Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam

(Banker.vn) 10 tháng năm 2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam đạt 57.723 tấn, chiếm 25,8% thị phần và tăng 265,3% so cùng kỳ.
Việt Nam là nhà cung cấp hồ tiêu lớn nhất tại thị trường Hàn Quốc Sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2024 dự báo sẽ giảm từ 10% đến 15%

10 tháng năm 2023, xuất khẩu hồ tiêu thu về 750,8 triệu USD

Theo thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tháng 10/2023 Việt Nam xuất khẩu được 19.193 tấn hồ tiêu các loại, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 72,7 triệu USD. So với tháng 9/2023, lượng hồ tiêu xuất khẩu tăng 15,4%, kim ngạch tăng 17,3%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng 10/2023 đạt 3.664 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.211 USD/tấn, giảm 0,7% đối với tiêu đen và tăng 1,1% đối với tiêu trắng so với tháng 9/2023.

Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Trung Quốc gia tăng sức ép cạnh tranh?
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam

Trong tháng 10/2023, thị trường Hoa Kỳ chiếm 26,9% lượng xuất khẩu của hồ tiêu Việt Nam đạt 5.169 tấn và tăng 34,5% so với tháng trước. Tiếp theo thị trường Trung Quốc đạt 1.738 tấn, giảm 21,9% so với tháng trước; thị trường Ấn Độ đạt 1.300 tấn, tăng 31% so với tháng trước…

Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu trong tháng 10 bao gồm: Nedspice đạt 1.921 tấn, tăng 46,3%; Olam Việt Nam đạt 1.918 tấn, tăng 44,0%; Phúc Sinh đạt 1.113 tấn, giảm 19,9%; Harris Freeman đạt 1.028 tấn, tăng 50,7% và Trân Châu đạt 894 tấn, giảm 13,2%…

Tính đến hết tháng 10/2023, Việt Nam xuất khẩu được 223.578 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 200.571 tấn, tiêu trắng đạt 23.007 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 750,8 triệu USD, trong đó tiêu đen đạt 640,2 triệu USD, tiêu trắng đạt 110,6 triệu USD.

So với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu hồ tiêu tăng 14,6%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại giảm 11,7%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 10 tháng năm 2023 đạt 3.553 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.082 USD/tấn, so với cùng kỳ năm trước, giá xuất khẩu tiêu đen giảm 17,6% đối với tiêu đen và 15,6% đối với tiêu trắng.

Nedspice là doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất 10 tháng đạt 15.462 tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp theo là một số doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu trong Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam bao gồm: Olam Việt Nam đạt 15.326 tấn; Trân Châu đạt 14.144 tấn; Phúc Sinh đạt 12.720 tấn và Haprosimex JSC đạt 9.015 tấn.

10 tháng năm 2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam đạt 57.723 tấn, chiếm 25,8% thị phần và tăng 265,3% so cùng kỳ, tuy nhiên lượng nhập khẩu những tháng gần đây của Trung Quốc đang có chiều hướng giảm sau khi đã mua đủ lượng hàng từ 2 quý đầu năm.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn thứ 2 của Việt Nam đạt 42.600 tấn, chiếm 19,1% thị phần và so cùng kỳ giảm 6,3%.

Khu vực châu Âu chiếm tỷ trọng 19,0% thị phần xuất khẩu và so cùng kỳ giảm 4,8%, trong đó, Đức giảm 7,4% đạt 7.754 tấn, Hà Lan giảm 4,7% đạt 6.582 tấn, Nga giảm 8,1% đạt 4.662 tấn, Anh giảm 8,1% đạt 4.077 tấn.

Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Ấn Độ đạt 10.538 tấn, giảm 8,5% so với cùng kỳ; thị trường UAE đạt 10.025 tấn, giảm 29,8% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu hồ tiêu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Pakistan cũng giảm trong khi xuất khẩu sang Philippines, Thái Lan, Iran, Saudi Arab lại tăng so với cùng kỳ.

2 thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp ghi nhận xuất khẩu tăng mạnh 69,7% và 31,1% lần lượt đạt 3.900 tấn và 3.097 tấn.

Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường châu Phi tăng 9,9% trong đó Ai Cập tăng 30,1% đạt 3.687 tấn, Nam Phi tăng 10,5% đạt 1.957 tấn và Senegal tăng 35,6% đạt 1.863 tấn.

Thị trường xuất khẩu vẫn thiếu vắng những tín hiệu khởi sắc

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, xuất khẩu hồ tiêu sẽ duy trì ở mức thấp do nguồn cung nội địa không còn dồi dào, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Hoa Kỳ và EU chưa thực sự khởi sắc. Hiện lượng hồ tiêu xuất khẩu có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam đã hết.

Trong các tháng cuối năm nay, doanh nghiệp sẽ xuất khẩu từ lượng hàng nhập khẩu và tồn kho từ trước. Ước tính tổng lượng hàng tồn và nhập khẩu đạt khoảng 80.000 tấn, trong khi tiêu thụ nội địa khoảng 10.000 tấn và lượng hàng tồn chuyển qua năm sau khoảng 30.000 tấn, thì sẽ còn lại khoảng 50.000 tấn để xuất khẩu cho các tháng cuối năm nay.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 giao dịch tiêu ở Việt Nam sôi động vì vừa kết thúc vụ thu hoạch, tiêu còn mới. Tuy nhiên, đến quý III và IV, khách hàng sẽ tìm đến các nước như Brazil và Indonesia để mua vì đây là thời điểm thu hoạch hồ tiêu của hai nước này.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện lượng tồn kho hồ tiêu thực tế trong dân không còn nhiều, phần lớn chỉ còn trong đại lý và một số nhà đầu cơ. Trong khi đó, một số doanh nghiệp chế biến cũng đã có đủ lượng hàng để chế biến cuối năm nên vẫn chưa thực sự cần phải mua vào thời điểm này.

Trong dài hạn, nguồn cung tiêu của Việt Nam được dự báo sẽ thiếu hụt do sự cạnh tranh khốc liệt của những loại cây trồng khác như sầu riêng, chanh leo.

Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định, nếu việc chặt tiêu để chuyển sang trồng cây ăn quả kéo dài thì có thể trong 3 năm tới nguồn cung sẽ thiếu hụt. “Nếu sản lượng của Việt Nam giảm sâu trong 3 năm tới do làn sóng chuyển dịch cây trồng diễn ra mạnh mẽ có thể khiến nông dân “lỡ sóng” giá tiêu”, bà Hoàng Thị Liên chia sẻ.

Về thị trường, bà Hoàng Thị Liên nhận định, trong bối cảnh suy thoái kinh tế, xung đột Nga – Ukraina, xung đột Israel - Palestine ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu trong đó có yếu tố giá dầu và tình hình thương mại thế giới nói chung.

Nhiều quốc gia rơi vào tình trạng khan hiếm ngoại tệ. Việt Nam phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu nên đã chứng kiến sự sụt giảm của các ngành hàng nói chung, và nhóm hàng hồ tiêu và cây gia vị cũng không phải là ngoại lệ.

Bên cạnh đó, các chính sách quản lý vĩ mô, sức mua, sức tiêu thụ của các thị trường lớn, trong đó có Hoa Kỳ và EU là thị trường trọng điểm của Việt Nam khả năng sẽ khó hồi phục trong ngắn hạn.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục