Đúng như dự đoán, hôm nay, ngày 22/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) – Ngân hàng Trung ương của Trung Quốc tiếp tục cắt giảm lãi suất một lần nữa chỉ trong vòng 1 tuần để vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn do chịu tác động của một cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản và việc phải sử dụng nhiều lần các biện pháp phong tỏa nhằm phòng, chống dịch COVID-19.
Sau cuộc họp hàng tháng, PBOC đã hạ lãi suất cơ bản khoản vay một năm 5 điểm cơ bản xuống 3,65% từ 3,7%, trong khi lãi suất 5 năm giảm 15 điểm cơ bản, từ 4,45% xuống 4,3% nhằm giảm chi phí thanh toán các khoản vay hiện có.
Nền kinh tế Trung Quốc đã tránh được sự suy giảm trong quý II/2022 với mức tăng chỉ 0,4% do các đợt phong tỏa để phòng chống dịch bệnh đã đè nặng lên chi tiêu công nghiệp và tiêu dùng. Việc cắt giảm lãi suất ngày hôm nay diễn ra sau việc cắt giảm lãi suất chủ chốt đối với các khoản cho vay ngắn hạn vào tuần trước (ngày 15/8) để cải thiện tình hình thanh khoản của các ngân hàng.
Hầu hết các khoản vay mới và cho vay hiện hữu ở Trung Quốc dựa trên lãi suất cơ bản của khoản vay một năm, trong khi lãi suất 5 năm ảnh hưởng đến việc định giá thế chấp, khi lĩnh vực bất động sản lao vào cuộc “tẩy chay” thế chấp đối với nhiều dự án nhà ở chưa hoàn thành của các chủ đầu tư ngập trong nợ.
Iris Pang, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ING cho biết: “Hầu hết các khoản thế chấp nhà đều có liên quan đến lãi suất cơ bản cho khoản vay 5 năm. Vì vậy, việc cắt giảm lãi suất này rõ ràng là để giảm bớt gánh nặng cho người đi vay”. "Một số chính quyền địa phương đã bắt đầu cho các nhà phát triển bất động sản vay để tiếp tục xây dựng những ngôi nhà chưa hoàn thiện. Hai biện pháp kết hợp với nhau sẽ làm giảm mối lo ngại của những người vay thế chấp nhà hiện tại."
Tuần trước, PBOC đã cắt giảm lãi suất đối với các khoản cho vay trung hạn đối với một số ngân hàng từ 10 điểm cơ bản xuống 2,75% từ 2,85% trong khi hạ lãi suất repo đảo ngược bảy ngày - mức lãi suất chủ chốt cung cấp thanh khoản ngắn hạn cho ngân hàng - từ 2,10% xuống còn 2,00%.
Cơ quan nghiên cứu Capital Economics cho biết: "Các mức giảm ngày hôm nay ... tiếp tục cho thấy nỗ lực của PBOC để hỗ trợ nền kinh tế đang suy thoái. Chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục có những nới lỏng thêm trong những tháng tới".
Sự suy yếu trong nhu cầu vay của Trung Quốc đang được thúc đẩy bởi sự mất niềm tin vào thị trường nhà ở và "sự không chắc chắn gây ra bởi sự gián đoạn liên tục từ chiến lược Zero COVID của Trung Quốc," cơ quan này nhận định thêm. "Đây là những lực cản không thể giải quyết dễ dàng bằng chính sách tiền tệ."
Động thái hôm nay của PBoC được đưa ra sau khi số liệu sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ trong tháng 7 của Trung Quốc không mấy khả quan khi nền kinh tế số 2 thế giới phải vật lộn để có được chỗ đứng vững chắc trong bối cảnh thực hiện các đợt phong tỏa liên tục theo chính sách Zero COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc.
Sau hai tháng đóng cửa ở trung tâm tài chính Thượng Hải vào đầu năm nay, các quan chức y tế gần đây đã ra lệnh phong tỏa nhiều hơn trên toàn quốc, từ Tây Tạng đến điểm du lịch nhiệt đới của đảo Hải Nam, nhằm ngăn chặn các đợt bùng phát lặp đi lặp lại do các biến thể Omicron rất dễ lây lan.
Trung Quốc vốn đã phải vật lộn với một thị trường toàn cầu đầy khó khăn, trở nên trầm trọng hơn bởi những lo lắng về xung đột Nga - Ukraine và lạm phát tăng vọt, lại thêm ảnh hưởng bởi đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch.
Bất chấp những thiệt hại kinh tế gây ra bởi các chính sách phòng chống vi rút nghiêm ngặt của mình, Bắc Kinh cho thấy rất ít dấu hiệu từ bỏ chiến lược này ngay cả khi phần lớn thế giới đã giảm bớt các hạn chế.
Đối với thị trường bất động sản, chiếm khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia tỷ dân này, cũng đang chịu áp lực khi hàng nghìn người mua nhà dọa sẽ không trả các khoản vay thế chấp của mình cho đến khi các chủ đầu tư mắc nợ hoàn thành những ngôi nhà đang xây dang dở.
Lĩnh vực bất động sản đã bị ảnh hưởng bởi làn sóng vỡ nợ trái phiếu của các công ty chủ chốt, đáng chú ý nhất là China Evergrande, từng là nhà phát triển bất động sản hàng đầu của đất nước.
Việc làm cũng là một điểm yếu khác, với tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên từ 16 đến 24 tuổi đạt mức kỷ lục 19,9% trong tháng 7, theo dữ liệu trước đó do cơ quan thống kê Trung Quốc công bố. Bức tranh việc làm của thanh niên nghèo dai dẳng đặt ra một vấn đề cho các quan chức khi gần 11 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học gia nhập thị trường việc làm của Trung Quốc trong năm nay.
(Nguồn: Asia Nikkei)
Hải Yến
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|