Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thăm, làm việc tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh

(Banker.vn) Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa thăm và làm việc với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: Báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò tuyên truyền, lan tỏa hơn nữa cái hay, cái đẹp

Chiều ngày 11/5, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ chính trị ngày 16/3/2004 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thăm, làm việc tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh
Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Đội ngũ trí thức đóng góp lớn cho sự phát triển của khu công nghệ cao

Tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã báo cáo về thực tiễn phát triển khu công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, các giải pháp thu hút và trọng dụng đội ngũ tri thức, chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại đây.

PGS.TS Nguyễn Anh Thi – thông tin: Hơn 20 năm hình thành và phát triển, Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ 7 phân khu chức năng theo quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển khu công nghệ cao. Tổng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao đến cuối tháng 4/2023 đã giải ngân gần 11.000 tỷ đồng. Tổng lao động trong các dự án khu công nghệ cao, tính đến cuối năm 2022 là 51.910 người, trong đó có 51.340 lao động trong nước và 570 lao động nước ngoài.

Đặc biệt, Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã thu hút được 160 dự án, gồm: 70 dự án sản xuất công nghệ cao, 19 dự án dịch vụ công nghệ cao,19 dự án nghiên cứu triển khai (R&D), 9 dự án đào tạo, ươm tạo, 23 dự án công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; 9 dự án thương mại, dịch vụ; 11 dự án phát triển hạ tầng. Trong đó, Khu công nghệ cao thu hút 51 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có các tập đoàn công nghệ cao nổi tiếng thế giới như: Intel, Jabil (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Italia)…

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thăm, làm việc tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh
PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, báo cáo với Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh tăng dần hằng năm. Theo đó, năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD (chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu TP. Hồ Chí Minh), năm 2022 kim ngạch xuất khẩu đạt 23 tỷ USD và dự kiến năm 2023 đạt 26 tỷ USD.

Liên quan đến vấn đề thu hút đội ngũ tri thức, chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Anh Thi - cho biết: Khu công nghệ cao đã hợp tác với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, cùng các Viện trường triển khai các hoạt động nghiên cứ và phát triển, đào tạo, ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, đạt được một số kết quả bước đầu.

Cụ thể, Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp, đào tạo và tái đào tạo, một số hợp tác đề tài khoa học công nghệ cấp Quốc gia và Thành phố. Qua đó hình thành và phát triển năng lực nội sinh về công nghệ cao cho Thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, có nhiều bằng sáng chế đã được các doanh nghiệp, cá nhân trong Khu công nghệ cao đăng ký với số lượng khá lớn, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về hoạt động nghiên cứu phát triển R&D gắn với sản xuất công nghệ cao theo quy định các dự án đầu tư sản xuất vào Khu công nghệ cao Thành phố…

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi, đến nay, số lượng chuyên gia khoa học và công nghệ người nước ngoài và chuyên gia Việt kiều làm việc trong các doanh nghiệp Khu công nghệ cao khoảng hơn 570 và hơn 20 chuyên gia Việt kiều đã trở về làm việc theo cơ chế cộng tác viên tại 3 đơn vị sự nghiệp khoa học Khu công nghệ cao và 5 chuyên gia theo cơ chế chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực Thành phố có nhu cầu.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thăm, làm việc tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh
Chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp hiến kế thu hút trí thức, chuyên gia người Việt Nam góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với Đoàn công tác

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi, các hoạt động của chuyên gia nước ngoài và Việt kiều đã mang lại một số kết quả, kết nối quan trọng trong thúc đẩy các hoạt động khoa học và công nghệ cũng như trong công tác xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế, kết nối trong mối quan hệ giữa các các tổ chức quốc tế với Ban Quản lý, doanh nghiệp và viện trường.

Trong thời gian qua, đội ngũ trí thức đang làm việc tại Khu công nghệ cao đã phát huy tốt vai trò, kinh nghiệm của mình và có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển của các đơn vị trong Khu công nghệ cao, giúp Khu công nghệ cao có những kết quả nhất định, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu, làm chủ công nghệ ở một số lĩnh vực với các sản phẩm công nghệ cao đang được thương mại và giúp mở rộng quan hệ quốc tế. Đặc biệt, các trí thức trẻ được đào tạo ở nước ngoài đã mang lại không khí chuyên nghiệp trong hoạt động nghiên cứu triển khai, từ đó kích thích các đội ngũ trí thức trẻ tiếp thu và học tập được phong cách làm việc chuyên nghiệp.

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương cũng lắng nghe nhiều hiến kế các chuyên gia, nhà khoa học về việc thu hút trí thức, chuyên gia người Việt Nam góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cần tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực nền tảng có tác động lan tỏa cao

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, đánh giá cao hoạt động của Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, đã chứng tỏ sự đúng đắn của TP. Hồ Chí Minh trong cách tiếp cận và chọn phương thức tiến hành triển khai dự án, từ đó đã hình thành một Trung tâm công nghệ quốc gia quốc gia - nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thăm, làm việc tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh
Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương thăm và làm việc với với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chính Minh

Khu công nghệ cao đã góp phần quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố qua các nhiệm kỳ - chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng công nghiệp công nghệ cao. TP. Hồ Chí Minh đã tiên phong chứng tỏ chủ trương đúng đắn của Trung ương và Thành phố về giải pháp phát triển công nghệ cao trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Khu công nghệ cao đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng thể chế về hoạt động công nghệ cao và được đánh giá là khu công nghệ cao thành công nhất trong các Khu công nghệ cao quốc gia.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý: Trọng tâm của Khu công nghệ cao trong giai đoạn tới là phát triển năng lực nội sinh, tập trung vào phát triển các ngành, lĩnh vực có tính nền tảng, có tác động lan tỏa cao ở tầm quốc gia, gắn với các hệ sinh thái ngành mạnh đã hình thành tại Khu công nghệ cao và tận dụng triệt để các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên cơ sở khai thác các thế mạnh về nguồn nhân lực trình độ cao, tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thăm, làm việc tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng đại biểu tham quan Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế

Bên cạnh đó, Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục tạo điều kiện phát triển chất lượng nhân lực từ nguồn nhân lực có sẵn, khuyến khích học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Tăng cường hợp tác nghiên cứu và đào tạo với các viện, trường thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh để đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao theo yêu cầu của các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao. Đồng thời đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm tại các doanh nghiệp Việt Nam đang làm việc tại Khu công nghệ cao. Cũng như xác lập và triển khai các dự án chuyển giao công nghệ giữa trường đại học với các doanh nghiệp.

Cùng với đó, “Thúc đẩy hợp tác quốc tế và tài trợ quốc tế cho những dự án liên kết dài hạn, có triển vọng về đào tạo và chuyển giao công nghệ. Tiếp tục thuê chuyên gia nước ngoài đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ trí thức hiện hữu, hoặc cử đi nước ngoài đào tạo nhằm giúp nguồn nhân lực tại chỗ có thể tiếp cận nhanh công nghệ mới và các công nghệ tích hợp… làm sao để đạt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành một Khu công nghệ cao trưởng thành đạt trình độ thế giới, hoạt động theo mô hình của khu công viên khoa học và công nghệ, trong đó việc mở rộng, bổ sung chức năng Khu công viên Khoa học và Công nghệ có quy mô 197ha là nhiệm vụ mang quan trọng, chiến lược” - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu.

Sau buổi làm việc, đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương đã tham quan, tìm hiểu Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế (International Electronics Training Center - IETC) theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, nơi đào tạo nhân lực trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm điện tử (Product Design), phát triển các sản phẩm, vận hành các nhà máy điện tử có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Minh Khuê

Theo: Báo Công Thương