Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam

(Banker.vn) Trung Quốc tiếp tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm 24,6% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tính hết tháng 9/2023.
Ai Cập là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở Bắc Phi Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Campuchia đạt gần 5 tỷ USD trong 9 tháng

Theo số liệu thống kê sơ bộ vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tháng 9/2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 6,25 tỷ USD, tăng 8,1% so với tháng trước và tăng gần 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, rau quả tiếp tục là một trong những nhóm hàng xuất khẩu ấn tượng sang thị trường Trung Quốc với kim ngạch đạt 491,2 triệu USD, tăng 84,5% so với tháng trước và tới 441% so với cùng kỳ 2022.

Tính chung hết tháng 9, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 42,86 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2022. Hết tháng 9/2023, Việt Nam có 10 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường này đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, dẫn đầu là: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 10,9 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 10 tỷ USD; rau quả đạt 2,75 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong 9 tháng qua đạt 79,2 tỷ USD, giảm 12,38 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam - Ảnh: TTXVN

Trong đó, có 2 nhóm hàng có kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 16,6 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 16,2 tỷ USD. Ngoài ra, còn 12 nhóm hàng khác đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên như: Vải; điện thoại các loại và linh kiện; sắt thép; sản phẩm từ chất dẻo; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày… Như vậy, hết tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 122,06 tỷ USD, trong đó nước ta nhập siêu 36,34 tỷ USD.

Hiện nay, Trung Quốc tiếp tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm 24,6% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tính hết tháng 9.

Cùng với đó, việc Trung Quốc cũng là một thành viên thuộc khối Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được các chuyên gia đánh giá, Trung Quốc có thể sử dụng Hiệp định RCEP để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm thêm các quan hệ đối tác mới với các nước ASEAN, điều này sẽ giúp nước trong khối củng cố chuỗi công nghiệp và duy trì tính cạnh tranh. Hiện, Trung Quốc cũng đang nỗ lực thúc đẩy đa dạng quan hệ hợp tác thương mại với các quốc gia khác thông qua các hiệp định thương mại trong khu vực, đặc biệt là RCEP.

Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư cạnh tranh hơn nhờ RCEP giúp Việt Nam thu hút thêm vốn đầu tư từ ASEAN và các nước đối tác. Với RCEP, các quốc gia thành viên ASEAN đã thống nhất sự cần thiết phải áp dụng một cách tiếp cận toàn diện để xây dựng môi trường thuận lợi hóa đầu tư cạnh tranh trong khu vực. Điều này cho phép thu hút thêm đầu tư từ ASEAN và 5 đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand trong khuôn khổ RCEP.

Theo cách tiếp cận này, việc tạo thuận lợi cho đầu tư sẽ bao gồm đăng ký và phê duyệt kinh doanh, giấy phép, các yêu cầu và quy trình hành chính khác, cũng như các thủ tục liên quan đến thuế và an sinh xã hội. Với cam kết trong RCEP, các nước thành viên xóa bỏ 87,8 - 98,3% số dòng thuế cho Việt Nam và các nước ASEAN cam kết giảm 85,9 - 100% số dòng thuế. Lộ trình xóa bỏ thuế quan dài nhất là 15 - 20 năm kể từ khi RCEP có hiệu lực vào ngày 1/1/2022.

Từ thực tế, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Với việc tham gia RCEP, Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan mức cơ bản 0% đối với gần 90% hàng hóa giao dịch; quy tắc xuất xứ có giá trị trong toàn bộ khu vực địa lý RCEP; quy định mạnh mẽ hơn về thương mại dịch vụ và đầu tư nước ngoài xuyên biên giới; nhiều quy tắc mới về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử.

Như vậy, để tận dụng cơ hội từ RCEP để bứt phá xuất khẩu sang Trung Quốc, các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng cần cải thiện chất lượng và giá trị gia tăng của hàng hóa, tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường của Trung Quốc, nắm rõ các quy tắc xuất xứ và thủ tục hải quan, kiểm tra kỹ thông tin đối tác, hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu và tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc… Từ đó, làm gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc và góp phần nâng cao vị thế kinh tế Việt Nam.

Trưa 17/10 theo giờ địa phương, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam đã đến sân bay Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, bắt đầu các hoạt động của Chương trình tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba từ ngày 17 đến ngày 20/10.

Theo chương trình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ dự Lễ khai mạc Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì; Dự và phát biểu tại Phiên họp cấp cao có chủ đề: Kinh tế số - Động lực mới của tăng trưởng; Dự Chiêu đãi chào mừng các Trưởng đoàn và Phu nhân các nước do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc và Phu nhân chủ trì.

Thông tin về sự kiện này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận định sự tham dự của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương và sự chủ động tích cực trong việc tăng cường hợp tác và liên kết kinh tế khu vực cũng như toàn cầu. Việc này có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, các nước mong muốn tăng cường liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.

Hà Hương

Theo: Báo Công Thương