Trưởng Ban Pháp chế VCCI chỉ rõ 6 rào cản của doanh nghiệp Việt Nam

(Banker.vn) Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, Trưởng Ban Pháp chế VCCI đã đề cập đến 6 rào cản, khó khăn tiêu biểu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
"Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn" Bộ Ngoại giao sẽ có hoạt động gì hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Hoa Kỳ? Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu: Bộ Công Thương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Trong phần trình bày tham luận tại Chuyên đề 1 của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 ngày 19/9, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề cập đến 6 rào cản, khó khăn tiêu biểu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Trưởng Ban Pháp chế VCCI chỉ ra 6 rào cản của doanh nghiệp Việt Nam
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Rào cản thứ nhất, ông Tuấn chỉ ra là chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế. “Chất lượng hạ tầng là thách thức lớn và lâu dài mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải” - ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, loạt báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của VCCI nhiều năm, khi phân tích trải nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh Việt Nam đã cho thấy cơ sở hạ tầng chưa phải là một lợi thế so sánh của Việt Nam trong so sánh với các quốc gia cạnh tranh khá, dù ghi nhận những cải thiện đáng kể trong các năm gần đây.

“Việt Nam đứng thứ 77 về chất lượng hạ tầng tổng thể, 103 về đường bộ, 83 về cảng, 103 về vận tải hàng không và 87 về cung ứng điện. Các kết quả này nhìn chung kém cạnh tranh hơn khi nhà đầu tư đặt lên bàn cân so sánh với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia hay Thái Lan” - ông Đậu Anh Tuấn dẫn thực tế.

Rào cản thứ 2 là việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản (tín dụng, lao động, đất đai) chưa thực sự thuận lợi.

Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2022 của VCCI, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận vốn. Cụ thể, trong năm 2022 tiếp cận vốn đã trở thành vấn đề lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp phản ánh, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.

Rào cản thứ 3 là chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Ông Tuấn cho biết, các doanh nghiệp phản ánh chi phí kinh doanh tại Việt Nam hiện nay vẫn còn cao, nằm ở 4 nhóm chính: các chi phí có liên quan đến lao động; chi phí tài chính cho Nhà nước ngoài thuế; chi phí vốn; chi phí vận tải, logistics.

Rào cản thứ 4 là chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật cần tiếp tục được cải thiện. Khảo sát doanh nghiệp hàng năm PCI cho thấy, tính ổn định và khả năng dự đoán được pháp luật của Việt Nam tương đối thấp, trong cả giai đoạn ban hành pháp luật và thực thi pháp luật.

Tỉ lệ doanh nghiệp “luôn luôn” hoặc “thường xuyên” dự đoán được sự thay đổi quy định pháp luật của chính quyền cấp tỉnh giảm từ mức 16% năm 2014 xuống mức 5% năm 2021 và 3,42% năm 2022. Doanh nghiệp càng nhỏ, khả năng dự đoán sự thay đổi pháp luật càng thấp.

“Thời gian qua nổi lên vấn đề lạm dụng ban hành thông tư, ban hành quy chuẩn kỹ thuật. Các doanh nghiệp phản ánh tình trạng chất lượng các quy chuẩn kỹ thuật tương đối thấp” - ông Tuấn nêu.

Rào cản thứ 5 được đại diện VCCI chỉ ra là các doanh nghiệp sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả. Việt Nam hiện xếp hạng 105/137 về số lượng nhà cung ứng nội địa và 116/137 về chất lượng nhà cung ứng nội địa, kém hơn so với các nước trong khu vực như: Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines.

So với khu vực FDI, ông Tuấn đánh giá doanh nghiệp trong nước chưa làm chủ tương đối được các chuỗi sản xuất độc lập, phần nào ảnh hưởng đến việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Rào cản cuối cùng được chỉ ra là doanh nghiệp tư nhân trong nước còn gặp bất lợi so với doanh nghiệp xuyên biên giới.

Do sự phát triển của Internet, Việt Nam đã bắt đầu xây dựng rất nhiều quy định quản lý các dịch vụ trên mạng như quy định quản lý mạng xã hội, game online, phim, trang thông tin điện tử, thương mại điện tử… Đây là các quy định cần thiết để chống tin giả, thông tin xấu độc, khiêu dâm, bạo lực trên internet.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, khi thực thi các quy định này thì thường các cơ quan Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ triệt để, trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới lại không đáp ứng các quy định này.

“Điều đó gây bất bình đẳng trong kinh doanh, khiến các doanh nghiệp trong nước bị đội chi phí, kéo dài thời gian, công sức khi thực hiện các hoạt động kinh doanh. Thậm chí còn gây hiện tượng nhiều người ra nước ngoài mở doanh nghiệp, hoặc các doanh nghiệp trong nước lập công ty con ở nước ngoài, rồi cung cấp dịch vụ ngược về Việt Nam nhằm né các quy định trong nước” - Phó Tổng Thư ký VCCI cho hay.

Đưa ra giải pháp, ông Tuấn cho rằng trong ngắn hạn cần đưa ra quy định theo hướng nới lỏng nghĩa vụ cho các doanh nghiệp Việt Nam như loại trừ các doanh nghiệp trong nước khi phải áp dụng các quy định mới, hoặc áp dụng cơ chế quản lý rủi ro, miễn trừ nghĩa vụ cho các doanh nghiệp đã tuân thủ tốt.

Về dài hạn thì cần nghiên cứu quy định về xử phạt doanh nghiệp tại nước ngoài, hiệu lực ngoài lãnh thổ của pháp luật hành chính.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương