Trung tâm liên kết nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Một điểm đến đa dịch vụ, gắn kết 3 nhà

(Banker.vn) Trung tâm liên kết nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một điểm đến đa dịch vụ, gắn kết 3 nhà: Nhà nông - Nhà sản xuất - Doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
350 gian hàng tham gia Hội chợ Công Thương vùng Đồng bằng sông Cửu Long Bàn giải pháp nâng tầm giá trị nông sản Việt Gỡ vướng cho tăng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản, lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thúc đẩy kinh tế vùng

Tại Diễn đàn Kinh tế thường niên thành phố Cần Thơ năm 2023 với chủ đề: “Vai trò và giải pháp liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức ngày 15/9, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long giữ vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và trong giao thương với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tiểu vùng sông MeKong. Năm 2020 quy mô kinh tế của vùng đạt 970.000 tỷ đồng, chiếm 11,95% tổng sản phẩm (GDP) cả nước. Khu vực này cũng là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước và đóng góp lớn vào xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn gặp nhiều khó khăn về quy mô nhỏ lẻ, giá trị kinh tế thấp; nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp nhất so với các vùng khác trong cả nước. Ngoài ra, hạ tầng giao thông nội và liên vùng vẫn thiếu và yếu, giao thông kết nối yếu kém dẫn đến tăng chi phí vận chuyển trong các chuỗi giá trị sản xuất, dẫn đến giảm sức cạnh tranh của hàng hóa; biến đổi khí hậu vẫn đang tác động lớn đến vùng.

Trung tâm liên kết nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Một điểm đến đa dịch vụ, gắn kết 3 nhà
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước và đóng góp lớn vào xuất khẩu của ngành nông nghiệp

Ông Trường nhấn mạnh, theo Quyết định 816/QĐ-TTg ngày 7/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đặc biệt là Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Cần Thơ đã quy định về việc phát triển 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp tại khu vực.

Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc hình thành Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại TP. Cần Thơ. Trung tâm được xây dựng với định hướng chiến lược trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, với vai trò liên kết nguồn lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Việc hình thành Trung tâm với mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ”, có vai trò gắn kết 3 nhà: Nhà nông - Nhà sản xuất - Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.

“Việc hình thành Trung tâm sẽ tập hợp các nguồn lực có khả năng tham gia giải quyết những bài toán lớn của vùng, như chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vấn đề logistics hậu cần, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Trung tâm đóng góp quan trọng vào việc tạo ra thế và lực để TP. Cần Thơ thực hiện vai trò là cực kết nối giữa các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh, kết nối với các nước tiểu vùng sông Mekong, đây là một hướng đi mới cho TP. Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Trường nêu đột phá.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP. Cần Thơ nhận định, Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại TP. Cần Thơ sẽ đóng góp vào phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến thu hút đầu vào cơ sở hạ tầng của Trung tâm ước khoảng 6.600 tỷ đồng và hơn 9.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư vào khai thác thứ cấp trong thời gian tới.

Góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu cho các mặt hàng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là giúp người dân, doanh nghiệp chủ động tổ chức sản xuất, ổn định thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản thông qua việc nâng cao năng lực xuất khẩu hàng nông sản góp phần vào tăng trưởng GRDP, phát triển kinh tế nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trung tâm liên kết nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Một điểm đến đa dịch vụ, gắn kết 3 nhà
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP. Cần Thơ cho biết, Trung tâm liên kết nông sản tại TP. Cần Thơ có 10 chức năng chính

Đồng thời, nâng cao trình độ sản xuất, thương mại, dịch vụ cho lực lượng sản xuất trong vùng, tiếp cận trình độ quốc tế. Góp phần tạo công ăn việc làm, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp và giá trị gia tăng cao hơn cho người lao động, doanh nghiệp, góp phần ổn định sinh kế, đời sống, xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

10 chức năng chính

Theo ông Tùng, Trung tâm liên kết nông sản tại TP. Cần Thơ sẽ gồm 10 chức năng chính:

Thứ nhất, là đầu tư và phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất và dịch vụ, nhất là dịch vụ logistics;

Thứ hai, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, ưu tiên các loại công nghệ để hình thành các chuỗi cung ứng gắn kết các nhà sản xuất nguyên liệu, nhà chế biến, thương nhân, các nhà vận chuyển, dịch vụ logistics, nhà phân phối và khách hàng, người tiêu dùng cùng các bên liên quan khác;

Thứ ba, cung cấp các dịch vụ công: Hải quan, bao gồm soi chiếu container; chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm;

Thứ tư, dịch vụ hỗ trợ: Văn phòng cho thuê; bưu điện; ngân hàng; bảo hiểm; ăn nghỉ, vui chơi giải trí; nhà ở nhân viên, công trình hạ tầng xã hội và các tiện ích khác;

Thứ năm, kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu; tổ chức hội chợ, triển lãm; trưng bày, trải nghiệm sản phẩm; gian hàng bán tại chỗ; sàn giao dịch nông sản;

Thứ sáu, dịch vụ logistics: Kho bãi, xếp dỡ, trung tâm phân loại, phân phối hàng hóa; cảng cạn (ICD); giao nhận vận tải quốc tế; bến xe hàng hóa; kiểm định và phân tích kỹ thuật; thu gom xử lý phế thải;

Thứ bảy, khu phi thuế quan: Kho ngoại quan (hàng tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập, quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển); kinh doanh hàng miễn thuế;

Thứ tám, sản xuất, chế biến nông sản; cung ứng vật tư, nguyên liệu, thiết bị, công nghệ cho ngành nông nghiệp;

Thứ chín, dịch vụ tư vấn đầu tư, các chuyên môn khoa học, kỹ thuật về sản xuất nông, thủy sản; nghiên cứu sản xuất nguyên liệu và chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, chế phẩm sinh học, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản;

Thứ mười, đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các cấp quản trị, điều hành, quản lý, giám sát, kỹ thuật nghiệp vụ trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đào tạo chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia nông nghiệp công nghệ cao và quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trung tâm liên kết nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Một điểm đến đa dịch vụ, gắn kết 3 nhà
Trung tâm liên kết nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Một điểm đến đa dịch vụ, gắn kết 3 nhà

Chia sẻ về các đề xuất, giải pháp trước mắt và trung hạn về logistics và chuỗi cung ứng hàng hóa cho thực hiện Trung tâm sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhấn mạnh, giải pháp trước mắt cần tối ưu hóa sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có, theo đó, nâng cấp và bảo trì các công, kho, bến bãi để đảm bảo hoạt đồng hiệu quả.

Đồng thời, đầu tư vào hệ thống chuỗi lạnh để duy trì chất lượng sản phẩm nông sản. “Đồng bằng sông Cửu Long sở hữu khoảng 30% số lượng kho lạnh của khu vực phía Nam, chủ yếu phân bố tại Long An, Cần Thơ và Hậu Giang. Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy có khả năng cung cấp khoảng 239.950 pallet, chiếm khoảng 48% tổng năng lực kho lạnh của Việt Nam. Tuy nhiên hiện tại theo thống kê có duy nhất 1 kho lạnh tại Cần Thơ và các kho đều hoạt động 1 công đoạn chưa thể kết nối thành 1 chuỗi cũng ứng nên cần xây dựng trung tâm đầu mối logistics để có thể tạo thành 1 chuỗi cũng ứng hoàn chỉnh từ việc hướng dẫn bà con nuôi trồng thu hoạch theo quy chuẩn đến việc hướng dẫn bảo quản xuất khẩu hàng hóa đúng cách tiết kiệm chi phí thời gian và bảo đảm năng suất hiệu quả”, ông Đào Trọng Khoa nhấn mạnh.

Về giải pháp lâu dài, trước hết cần phát triển trung tâm thu gom, xây dựng trung tâm thu gom hiện đại và đầu mối tập trung để tối ưu hóa với cơ chế thủ tục hải quan, tài chính cần được thực hiện thông thoáng tại Trung tâm này. Đồng thời, có cơ chế chính sách về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, giao đất, miễn thuế đất từ 5 - 10 năm cho các doanh nghiệp kinh doanh kho bãi lạnh, cảng biển tại Đồng bằng sông Cửu Long vì chi phí đầu tư lớn.

Bên cạnh đó, cần thiết lập một nền tảng giao dịch điện tử cho các sản phẩm nông sản để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán và quản lý dữ liệu.

Đồng thời, tăng cường hợp tác liên kết, tạo cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp logistics và các đối tác trong chuỗi cung ứng để tăng cường tính hiệu quả. Theo đó, Phó Chủ tịch thường trực VLA nhấn mạnh tới việc tạo cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp logistics và các đối tác trong chuỗi cung ứng để tăng cường tính hiệu quả. Tập trung vào việc phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics đủ mạnh, nhất là các doanh nghiệp cung dịch vụ logistics trọn gói 3PL và 4PL liên kết hiệu quả với thị trường quốc tế.

Ông Khoa cũng đề xuất, thành lập Hiệp hội logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long với trung tâm là Cần Thơ. Đồng thời, hợp tác giữa các doanh nghiệp liên quan trong kiểm tra chất lượng, chiếu xạ hoa quả cần tiến hành tại chỗ thay vì đưa đi xa như hiện nay. Ứng dụng khoa học công nghệ về thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, ứng biến với từng thị trường. Tận dụng được lợi thế về thị trường mới và thuế mà các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA và RCEP mang lại, giúp giảm thiểu hàng hóa xuất khẩu hoa quả tiểu ngạch.

Hơn hết, cần xác định mặt hàng chủ lực của mỗi địa phương trong khu vực, tập trung quy trình chuẩn và có cơ chế đặc biệt để phát triển thâm nhập các thị trường xuất khẩu khó tính nhất và chính ngạch. Ngoài ra, cần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Bà Trương Thị Lan, Trưởng phòng Chính sách Xúc tiến Thương mại, Cục xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị, Trung tâm cần phối hợp với các bộ, ngành cơ quan liên quan xây dựng chiến lược xúc tiến thương mại vào từng thị trường một cách cụ thể cho từng mặt hàng chủ đạo của vùng, chú trọng các mặt hàng thế mạnh, có ưu thế cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, bao bì đóng gói đúng quy chuẩn.

“Đặc biệt, đẩy mạnh nghiên cứu các chiến lược phát triển nông nghiệp theo định hướng kinh tế xanh như giảm thiểu phát thải carbon, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường...” - bà Lan chia sẻ.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục