nghệ, theo yêu cầu, đòi hỏi của doanh nghiệp và xã hội, đặc biệt là quá trình hợp tác chuyển giao chương trình môn học từ các trường và đối tác uy tín nước ngoài; có sự kết hợp với các chứng chỉ hành nghề quốc tế được nhà trường chú trọng thực hiện. Đơn cử như chương trình Aus4Skill đã khẳng định hướng đi đúng đắn của nhà trường trong xu thế hội nhập quốc tế và chuyển đổi số mạnh mẽ

Hay như chương trình hợp tác với Trường UPC (University Preparation College) của Australia, sinh viên khối ngành Quản trị kinh doanh như: Quản trị kinh doanh, Thương mại điện tử, Marketing thương mại của nhà trường được thực hành trên website công ty giả lập để thực hành nghiệp vụ quản trị doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch, quản trị tài chính...

Ngoài ra, sinh viên nhà trường cũng được học và nhận Chứng chỉ marketing trực tuyến (Digital Marketing) của Học viện Công nghệ thông tin Ấn Độ NIIT cũng như được nhận bảng điểm 6 môn học (trong số 12 môn học của chương trình cao đẳng Leadership and Management) của trường UPC, được công nhận trong hệ thống giáo dục của Australia và được liên thông lên các trường đại học quốc tế.

Đối với ngành tiếng Anh thương mại, sinh viên sẽ được cấp chứng chỉ của chương trình đào tạo chuyên sâu tiếng Anh cho sinh viên quốc tế ELICOS - cấp độ Pre-Intermediate.

Bên cạnh đó, sinh viên ngành Kế toán doanh nghiệp cũng có cơ hội nhận được Chứng chỉ Diploma của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc ACCA (gồm 3 module đầu tiên (F1, F2, F3) của chứng chỉ ACCA.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và hội nhập, nhà trường xác định tiếp tục phát huy tối đa sức mạnh của công nghệ thông tin, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận nhanh và hiệu quả trong việc cung cấp thông tin đến phụ huynh và học sinh. Đồng thời, đa dạng các hoạt động tuyển sinh cũng như thay đổi cách tiếp cận, theo hướng tiếp cận “cá nhân hóa” dựa trên thông tin thu thập được trong quá trình tiếp cận trực tiếp với học sinh tại các Trường THPT.

“Để đạt được các mục tiêu đó, chúng tôi xác định thời gian tới tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển giao chương trình đào tạo, đáp ứng các chuẩn nghề trong khu vực và thế giới. Tăng cường hợp tác trao đổi giảng viên, đặc biệt là giảng viên giảng dạy các môn học chuyên ngành, đào tạo sinh viên đáp ứng được yêu cầu công việc tại các doanh nghiệp...”- PGS.TS Nguyễn Đức Minh cho hay.

Nhằm giúp sinh viên nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, ra trường có thể đáp ứng ngay yêu cầu của công việc, thị trường lao động, do vậy trong quá trình đào tạo, tất cả sinh viên của nhà trường đều phải đi thực tập tại doanh nghiệp tối thiểu từ 2,5-3 tháng; tất các môn học chuyên ngành đều bố trí thời gian tương ứng để sinh viên đi thực tế doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên và liên tục tổ chức các mô hình hoạt động của doanh nghiệp tại trường, để sinh viên tham gia với tư cách là nhân viên đảm nhận các vị trí việc làm, thực hiện các yêu cầu công việc dưới sự giám sát và theo dõi của giảng viên.

“Thành công nhất phải kể đến, mô hình doanh nghiệp thực tế ảo cho sinh viên học tập và trải nghiệm” - PGS.TS Nguyễn Đức Minh cho biết thêm.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương