Trước đà hồi phục của TTCK, hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp BĐS bị bán giải chấp cổ phiếu

(Banker.vn) Những cổ phiếu bất động sản từng tăng trưởng mạnh nhất thị trường rơi vào tình trạng giảm sàn liên tục, dẫn đến một hệ quả là giải chấp cổ phiếu. Do đó, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bất động sản, những người đang dùng cổ phiếu của công ty mình để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại Công ty chứng khoán đã bị bán giải chấp khi giá giảm quá sâu.

Chỉ số VN-Index chứng kiến phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp khi khép lại phiên giao dịch cuối tháng 11/2022 với nhịp tăng 16,26 điểm, tương ứng 1,58% và đóng cửa ở mốc 1.048,42 điểm. Độ rộng thị trường tiếp tục nghiêng về bên mua khi số mã tăng lên tới 350 cổ phiếu, bao gồm 36 mã tăng trần, gấp hơn 3,3 lần số mã giảm.

Đà tăng trở lại của chứng khoán gần đây được hỗ trợ một phần bởi nhóm cổ phiếu bất động sản, khi nhiều mã tăng hơn 100% chỉ trong chưa tới một tháng. Chỉ nửa tháng trước, thị trường chứng khoán Việt Nam chìm trong những phiên giao dịch lao dốc, những vụ việc trên thị trường trái phiếu, vấn đề room tín dụng và lo ngại sức cầu yếu của thị trường khiến tâm lý nhà đầu tư chuyển hướng tiêu cực.

Hình minh họa
Hình minh họa

Những cổ phiếu bất động sản từng tăng trưởng mạnh nhất thị trường rơi vào tình trạng giảm sàn liên tục, dẫn đến một hệ quả là giải chấp cổ phiếu. Do đó, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bất động sản, những người đang dùng cổ phiếu của công ty mình để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại Công ty chứng khoán đã bị bán giải chấp khi giá giảm quá sâu.

Thống kê từ đầu tháng 10 tới cuối tháng 11, “Sếp lớn” của 7 doanh nghiệp bất động sản như: Tổng Công ty CP Đầu tư phát triển Xây dựng (HOSE: DIG), Công ty CP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco, HOSE: HDC), CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (HOSE: BCG), Tập đoàn Khải Hoàn Land (KHG), Công ty CP Đầu tư LDG (HOSE: LDG), CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HOSE: NVL) và Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) đã bị bán giải chấp hơn 127 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 1.800 tỷ đồng.

Cụ thể, tại DIG, tổng cộng gia đình và cổ đông lớn bị giải chấp 34 triệu cổ phiếu tương đương 5,6% vốn cổ phần. Chủ tịch HĐQT DIG là ông Nguyễn Thiện Tuấn bị giải chấp 3 đợt với tổng cộng 14,7 triệu cổ phiếu từ 27/10 – 16/11. Tính theo mức giá tương ứng trong các giai đoạn này, ông Tuấn đã phải bán đi lượng cổ phiếu tương đương hơn 200 tỷ đồng.

Cùng lúc, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền và ông Nguyễn Hùng Cường là con gái và con trai của ông Tuấn bị giải chấp hơn 9,3 triệu cổ phiếu tương đương 110 tỷ đồng. Cổ đông lớn Công ty CP Đầu tư phát triển Thiên Tân cũng đã bị giải chấp hơn 10 triệu cổ phiếu DIG tương đương 156 tỷ đồng.

Trong phiên 16/11, cổ phiếu DIG cũng như thị trường chứng khoán bật tăng trở lại thì các công ty chứng khoán đã mạnh tay giải chấp cổ phiếu của gia đình ông Tuấn. Thực tế, một phần cổ phiếu bị giải chấp của ông Nguyễn Thiện Tuấn và Thiên Tân được bán vào cuối tháng 10 với mức giá 19.000 – 19.800 đồng/cp vẫn cao hơn thị giá hiện tại của DIG. Đóng cửa phiên 30/11, DIG tăng trần lên 15.800 đồng/cp, phục hồi gần 60% so với đáy.

Tại Novaland, cổ phiếu NVL vừa có chuỗi giảm sàn 17 phiên liên tục. Mới đây, Novaland vừa có báo cáo về việc thay đổi tỷ lệ sở hữu của bà Cao Thị Ngọc Sương, vợ ông Bùi Thành Nhơn và Công ty CP NovaGroup, cổ đông lớn tại Novaland. Theo công bố thông tin mới đây, CTCK đã bán giải chấp 12,722 triệu cổ phiếu NVL do NovaGroup nắm giữ, qua đó làm giảm sở hữu của NovaGroup từ 721,83 triệu cổ phiếu giảm về 710,93 triệu cổ phiếu NVL, tương ứng tỷ lệ sở hữu 36,461% vốn Novaland. Ngày thực hiện giao dịch là 22/11/2022.

Đồng thời, Novaland công bố thông tin bà Cao Thị Ngọc Sương, vợ ông Bùi Thàn Nhơn – Chủ tịch NovaGroup, bị CTCK bán giải chấp 29 triệu cổ phiếu NVL, tương đương 1/3 số cổ phần bà Sương sở hữu tại Novaland. Thời gian thực hiện bán diễn ra từ ngày 23 đến ngày 28/11.

Song song, ông Bùi Cao Nhật Quân, con trai bà Sương và ông Nhơn, cũng thông báo đã bán 5 triệu cổ phiếu NVL để giảm tỷ lệ sở hữu còn 4,12% (tương đương 78,2 triệu cổ phiếu).

Tại bất động sản Phát Đạt, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Đạt liên tục bị các công ty chứng khoán đưa ra thông báo giải chấp. Từ 22/11 – 29/11, ông Đạt đã bị bán 38,8 triệu cổ phiếu PDR tương đương hơn 500 tỷ đồng. Sau khi bán, ông Đạt còn nắm 43,68% vốn cổ phần của công ty, vẫn là cổ đông lớn nhất. Cùng trong phiên thăng hoa 29/11, Phát Đạt Holdings cũng bị bán 6 triệu cổ phiếu PDR tương đương 77 tỷ đồng, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 10%.

Tại Tập đoàn Khải Hoàn Land, bà Trần Thị Thu Hương – vợ của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khải Hoàn đã bị CTCK bán giải chấp 3,5 triệu cổ phiếu KHG, thời gian thực hiện ngày 21/11. Bà Hương giải thích rằng CTCK cắt tỷ lệ margin đột ngột và không hề thông báo cho bà theo quy định của hợp đồng vay cá nhân. Theo giải trình, CTCK tự ý bán cổ phiếu ngay mà không thông báo cho bà về thời gian bán, cũng như không cho bà thời gian bổ sung tài sản đảm bảo.

Sau khi bà Hương nhận được tin nhắn báo tài khoản đang bị bán đã liên hệ ngay với công ty chứng khoán và chủ động nộp tiền bổ sung để ngưng việc bán giải chấp trong ngày.

Mới đây, theo thông tin từ Sở Giao dịch TP Hồ Chí Minh (HOSE) ông Nguyễn Khải Hoàn, đã hoàn tất mua vào 5 triệu cổ phiếu KHG để tăng sở hữu cá nhân theo đúng như khối lượng đã đăng ký trước đó.

Ông Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch Bamboo Capital bị giải chấp 4,6 triệu cổ phiếu BCG vào ngày 16/11. Ngay sau đó, ông Nam đăng ký mua lại 5 triệu cổ phiếu để đảm bảo tỷ lệ sở hữu 15,64%. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 21/11 – 20/12/2022.

Ông Đoàn Hữu Thuận – Chủ tịch HĐQT Hodeco cũng mua lại 300.000 cổ phiếu HDC sau khi bị giải chấp 200.000 cổ phiếu vào ngày 16/11. Bên cạnh đó, TGĐ Lê Viết Liên, TV.HĐQT Nguyễn Tuấn Anh cùng công ty có liên quan là Thiên Anh Minh. Tổng cộng theo thông báo chính thức, các lãnh đạo của HDC bị giải chấp gần 1,3 triệu cổ phiếu tương đương 39 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Đầu tư LDG, ông Nguyễn Khánh Hưng liên tục bị giải chấp trong thời gian từ 28/10 – 15/11 với tổng khối lượng gần 10 triệu cổ phiếu tương đương 41 tỷ đồng. Sau các giao dịch, ông Hưng còn nắm 17,3 triệu cổ phiếu LDG tương đương 7,23% vốn cổ phần.

Ngoài ra, 2,5 triệu cổ phiếu HPX của Công ty CP Đầu tư Hải Phát thuộc sở hữu của ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT cũng dự kiến bị Mirae Asset bán giải chấp từ ngày 21/11 nhưng giao dịch chưa được thông báo.

Rủi ro, khó khăn ngành bất động sản vẫn còn kéo dài trong 1-2 năm tới

Những tín hiệu tích cực của nhóm cổ phiếu bất động sản xuất hiện sau khi Chính phủ đã có những động thái tìm giải pháp ổn định các thị trường. Cụ thể, Chính phủ đã thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai các dự án BĐS, xem xét nới “room” tín dụng phù hợp, xem xét sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp nếu cần thiết.

Bên cạnh đó, áp lực bán giải chấp của nhiều cổ phiếu bất động sản không còn lớn. Trong khi đó, nỗ lực của các doanh nghiệp, đặc biệt nhóm BĐS cũng giúp tình hình bớt xấu. Nhiều doanh nghiệp BĐS đã tìm được đối tác chuyển nhượng các dự án BĐS để giải quyết câu chuyện thanh khoản. Đồng thời, các doanh nghiệp đã giải quyết được đáng kể vấn đề trái phiếu doanh nghiệp. Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm cho tới giữa tháng 11, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn 152 nghìn tỷ đồng giá trị trái phiếu.

Mặt khác, thị giá cổ phiếu nhóm này đã giảm rất sâu, nhiều mã đã giảm về dưới thị giá, kích hoạt dòng tiền “bắt đáy” từ nhiều nhà đầu tư. Chưa kể, khi cổ phiếu thoát sàn cũng đồng thời kích hoạt mạnh hơn nữa dòng tiền của nhà đầu tư. Bởi họ cho rằng, đây có thể là cơ hội “vợt” hàng giá rẻ vì hiệu ứng bán giải chấp mà cổ phiếu đã rớt về dưới giá trị thực của doanh nghiệp. Ngay cả nhiều lãnh đạo của các công ty BĐS cũng đã xuống tiền mua vào cổ phiếu công ty khi đã được chiết khấu rất sâu.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Nhà sáng lập FinPeace cũng từng dự đoán, khi những cổ phiếu giảm sàn liên tiếp được “giải cứu” và được vớt hết giá sàn, nhiều người sẽ có tâm lý FOMO lao vào bắt đáy. Bởi họ nghĩ giá cổ phiếu có thể bật tăng trở lại sau thời gian chiết khấu mạnh. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng trường hợp này “cửa thua” vẫn là 50/50, bởi cổ phiếu ngừng rơi không có nghĩa là có thể bật tăng trở lại.

Đồng quan điểm trên, nhưng ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam vẫn nhấn mạnh việc bắt đáy còn phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi người. Đối với những nhà đầu tư lướt sóng thì có thể mạo hiểm, song chỉ xem như là “đánh bạc” vì rủi ro vẫn rất cao. Riêng với những nhà đầu tư dài hạn thì không nên vội vàng bắt đáy, vì khi những yếu tố rủi ro chưa được giải quyết triệt để thì giá cổ phiếu vẫn có thể rẻ hơn nữa.

Trước đà hồi phục của TTCK, hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp BĐS bị bán giải chấp cổ phiếu
ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Về bối cảnh chung toàn ngành bất động sản, chuyên gia cho rằng vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn về thanh khoản khi các kênh dẫn vốn đều bị siết chặt. Mặc dù, hiện ngành bất động sản vẫn đang chờ đợi một số giải pháp hỗ trợ thanh khoản của Chính phủ. Tuy vậy, dòng tiền có được chảy vào ngành bất động sản không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

Bán giải chấp cổ phiếu (Force-sell) là việc công ty chứng khoán bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư để hạ tỉ lệ nợ về mức an toàn theo quy định của từng công ty. Đây là đối tượng nhà đầu tư mua chứng khoán có sử dụng tiền vay của công ty chứng khoán, cổ phiếu có được từ giao dịch này được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay, còn gọi là giao dịch ký quỹ (vay margin).
"Trọng trách" trên vai cổ phiếu vốn hóa lớn

Sự trở lại đầy mạnh mẽ của các cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn đã góp phần không nhỏ cho điểm số của VN-Index. Đồng ...

Khối ngoại lập kỷ lục mua ròng gần 17.000 tỷ đồng trong tháng 11, tập trung VHM và STB

Sự phục hồi của thị trường có đóng góp không nhỏ từ khối ngoại khi họ có tháng mua ròng mạnh nhất trong nhiều năm ...

Khó giữ đà tăng trưởng mạnh, VCBS dự phóng lợi nhuận năm 2023 của Viglacera giảm đến 17% còn 1.650 tỷ đồng

VCBS dự báo, mảng bất động sản khu công nghiệp của Viglacera không thể tránh khỏi áp lực tăng trưởng lớn, bởi lẽ các dự ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán