Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam tăng hơn 1.000% về lượng và giá trị

(Banker.vn) Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam tăng 1.107% về lượng và tăng 1.035,8% về trị giá so với năm 2022.
Thêm đối thủ mới của sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc Đã có 708 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc

Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong giai đoạn 2019 - 2023, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tăng trưởng bình quân 27,8% về lượng.

giữa tháng 7/2022, Chính thức ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc
Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng 34,6%

Riêng năm 2023, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh, đạt 1,4 triệu tấn, trị giá 6,7 tỷ USD, tăng 72,9% về lượng và tăng 65,6% về trị giá so với năm 2022; tăng 135,8% về lượng và tăng 318,5% về trị giá so với năm 2019. Giá sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc năm 2023 trung bình ở mức 4.709,6 USD/tấn, giảm 4,2% so với năm 2022.

Trước đây, Thái Lan là thị trường cung cấp sầu riêng chủ yếu cho Trung Quốc. Sang năm 2023, thị phần sầu riêng Thái Lan trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm xuống còn 65,1%, đạt 929 nghìn tấn, trị giá 4,57 tỷ USD, tăng 18,5% về lượng và tăng 18% về trị giá so với năm 2022. Giá sầu riêng nhập khẩu bình quân từ thị trường Thái Lan ở mức 4.709,6 USD/tấn, giảm 4,2% so với năm 2022.

Đáng chú ý, năm 2023, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam, đạt 493 nghìn tấn, trị giá 2,1 tỷ USD, tăng 1.107,0% về lượng và tăng 1.035,8% về trị giá so với năm 2022. Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh lên 34,6%. Giá sầu riêng nhập khẩu trung bình từ Việt Nam đạt 4.332,2 USD/tấn, giảm 5,9% so với năm 2022.

Sầu riêng tươi của Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc từ tháng 7/2022.

Đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, Việt Nam hiện có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia tỉ dân này. Trong đó, có 708 mã số vùng trồng được cấp phép.

Hiện có 23 địa phương ở Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này. Về cơ sở đóng gói, hiện có 22 địa phương có mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã hoàn thành thủ tục và hồ sơ đề nghị Trung Quốc cấp phép nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam. Nếu sầu riêng đông lạnh Việt Nam được cấp phép, triển vọng xuất khẩu mặt hàng này sẽ tiếp tục khả quan.

Hiện kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 99% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng. Nhu cầu xuất khẩu tăng cao khiến giá bán tăng cao, diện tích trồng sầu riêng cũng tăng.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, vào đầu năm 2023, diện tích sầu riêng ở các tỉnh Nam Bộ là 47.208 ha, đến đầu năm 2024 đã là 62.173 ha, tăng gần 15.000 ha. Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên hiện có 57.101 ha sầu riêng, tăng hơn 19.200 ha chỉ sau một năm.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho rằng, cơ hội xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung còn rất lớn. Đặc biệt, các quốc gia trồng loại trái cây này chỉ thu theo mùa vụ, trong khi nước ta được thu quanh năm. Đây chính là thế độc quyền của sầu riêng Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đi vào thực thi giúp vận tải biên giới thuận lợi hơn. Do đó, việc Việt Nam tăng cường xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí. Từ đó, sầu riêng Việt Nam có giá thành cạnh tranh hơn so với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan.

Ông Đặng Phúc Nguyên nhận định, với sản lượng sầu tăng cao, công thêm nhiều mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp phép, dự kiến, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD.

Tín hiệu vui ngay tháng đầu năm

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho hay, ước tính, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 1/2024 đạt 510 triệu USD, tăng 24,9% so với tháng 12/2023 và tăng 112,1% so với tháng 01/2023.

Tiếp đà tăng mạnh trong năm 2023, xuất khẩu hàng rau quả tiếp tục tăng trưởng khả quan, bên cạnh đó mức tăng mạnh so tháng 01/2023 cũng là do thời điểm này là kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán, nên hoạt động sản xuất bị gián đoạn.

Tuy nhiên, kết quả tích cực trong tháng đầu năm là tín hiệu tốt cho ngành hàng rau quả trong năm 2024.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2023 là một năm thành công đối ngành hàng rau quả, trong bối cảnh thị trường đối mặt với nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa toàn cầu chậm bởi tác động của lạm phát cao, xung đột địa chính trị gia tăng tại nhiều thị trường lớn. Kết quả đạt được của ngành rau quả là nhờ sự đổi mới trong phương thức sản xuất của doanh nghiệp.

Cùng với đó, Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Ngoài ra, các cơ quan chức năng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, thúc đẩy các giải pháp tạo thuận lợi thương mại…

Trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu trong năm 2023, chủng loại quả đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, trong đó quả sầu riêng góp phần vào mức tăng trưởng mạnh này, đạt 2,2 tỷ USD, tăng 430,1% so với năm 2022. Ngoài ra, các loại quả xuất khẩu khác cũng đạt tốc độ tăng trưởng tích cực như trái mít, xoài…

Ngoài chủng loại quả, xuất khẩu các sản phẩm chế biến cũng tăng trưởng đáng kể trong năm 2023, đây là xu hướng của thị trường và các sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam cũng mang lại kết quả tăng trưởng tích cực, đạt 1,28 tỷ USD, tăng 19,9% so với năm 2022.

Trái cây Việt Nam có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới, đặc biệt là ở các thị trường lớn, khắt khe về chất lượng đã khẳng định vị thế của trái cây Việt Nam, điều này mở ra nhiều cơ hội lớn cho ngành rau quả.

Với kết quả đạt được trong năm 2023, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2024 rất khả quan, khi nhiều chủng loại hàng rau quả của Việt Nam chiếm lĩnh nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Dự kiến trị giá xuất khẩu rau quả trong năm 2024 đạt khoảng 6 tỷ đến 6,5 tỷ USD. Những yếu tố chính thúc đẩy ngành rau quả có thể đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2024 bao gồm: Nhu cầu tại thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất là Trung Quốc vẫn ở mức cao, Việt Nam vẫn đang đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này; Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Australia, Hàn Quốc…

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương