Trúng thầu 1.300 tỷ đồng sau 2 tháng đầu năm, FECON kỳ vọng "xóa nhòa" khoản lỗ

(Banker.vn) Trong 10 năm kinh doanh của FECON, duy nhất năm 2023 doanh nghiệp này thua lỗ, ghi nhận con số âm 43 tỷ đồng.

Theo đại diện Công ty CP FECON (HOSE: FCN) cho biết, 2 tháng đầu năm 2024, Công ty đã trúng thêm nhiều gói thầu mới trong các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, xây dựng dân dụng và xây dựng công trình công nghiệp với tổng giá trị sau thuế hơn 1.300 tỷ đồng.

Chi tiết, ngày 27/1, FECON ký kết hợp đồng trị giá 781 tỷ đồng cho gói thầu “Thiết kế và thi công đường bãi, kết cấu hạ tầng” thuộc Dự án Bến cảng số 5, 6 khu bến cảng Lạch Huyện với chủ đầu tư HATECO. Sau Gói thầu Cọc đất gia cố xi măng - CDM trị giá 383,1 tỷ đồng, đây là gói thầu tiếp theo FECON được HATECO lựa chọn thực hiện cho dự án này.

Trúng thầu 1.300 tỷ đồng sau 2 tháng đầu năm, FECON kỳ vọng "xóa nhòa" khoản lỗ
Hoạt động xây dựng của FECON.

Trong gói thầu này, FECON đảm đương nhiệm vụ thiết kế, thi công đường chính, đường phụ, đường nhánh, đường bảo dưỡng; thi công dầm ERTG, dầm kê container; thi công thoát nước mưa, thoát nước thải; thi công cấp nước sinh hoạt, chữa cháy; và thi công hệ thống điện (phần móng) của bến số 5, 6.

Tương tự, trong tháng 1, doanh nghiệp này trúng thầu gói “Thi công cầu cảng Dự án Mở rộng bến cảng Baria Serece tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” với chủ đầu tư là Công ty CP Dịch vụ Xuất nhập khẩu Nông Lâm Sản và Phân bón Bà Rịa. FECON sẽ nhận trách nhiệm hạng mục thi công gồm: Nạo vét khu nước trước bến; thi công cầu cảng; thi công hệ thống điện, nước với tổng giá trị hợp đồng hơn 100 tỷ đồng.

Không chỉ "khoe" các gói thầu thi công hạ tầng cảng biển & logistic, về mảng xây dựng hạ tầng, FECON trúng gói thầu “Thi công hạng mục nhà ga Hà Nội tại Dự án Tuyến cáp treo Hương Bình” của Tập đoàn Thái Bình Dương trị giá hơn 200 tỷ đồng.

Ngoài các dự án được nêu trên, FCN sẽ tham gia vào gói thầu thi công hạ tầng thuộc Dự án Khu phức hợp căn hộ cao cấp kết hợp thương mại tại Bình Dương, tổng giá trị hợp đồng hơn 180 tỷ đồng; đảm nhận thi công gói thầu “EDT.INFR.BP01 - Thi công Hạ tầng Kỹ thuật - Hardscape Cảnh quan - Trạm xử lý nước thải” với tổng giá trị hợp đồng hơn 60 tỷ đồng cho dự án khu dân cư 15ha Thị xã Bình Long (Cát Tường Edu Town).

Các dự án nhỏ khác cũng mang về cho doanh nghiệp nhà thầu khoảng 28 tỷ đồng giá trị hợp đồng.

Như vậy, trong 2 tháng đầu năm 2024, FECON trúng thêm nhiều gói thầu mới với tổng giá trị sau thuế đạt hơn 1.300 tỷ đồng, nâng tổng giá trị các hợp đồng đang triển khai của FCN trong năm 2024 lên khoảng 6.000 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, năm 2023 là một năm trầm lắng đối với nhà thầu này khi FECON báo lỗ sau thuế 43,1 tỷ đồng, ghi nhận năm thua lỗ đầu tiên trong hơn chục năm gần đây. Hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn khiến doanh thu trong năm chỉ đạt 2.879 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2022. Mặc dù đã nỗ lực giảm chi phí bán hàng, chi phí quản lý, nhưng chi phí lãi vay tăng cao và dư nợ vay lớn khiến FECON lâm vào cảnh thua lỗ.

Theo giải trình từ doanh nghiệp, doanh thu hoạt động tài chính Hợp nhất giảm 130,93 tỷ đồng nguyên nhân chủ yếu là do Quý IV/2022 Công ty ghi nhận doanh thu từ bán dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6. Vì vậy, dù Quý IV doanh thu và lợi nhuận gộp tăng lên tương đối xong vẫn chưa đủ bù đắp cho khoản chênh lệch này.

Lợi nhuận khác của Hợp nhất giảm 29,32 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ giảm 114,39% so với cùng kỳ báo cáo nguyên nhân chủ yếu là do Quý IV/2022 Công 2 ty ghi nhận thu nhập từ hợp đồng hợp tác sử dụng chung đường dây truyền tải điện nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng.

Đầu năm 2023, FECON đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận lần lượt 3.500 tỷ đồng và 125 tỷ đồng; như vậy, sau một năm kinh doanh, FECON thực hiện được 76% và 0% mục tiêu của Ban lãnh đạo đề ra.

Tình hình kinh doanh - dòng tiền khó khăn cũng ảnh hưởng đến việc chi trả cổ tức cho cổ đông. Sau khi Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào cuối tháng 4/2023 thông qua quyết định trả cổ tức tiền mặt 5% vốn điều lệ theo phương án phân phối lợi nhuận của năm 2022, đến cuối tháng 2/2024, Công ty mới thông báo chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức. Tổng số tiền cần cho đợt chi trả này là 78,7 tỷ đồng, tương đương 0,89% quy mô tài sản - nguồn vốn của FECON đến cuối năm 2023. Tuy vậy, theo lộ trình dự kiến, cổ đông sẽ nhận trước 20% số cổ tức (100 đồng/cp) vào cuối tháng 3/2024, 80% còn lại (400 đồng/cp) dự kiến phải đến tháng 12/2024 mới về tài khoản của cổ đông.

Trước đó, tại Nghị quyết HĐQT tháng 12/2023, FECON lý giải nguyên nhân kéo dài thời hạn thanh toán cổ tức là do diễn biến của thị trường xây dựng chung không thuận lợi, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối thu chi gặp nhiều khó khăn.

Từ đầu năm đến nay, việc liên tiếp trúng nhiều gói thầu cùng mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn đáng kể so với giai đoạn đầu năm 2023 là cơ sở để kỳ vọng lợi nhuận của FECON sẽ phục hồi trong năm 2024. Bên cạnh kỳ vọng phục hồi ở mảng kinh doanh truyền thống là thi công xây lắp nền móng và công trình ngầm phục vụ xây dựng dân dụng, công nghiệp và hạ tầng giao thông, trong nửa cuối năm 2024, kết quả kinh doanh của FECON còn được kỳ vọng sẽ có sự đóng góp của mảng cho thuê khu công nghiệp. Cụ thể, cuối năm 2022, Công ty CP FECON Hiệp Hòa - công ty con của FECON, đã nhận quyết định trở thành Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Dự án Cụm khu công nghiệp Danh Thắng - Đoan Bái tại Bắc Giang với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Dự án này dự kiến đưa vào khai thác từ quý III/2024.

Lãi ròng "đảo cực" về số âm, FECON tăng khoản nợ tài chính lên hơn 1.000 tỷ đồng

Sau khi trừ đi chi phí và thuế, nhà thầu FECON ghi nhận sự sụt giảm lãi ròng quý IV/2023 về con số -43,5 tỷ ...

Khoáng sản Hà Giang (HGM) "rục rịch" thoái vốn tại KHD sau 2 lần bán "hụt"

Trong phiên 13/04, cổ phiếu KHD giao dịch quanh vùng 9.700 đồng/cp. Tạm tính, Khoáng sản Hà Giang có thể thu về hơn 11 tỷ ...

Dệt may Hòa Thọ (HTG) lĩnh án phạt nặng từ Cục Thuế TP. Đà Nẵng

Là doanh nghiệp nòng cốt thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Dệt may Hòa Thọ (HTG) vừa bị Cục Thuế Đà Nẵng xử ...

Tuấn Khải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán