Trung Quốc tăng mua giúp giá hồ tiêu hồi phục

(Banker.vn) Theo thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong tháng 5/2023 Việt Nam xuất khẩu được 28.759 tấn hồ tiêu các loại.
Đến năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu hồ tiêu và cây gia vị lên 2 tỷ USD Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Trung Quốc có bị gia tăng sức ép cạnh tranh?

Dù đã có sự hồi phục trong trở lại song giá hồ tiêu xuất khẩu vẫn thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2022 trong khi thị trường vẫn có tâm lý chờ giá xuống nhờ nguồn cung của vụ mới từ Indonesia và Brazil.

Theo thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong tháng 5/2023 Việt Nam xuất khẩu được 28.759 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 25.850 tấn, tiêu trắng đạt 2.909 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 89,6 triệu USD, tiêu đen đạt 76,8 triệu USD, tiêu trắng đạt 12,8 triệu USD, so với tháng trước lượng xuất khẩu tăng 9,4%, kim ngạch tăng 7,5%.

Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm hồ tiêu hữu cơ. 	Ảnh: N.H
Xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc ghi nhận tăng mạnh tới 1.669%. Ảnh: N.H

Lũy kế đến hết tháng 5/2023, Việt Nam xuất khẩu được 131.777 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 119.832 tấn, tiêu trắng đạt 11.945 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 408,9 triệu USD, tiêu đen đạt 354,1 triệu USD, tiêu trắng đạt 54,7 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 30% tương đương 30.438 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu giảm 12,7% tương đương giảm 59,5 triệu USD.

Xuất khẩu sang khu vực châu Á tiếp tục là điểm sáng, đạt 78.907 tấn, tăng 77,2% và chiếm gần 60% thị phần xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính đạt 46.169 tấn, chiếm 35% và tăng 1.669% so với cùng kỳ năm 2022.

Trái ngược với sự khởi sắc tại thị trường Trung Quốc, xuất khẩu sang Ả Rập ghi nhận giảm 25,3%, chỉ đạt 6.230 tấn; Ấn Độ giảm 40,7%, ở mức 4.989 tấn. Xuất khẩu hồ tiêu sang khu vực châu Mỹ cũng giảm 13,1%, trong đó lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm 15,5%, đạt 21.093 tấn; khu vực châu Âu giảm 9,4. Riêng khu vực châu Phi ghi nhận tăng 38,9% trong đó Ai Cập đạt 2.179 tấn, tăng 140%; Senegal đạt 1.523 tấn, tăng 104,4% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường nhập khẩu tiêu trắng hàng đầu của Việt Nam gồm: Trung Quốc: 1.803 tấn, Hoa Kỳ: 1.610 tấn, Đức: 1.432 tấn, Hà Lan: 1.034 tấn.

Trong tháng 5, giá xuất khẩu bình quân đối với tiêu đen đạt 3.540 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.024 USD/tấn, tăng lần lượt 85 USD và 154 USD so với tháng 4/2023, tương ứng mức tăng 2,5% và 3,2%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, giá xuất khẩu vẫn sụt giảm 17% đối với tiêu đen và 16% đối với tiêu trắng.

Ở thị trường trong nước, giá hồ tiêu cũng tăng mạnh lến 73.000 đồng/kg đối với tiêu đên và 106.000 đồng/kg với tiêu trắng, tăng lần lượt 9% và 6% so với tháng 4/2023.

Theo VPA, giá tăng tại thị trường Việt Nam do có đơn hàng dồn dập từ thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, với tâm lý chờ đón thêm hàng vụ mới từ Indonesia và Brazil sẽ giúp giá giảm nên chưa có sự sôi động giao dịch từ thị trường EU và Hoa Kỳ. Ngoài ra trên thực tế lượng hàng tồn từ các năm trước cũng giúp các nhà mua từ EU và Hoa Kỳ nấn ná chưa vội tham gia thị trường trong 5 tháng qua. Thị trường đang có sự giằng co giữa người mua và người bán.

Trước tình hình này, VPA khuyến cáo doanh nghiệp cần cân nhắc và tỉnh táo, cẩn trọng đánh giá khả năng tài chính khi ký hợp đồng số lượng lớn, giao xa, với giá thấp do khi các nước vào vụ giá xuống; và khi giá lên không mua đủ để giao xa, gặp rủi ro và tổn thất như đã xảy ra trong vụ mùa 2022, ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh.

VPA cũng lưu ý rằng Trung Quốc sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm đáp ứng các yêu cầu tuân thủ về tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc kể cả đối với hàng hóa trao đổi cư dân biên giới. Do đó, các doanh nghiệp cần sớm chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu cần thiết trong thời gian tới.

haiquanonline.com.vn

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục